Bangladesh đặt mua 25 máy bay Boeing trước thềm đàm phán thuế quan với Mỹ
Ngày 27/7, Chính phủ Bangladesh công bố kế hoạch đặt mua 25 máy bay từ tập đoàn Boeing trong bối cảnh chuẩn bị bước vào vòng đàm phán cuối cùng với Mỹ về mức thuế đối ứng 35% đối với hàng xuất khẩu.
Nỗ lực xoa dịu thuế quan từ Mỹ
Tờ Business Standard dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Bangladesh Mahbubur Rahman xác nhận đơn đặt hàng 25 máy bay của Boeing là một phần trong chiến lược đàm phán thương mại với Mỹ.

Máy bay Boeing 737 MAX được lắp ráp tại nhà máy của hãng ở Renton, bang Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi đã đặt mua 25 chiếc máy bay Boeing. Ấn Độ cũng đặt mua 100 chiếc còn Indonesia đặt mua 50 chiếc. Đây là một phần quan trọng trong tiến trình đàm phán thuế quan với Mỹ", ông Mahbubur cho biết.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mahbubur, Bangladesh đang cố gắng đạt được mức thuế quan thấp hơn mức 26% dành cho Ấn Độ.
Được biết một phái đoàn cấp cao của Bangladesh bao gồm Cố vấn Thương mại Sk Bashiruddin, Cố vấn An ninh Quốc gia Khalilur Rahman, Bộ trưởng Thương mại Mahbubur Rahman và Tổng Giám đốc Vụ WTO Nazneen Kaiser Chowdhury sẽ tham dự cuộc họp với Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) dự kiến diễn ra trong 2 ngày 29 - 30/7 và có thể kéo dài đến ngày 31/7.
Mức thuế quan 35% do chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8. Bangladesh hy vọng đơn hàng máy bay Boeing cùng một số động thái thương mại gần đây sẽ giúp nước này nhận được mức thuế thấp hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Mahbubur cho biết Bangladesh mới chỉ đặt hàng chứ chưa hoàn tất giao dịch mua bán. Đơn hàng nói trên vẫn chưa được Chính phủ Bangladesh phê duyệt chính thức.
Dù vậy, Chính phủ Bangladesh vẫn yêu cầu Boeing cung cấp thời gian giao hàng dự kiến vì nhu cầu toàn cầu đối với các dòng máy bay thương mại hiện đang rất cao.
Ông Mahbubur đồng thời nhấn mạnh việc mở rộng đội bay của Hãng hàng không quốc gia Biman luôn nằm trong kế hoạch của Chính phủ Bangladesh.
Hiện tại, Biman đang khai thác 19 máy bay, bao gồm 14 chiếc Boeing và 5 chiếc Dash 8-400. Kế hoạch mở rộng đội bay kéo dài 10 năm của hãng đã được phê duyệt vào cuối năm 2023 trong đó đặt mục tiêu nâng tổng số máy bay lên 47 chiếc vào năm 2034 bằng cách bổ sung ít nhất 26 máy bay mới.
Mở rộng nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng từ Mỹ
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại Mahbubur cho hay khu vực tư nhân của Bangladesh đang lên kế hoạch nhập khẩu khối lượng lớn đậu tương từ Mỹ. Đại diện các doanh nghiệp Bangladesh sẽ cùng phái đoàn thương mại nước này tới Washington để gặp gỡ các nhà xuất khẩu Mỹ.
Ngoài ra Bangladesh cũng mở rộng nhập khẩu bông từ Mỹ, nhằm đa dạng hóa nguồn cung sau những gián đoạn tại khu vực Biển Đen và Bắc Mỹ là sự lựa chọn lý tưởng trong hoàn cảnh hiện nay.

Đậu tương cũng là mặt hàng được Bangladesh nhắm tới nhằm làm giảm thâm hụt cán cân thương mại với Mỹ (Ảnh: Reuters).
Tuần trước, Chính phủ Bangladesh đã phê duyệt kế hoạch nhập khẩu 220.000 tấn lúa mì từ Mỹ với giá 302,75 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu khoảng 240 USD.
Ông Mahbubur lý giải việc nhập khẩu lúa mì từ Mỹ với giá cao xuất phát từ chiến lược đa dạng hóa nguồn cung. Mỗi năm Mỹ nhập khẩu tới 8,5 tỷ USD hàng hóa từ Bangladesh nên việc dành ưu tiên cho mặt hàng lúa mì của Mỹ là điều hợp lý.
Cố vấn Thương mại Salehuddin Ahmed, người đứng đầu Ủy ban Mua sắm thuộc Chính phủ Bangladesh thừa nhận mức giá nhập khẩu lúa mì từ Mỹ là cao. Song ông Salehuddin gọi đó là một phần trong chiến lược đàm phán tổng thể. "Chúng tôi đang cố gắng cân bằng lợi ích thương mại", ông nói thêm.
Mỹ hiện áp mức thuế quan khá cao đối với hầu hết các đối tác nhằm giảm thâm hụt thương mại toàn cầu trị giá 1.300 tỷ USD. Dự kiến, hiệp định thương mại Mỹ - Bangladesh được hai bên đề xuất sẽ bao gồm các điều khoản đầu tư, song vẫn tập trung vào việc cân bằng xuất - nhập khẩu.