Quản lý đô thị

Bao giờ đô thị hết cảnh cứ mưa là ngập?

23/05/2025, 07:18

Với nhiều điểm mới, song dự thảo Luật Cấp, thoát nước liệu có giải quyết được những tồn tại đối với tình trạng ngập úng nghiêm trọng ở các đô thị lớn tại Việt Nam hiện nay? Người dân kỳ vọng gì ở những điểm mới của dự thảo Luật này?

Vì đâu cứ mưa lớn là ngập?

Đã từ lâu, hình ảnh những con đường biến thành sông hay giao thông tê liệt sau mỗi trận mưa lớn tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng… khá quen thuộc với người dân sở tại.

Đây không còn là vấn đề mới, nhưng lại là bài toán cho các nhà quản lý trong việc đảm bảo hệ thống cấp, thoát nước tại chính những nơi mình đang sống.

Bao giờ đô thị hết cảnh cứ mưa là ngập?- Ảnh 1.

Ngập lụt sau mưa lớn là câu chuyện diễn ra phổ biến tại các thành phố lớn.

Tại Hà Nội, trước mỗi mùa mưa, các nhà quản lý đều có phương án xử lý ngập úng tại các điểm ngập lụt nghiêm trọng, tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng mưa lớn "phố lại như sông".

Sống tại Hà Nội, trải qua biết bao mùa mưa, chị Hồng, một tiểu thương bán hàng rau củ quả trong con ngõ nhỏ Minh Khai kể: "Trận mưa nào cũng thế, nhanh lắm, chỉ sau 30 phút mưa lớn, con ngõ đã ngập bì bõm. Cống ngay đầu ngõ, nhưng chất đầy rác, nước không thoát được".

TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế sôi động của cả nước nhưng cũng thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập úng khi mùa mưa đến.

Anh Long, tài xế taxi lâu năm tại TP Thủ Đức cho biết: Tình cảnh ngập úng đã trở thành “đặc sản” của thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt vào mùa mưa, nhiều tuyến phố biến thành sông gây ảnh hưởng lớn đến giao thông cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.

Phân tích về nguyên nhân gây ngập úng tại thành phố này, ông Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh ngoài đặc thù do thủy triều còn bị ảnh hưởng bởi cốt nền xây dựng thấp, sự điều tiết của những hồ chứa… Chính quyền thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án chống ngập, tuy nhiên, tiến độ các dự án còn chậm, chưa giải quyết được vấn đề hiện tại.

Còn tại thành phố Bắc Giang, trận mưa lớn hôm 16 và 18/5 mới đây cũng khiến nhiều người ngao ngán, khi ngay tại quảng trường 3/2, khu trung tâm chính trị của tỉnh Bắc Giang cũng bị ngập úng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Giám đốc Trung tâm Bơm tiêu thoát nước đô thị thành phố Bắc Giang cho biết: Nguyên nhân ngập úng là do ống thoát nước về trạm bơm nhỏ, bơm xong 30 phút mới về đến trạm. Bên cạnh đó là ý thức của người dân trong việc xả rác khiến cho việc thoát nước bị ách tắc.

"Đủ các loại rác, từ rác thải sinh hoạt đến chăn, chiếu rách cũ được vứt trước cống xả, do chưa được thu dọn hoặc thu dọn chậm nên chỉ cần trận mưa lớn, cả dòng chảy đã bị ách tắc. Tại một số cửa thu nước trước nhà dân, do vứt các loại rác thải, thức ăn thừa, nếu nắng lâu ngày còn bốc mùi hôi thối nồng nặc", ông Tùng cho hay.

Luận bàn về vấn đề ngập úng tại địa phương này, ông Nguyễn Hồng Tiến cho rằng: "Khu quảng trường của Bắc Giang thuộc khu mới mà lại ngập lụt như vậy cần xem lại công tác quy hoạch thoát nước, cũng như cao độ nền của khu này".

Cũng theo ông Tiến, việc ngập úng tại các khu đô thị lớn hiện nay là do hệ thống thoát nước không được đầu tư đồng bộ, nhiều nơi đã cũ, chưa được quan tâm. Tuy nhiên, việc ngập úng diễn ra hầu hết ở các thành phố lớn thì cũng nên xem lại, trong đó có việc tổ chức triển khai còn hạn chế, lúc ngập thì quan tâm, hết ngập lại chả ai quan tâm.

Luật Cấp, thoát nước giải quyết được những vấn đề gì?

Theo Cục Kết cấu hạ tầng xây dựng (Bộ Xây dựng), việc cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, thoát nước chống ngập liên quan trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống của con người và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, pháp luật liên quan đến vấn đề này chưa có luật chuyên ngành, hầu hết thực hiện theo các Nghị định được ban hành từ hơn 10 năm trước. Các Nghị định này, đến nay, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của lĩnh vực cấp, thoát nước và đang bị chi phối bởi nhiều luật khác có liên quan.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đầu tư, vận hành; hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ và kiểm soát rủi ro...

Nói về vấn đề những điểm mới của dự thảo Luật Cấp, thoát nhước, ông Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: "Trong dự thảo Luật cấp, thoát nước có khẳng định, chống ngập là dịch vụ công ích đô thị, đầu tiên đó là nhiệm vụ của Nhà nước, của chính quyền các đô thị, hàng năm các cơ quan này phải dành khoản tiền để đầu tư, cải tạo cho hệ thống hạ tầng cấp, thoát nước".

Bao giờ đô thị hết cảnh cứ mưa là ngập?- Ảnh 2.

Dự thảo Luật Cấp, thoát nước được thông qua sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, các quy định liên quan đến cấp, thoát nước tại Việt Nam mới ở mức Nghị định, việc ban hành Luật Cấp, thoát nước là cần thiết bởi đây sẽ là khung pháp lý để chúng ta có phương án tính toán giải quyết tình trạng ngập úng tại các đô thị lớn như hiện nay.

Để giải quyết tình trạng ngập úng, ông Tiến cũng cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp, thoát nước đang thi công, vận động nhân dân khơi thông dòng chảy, không đổ rác làm lấp cống. Các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đề xuất các dự án chống ngập mới, giải quyết việc ngập úng tức thời…

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Giám đốc Trung tâm Bơm tiêu thoát nước đô thị thành phố Bắc Giang cũng cho rằng, vấn đề thoát nước được quy định cụ thể hơn trong Luật, đặc biệt là công tác bảo dưỡng, vận hành. Ví dụ như vận hành máy bơm cần bảo dưỡng 3 tháng, 5 tháng/lần theo quy định. Từng nhà dân cũng cần quy định không xây chuồng cọp ở rãnh thoát nước…

Bên cạnh những vấn đề về thoát nước, chia sẻ câu chuyện thực tế, ông Phạm Quang Quỳnh, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hải Phòng cho biết: "Do chưa có Luật nên việc thực hiện theo các Nghị định cho thấy còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định "dịch vụ thoát nước đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung" thuộc danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng theo Nghị định 32, công ty gặp nhiều khó khăn vướng mắc, cụ thể, tại hồ sơ mời thầu không tiên lượng được hết các hạng mục công việc; một số hạng mục không có khối lượng cụ thể như ga sập, cống hỏng, thiết bị bơm gặp sự cố đột xuất…

"Do đó, trong một số trường hợp, công việc đột xuất cần cho phép đặt hàng hoặc chỉ định thầu. Để các địa phương có cơ sở thực hiện, đề nghị được bổ sung trong luật cấp, thoát nước, các ngành có hướng dẫn và quy định cụ thể trong các trường hợp trên", ông Quỳnh kiến nghị.

Cũng theo ông Phạm Quang Quỳnh, để khắc phục các bất cập Luật Cấp, thoát nước mới cần phải có các văn bản dưới luật, quy định cụ thể các điều khoản, hướng dẫn các đơn vị tỉnh thành thực hiện đồng bộ. Có thể xây dựng các khuôn mẫu cụ thể để các tỉnh, thành áp dụng và có phần bổ sung thêm cho phù hợp.

Về những điểm mới của dự thảo, ông Quỳnh cho biết: Dự thảo đã bổ sung thêm các quy định về huy động nguồn lực đầu tư thông qua PPP, BT; bổ sung các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số...

Khẳng định tầm quan trọng của Luật Cấp, thoát nước, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam cho biết: "Với nhiều điểm mới, việc ban hành Luật cấp, thoát nước sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững hệ thống cấp thoát nước, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường".