Xã hội

Bắc Ninh: Đối thoại tạo sự đồng thuận, đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 4

04/04/2025, 14:08

Sáng 3/4, TP Bắc Ninh tổ chức Hội nghị đối thoại với các hộ gia đình và cá nhân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, tại phường Hạp Lĩnh.

(Xây dựng) - Sáng 3/4, TP Bắc Ninh tổ chức Hội nghị đối thoại với các hộ gia đình và cá nhân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh, tại phường Hạp Lĩnh.

img
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh khẳng định sẽ tiếp tục duy trì đối thoại với người dân, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng.

Tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong đó có Bắc Ninh. Đoạn tuyến đi qua tỉnh Bắc Ninh có tổng chiều dài 9,7km, trong đó có một phần đi qua phường Hạp Lĩnh. Việc triển khai dự án đòi hỏi phải thu hồi một diện tích đất lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân trong khu vực.

Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Bắc Ninh, Dự án Vành đai 4 đoạn qua địa phận thành phố thực hiện thu hồi 103,7 ha đất của 4 phường (Võ Cường, Khắc Niệm, Nam Sơn, Hạp Lĩnh). Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng là 2.430 hộ và 124 ngôi mộ có chủ cũng phải di chuyển. Riêng tại phường Hạp Lĩnh, có 26 hộ dân bị thu hồi đất ở với tổng diện tích 3.207,1 m2.

Để thực hiện dự án, thành phố Bắc Ninh đã triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bao gồm đền bù, hỗ trợ và tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Tính đến thời điểm báo cáo (02/4), công tác GPMB tại phường Hạp Lĩnh đã đạt được những kết quả nhất định.

Đối với đất nông nghiệp (chiếm 100,7 ha), công tác GPMB đã hoàn thành. Việc di chuyển mộ cũng đã xong, với 69 ngôi mộ được di chuyển tại Hạp Lĩnh. UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân thuộc phường Hạp Lĩnh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Cụ thể, tổng số hộ đã nhận tiền đền bù là 36/105 hộ, trong đó có 16/20 hộ tại Hạp Lĩnh. Tổng số hộ chưa nhận tiền là 71/105 hộ, trong đó có 4/20 hộ tại Hạp Lĩnh.

img
Người dân mong muốn lãnh đạo thành phố, khi thu hồi sổ đỏ, cũng sẽ đồng thời có phương án hỗ trợ người dân để ổn định cuộc sống.

Đối thoại để tháo gỡ vướng mắc

Để tiếp tục tháo gỡ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thành phố Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị đối thoại (lần thứ 6) với các hộ dân tại khu Tiên Xá, phường Hạp Lĩnh, lắng nghe ý kiến, giải thích rõ các chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, kiến nghị của người dân.

Tại hội nghị, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đã báo cáo chi tiết về tiến độ thực hiện công tác bồi thường, GPMB của dự án. Các vấn đề liên quan đến phương án đền bù, giá đất, bố trí tái định cư… được người dân đặt ra và đại diện các cấp chính quyền, các ban ngành chức năng đã trực tiếp trả lời, giải đáp.

UBND thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Các tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 646-QĐ/TU của Thành ủy Bắc Ninh đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tại Hạp Lĩnh. Trong quá trình triển khai dự án, có một số trường hợp cụ thể phát sinh, đòi hỏi sự xem xét và giải quyết thấu đáo từ phía chính quyền.

Tại Hội nghị đối thoại, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Giang bày tỏ lo lắng về cuộc sống sau này: “Nếu chuyển đi, tôi không biết mình sẽ làm gì để kiếm sống, vì ở đây tôi không chỉ ở mà còn kinh doanh buôn bán. Diện tích đất đền bù hiện tại không đủ để gia đình tôi ổn định cuộc sống. Gia đình tôi có con nhỏ, năm nay mới 30 tuổi, nếu phải chuyển đến nơi ở mới thì số tiền đền bù không đủ để trang trải. Chúng tôi lại phải đi vay mượn thêm. Trong khi đó, cuộc sống của chúng tôi ở đây vốn đã ổn định, có đất, có nhà để ở.

Tôi mong muốn lãnh đạo thành phố, khi thu hồi sổ đỏ, cũng sẽ đồng thời có phương án hỗ trợ người dân, ví dụ như trả lại sổ đỏ mới để chúng tôi có thể vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống. Chúng tôi còn trẻ, chưa có nhiều tích lũy để có thể tự trang trải chi phí nhận đất tái định cư… chúng tôi không hề có ý định giữ tiền đền bù mà không chịu nộp tiền tái định cư. Điều quan trọng là các cơ quan chức năng cần hỗ trợ người dân để chúng tôi có thể bàn giao mặt bằng một cách thuận lợi và nhận được tiền đền bù đúng hẹn”.

“Tôi cũng mong muốn lãnh đạo thành phố xem xét bồi thường thỏa đáng cho gia đình tôi. Mức đền bù hiện tại quá thấp so với giá thị trường. Quyền lợi của người dân cần được đảm bảo”, chị Giang nói.

Liên quan đến công tác bồi thường và tái định cư, một số hộ dân có ý kiến và đề nghị như: Hộ bà Vũ Thị Hiên, ông Ngô Văn Khoa mong muốn được ưu tiên bố trí 02 lô đất tái định cư liền kề nhau ở vị trí góc mặt tiền Quốc lộ 38; có hộ đề nghị được ghi nợ tiền sử dụng đất tái định cư; bồi thường phần bê tông vỉa hè do gia đình tự xây dựng, bồi thường bổ sung bể phốt…

Hộ ông Lê Tuấn Anh, khu Tiên Xá đề nghị bồi thường toàn bộ diện tích đất và tài sản nhà cấp IV mái lợp tôn, bao gồm cả phần nằm ngoài Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với lý do gia đình đã sử dụng ổn định từ năm 1993 đến nay, không có tranh chấp, lấn chiếm và không vi phạm về đất đai…

Trong quá trình tiếp xúc và làm việc liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án, ông Nguyễn Đức Tuyến, Phó Chánh Thanh tra TP Bắc Ninh cho biết, đã ghi nhận các ý kiến phản ánh từ người dân, trong đó có những phản ánh đúng và chưa đúng. Có những bất hợp lý được phản ánh trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đơn cử, tổng diện tích đất sau khi thực hiện bồi thường hộ dân đã tăng lên gần 100 mét vuông.

Để làm rõ vấn đề này, Phó Chánh thanh tra TP Bắc Ninh đề nghị tìm lại hồ sơ bồi thường của dự án mở rộng đường Quốc lộ 38. Đồng thời, khẳng định có tài sản chưa được tháo dỡ theo phương án bồi thường đã được phê duyệt. Để giải quyết triệt để, cần thiết mời cơ quan công an vào cuộc làm rõ vấn đề. Về công tác quản lý, cần có hệ thống bản đồ đo đạc và hồ sơ giải phóng mặt bằng được quản lý một cách khoa học; xem xét lại hồ sơ bồi thường và kiểm điểm trách nhiệm của các cán bộ liên quan đến các sai sót (nếu có).

Theo Phó Chánh Thanh tra TP Bắc Ninh, về trường hợp hộ ông Nguyễn Thế Tài, có khiếu nại phát sinh từ năm thực hiện giải phóng mặt bằng đường 38. Cần căn cứ vào kết luận của thành phố về nguồn gốc và bản chất của phần đất nhà ông Tài để có hướng xử lý phù hợp. Cần phân biệt rõ ràng giữa “đất khai hoang phục hóa” và “đất lấn chiếm”. Đề nghị cơ quan tài nguyên và môi trường giải thích rõ các điều kiện bồi thường đối với từng loại đất. Có ý kiến cho rằng diện tích đất ghi trên bìa đỏ không khớp với diện tích được bồi thường. Để xác định rõ trách nhiệm, cần đối chiếu thông tin từ hồ sơ gốc. Về vấn đề móng nhà, cần lập biên bản xác nhận tại thời điểm tháo dỡ công trình...

img
15 giờ chiều 03/4 thành phố Bắc Ninh sẽ thực hiện bàn giao đất cho các hộ đã nhận tiền đền bù.

Người dân mong sớm được tái định cư, ổn định cuộc sống

Một trong những vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm là công tác tái định cư, làm sao để người dân bị thu hồi đất có nơi ở mới ổn định, có điều kiện sống tương đương hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Hiện TP Bắc Ninh đã triển khai xây dựng các khu nhà ở tái định cư để phục vụ người dân. Tại Hạp Lĩnh, có 2 dự án tái định cư đang được triển khai: Dự án tái định cư 2,6 ha (37 lô đất ở), đã cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng. Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố đang hoàn thiện các thủ tục để bàn giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Dự án tái định cư 4,23 ha (145 lô đất ở), đang thi công, dự kiến hoàn thành cơ sở hạ tầng trong tháng 5/2025.

Ngoài ra, thành phố Bắc Ninh cũng đã hoàn thành cơ sở hạ tầng dự án khu nhà ở tái định cư giải phóng mặt bằng đường sắt Lim - Phả Lại (99 lô đất ở).

Kết luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Ninh cho biết, lãnh đạo thành phố đã lắng nghe ý kiến của bốn hộ gia đình. Trong số các hộ ý kiến, cũng có hộ đã nhận tiền bồi thường; các cơ quan chức năng của thành phố đã giải thích rõ và trả lời các vấn đề liên quan đến từng trường hợp.

Về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nếu các hộ gia đình nhận tiền đền bù dự án và nộp tiền sử dụng đất vào khu tái định cư, thì sẽ được cấp sổ đỏ vào ngày 11/4 và thực hiện cả hai nghĩa vụ tài chính là nhận tiền đền bù và nộp tiền sử dụng đất để được cấp sổ đỏ; nhưng lưu ý, nếu các hộ không nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn quy định, sẽ phải chịu trách nhiệm nộp tiền lãi và tiền phạt theo quy định hiện hành.

Thành phố ghi nhận nhu cầu của các hộ về chỗ tạm để chứa đồ trong thời gian chờ xây dựng nhà mới và sẽ xem xét hỗ trợ trong khả năng có thể. Đề nghị các hộ dân đồng thuận trong việc nhận tiền đền bù và phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển quỹ đất để công tác giải phóng mặt bằng được triển khai thuận lợi.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng thông tin, 15 giờ chiều cùng ngày sẽ bàn giao đất cho các hộ đã nhận tiền đền bù và mong muốn nhận được sự hợp tác từ các hộ dân để dự án được thực hiện suôn sẻ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục duy trì đối thoại với người dân, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng; UBND TP sẽ tiếp tục ban hành các quyết định phê duyệt đối với các hộ còn lại, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và vận động người dân bàn giao mặt bằng.

Trong trường hợp cần thiết, thành phố sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Dự kiến, việc cưỡng chế thu hồi đất sẽ được thực hiện vào ngày 15/4/2025 theo Kết luận số 1169/TB-TU của Thường trực Tỉnh ủy.

Cùng ngày, TP Bắc Ninh tiếp tục tổ chức buổi đối thoại tại phường Khắc Niệm với mục đích tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và vận động bàn giao mặt bằng sớm, nhằm tạo sự đồng thuận để dự án Vành đai 4 sớm được thông tuyến qua địa bàn.