Động thái này tiếp nối nỗ lực của nước láng giềng Malaysia, khi quốc gia này đang cố gắng trở thành trung tâm phát triển AI khu vực, thu hút hàng tỷ USD từ các công ty công nghệ toàn cầu để xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ đám mây và AI.

Indonesia sẽ hoàn thành chiến lược AI quốc gia vào tháng tới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số Nezar Patria chia sẻ, lộ trình AI của Indonesia sẽ là tài liệu toàn diện đầu tiên về AI tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này, kể từ một hướng dẫn đạo đức nhỏ hơn vào năm 2023.
"Lộ trình này sẽ giúp các nhà phát triển AI định hướng thị trường Indonesia, bao gồm về cơ sở hạ tầng và các cụm tính toán", ông Nezar Patria nói, đồng thời cho biết lộ trình sẽ nêu chi tiết việc áp dụng AI trong các lĩnh vực như y tế và nông nghiệp.
Ông Nezar Patria cho hay, lộ trình được thiết kế để xây dựng hệ sinh thái AI toàn diện của Indonesia. "Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư hình dung được tiềm năng của việc ứng dụng AI tại Indonesia. Chúng tôi hy vọng họ sẽ quan tâm đến việc rót vốn đầu tư vào Indonesia", lãnh đạo Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số của Indonesia giải thích.
Theo một báo cáo hồi tháng 4 của Boston Consulting Group, các quốc gia ASEAN được dự báo sẽ đạt được những lợi ích đáng kể nhờ AI, với mức đóng góp vào GDP từ 2,3% đến 3,1% vào năm 2027, trong đó Indonesia được dự đoán sẽ có tác động lớn nhất về tăng trưởng tổng sản lượng quốc nội tuyệt đối.
Tuy nhiên, dù đã có một số khoản đầu tư, tiến độ phát triển tại Indonesia vẫn chậm so với các khu vực khác trong khu vực. Năm ngoái, Nvidia đã hợp tác với công ty công nghệ lớn nhất Indonesia, GoTo Gojek Tokopedia, để phát triển dịch vụ mô hình ngôn ngữ lớn và cung cấp chip cho công ty viễn thông Indosat. Microsoft cũng tuyên bố sẽ đầu tư 1,7 tỷ USD trong vài năm tới để mở rộng dịch vụ đám mây và AI tại Indonesia.
"Chúng tôi đang mở cửa cho tất cả các công ty công nghệ toàn cầu tham gia vào ngành phát triển AI tại Indonesia", ông Nezar Patria cho biết.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư vào các khoáng sản quan trọng, vốn cần thiết cho việc phát triển phần cứng, nhằm giành được thị phần lớn hơn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Indonesia đã đề nghị Hoa Kỳ cùng đầu tư vào một dự án khoáng sản quan trọng như một phần của các cuộc đàm phán về thuế quan. Washington hiện đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế cho Trung Quốc, quốc gia thống trị lĩnh vực này nhưng đã bổ sung một số kim loại hiếm vào danh sách hạn chế xuất khẩu vào tháng 4 để đáp trả các mức thuế của Mỹ.
Nhà phân tích từ trung tâm nghiên cứu PIKAT Demokrasi - nơi theo dõi an toàn AI tại Indonesia, Damar Juniarto, cho rằng nước này chưa sẵn sàng để trở thành một nhà phát triển AI do thiếu cơ sở hạ tầng như chip và thiếu kỹ năng AI trong lực lượng lao động.
Ông Nezar cho biết vẫn còn những rủi ro liên quan đến thông tin sai lệch, quyền sở hữu trí tuệ và rò rỉ dữ liệu. Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết lộ trình sẽ giải quyết những vấn đề này như thế nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận