Bất động sản Hải Phòng: Nhu cầu thực từ dòng tiền Hải Dương (cũ) sau sáp nhập
Sau quá trình sáp nhập hành chính giữa tỉnh Hải Dương (cũ) và thành phố Hải Phòng, thị trường bất động sản tại Hải Phòng đang ghi nhận làn sóng đầu tư từ các nhà đầu tư và người dân "xứ vải thiều".
Người Hải Dương rút khoảng 2.000 tỷ đồng đầu tư đất ở Hải Phòng
Ngay sau khi thông tin sáp nhập được công bố, giới đầu tư bất động sản đến từ tỉnh Hải Dương (cũ) đã nhanh chóng tìm kiếm cơ hội tại các quận trung tâm và các huyện giáp ranh như An Dương, Kiến Thụy, Dương Kinh và đặc biệt là khu vực Vĩnh Bảo - nơi đang được quy hoạch thành "vành đai đô thị mới".

Việc dịch chuyển nơi làm việc về Trung tâm hành chính mới của thành phố Hải Phòng, khiến bất động sản khu vực xung quanh thu hút khách hàng từ tỉnh Hải Dương (cũ).
Anh Hoàng Văn Thao, một nhà đầu tư đến từ thành phố Hải Dương (cũ) cho biết: "Giá đất ở Hải Phòng hiện vẫn còn dư địa tăng, đặc biệt là ở vùng sáp nhập. Với hạ tầng ngày càng hoàn thiện và sự kết nối thuận tiện với Hải Dương, tôi thấy đây là thời điểm tốt để xuống tiền. Tôi đã mua 1 căn nhà tại dự án Vlasta Thủy Nguyên với giá 6 tỷ đồng có diện tích 67m2, xây thô 5 tầng và dự án đã đầy đủ tiện ích cảnh quan".
Theo ghi nhận, các sản phẩm đất nền, nhà phố có pháp lý rõ ràng đang được người dân Hải Dương săn đón mạnh mẽ. Một số dự án tại An Dương, nơi chỉ cách trung tâm Hải Phòng khoảng 15 phút di chuyển, đã ghi nhận lượng khách hàng đến từ Hải Dương chiếm tới 30 -40% giao dịch trong quý II/2025.
Ông Phạm Đức Toản, CEO EZ Property cho biết: "Sau khi có thông tin sáp nhập, một đại gia mang ngay 200 tỷ đồng tiền mặt sang Hải Phòng đi buôn đất. Trực tiếp, tôi cũng dẫn khoảng 20 người có tiềm lực tài chính ở Hải Dương mua bất động sản ở đảo Vũ Yên".
Là chủ đầu tư và đơn vị phát triển nhiều dự án tại địa bàn Hải Dương cũ, Hải Phòng (cũ) ông Phạm Đức Toản nhìn nhận từ trước đến nay, giá đất Hải Phòng luôn thấp hơn Hải Dương.
So sánh cùng một vị trí trung tâm, ông Toản cho biết một căn nhà đất khoảng 80m2 tại Hải Phòng chỉ khoảng 6-7 tỷ đồng, trong khi tại Hải Dương lên tới 10 tỷ đồng. Hay đất tại các huyện của Hải Phòng với vị trí không trung tâm khoảng 30 triệu đồng/m2, còn tại Hải Dương lên tới 50-60 triệu đồng/m2.
Người Hải Dương tương đối giàu và tâm lý của nhà đầu tư miền Bắc bao giờ cũng 'tích đất hơn tích vàng', làm ra bao nhiêu tiền của là đi mua đất hết. Người Hải Dương đi làm ăn tứ xứ, nhưng vẫn quay lại mua đất ở quê hương nên giá đất rất cao", CEO EZ Property chia sẻ.
Chính vì vậy, trước thông tin sáp nhập, xuất hiện làn sóng người dân Hải Dương đổ vào Hải Phòng đi mua đất. "Theo một số thông tin tôi có được, ngay trong 2 tuần đầu tiên, người Hải Dương đã rút ra khỏi hệ thống ngân hàng khoảng 2.000 tỷ đồng để đầu tư vào Hải Phòng", ông Toản thông tin.
Các dự án được nhà đầu tư "xứ vải thiều" ưa chuộng
Chuyên gia bất động sản Hạnh Trần đến từ Hội Môi giới bất động sản Hải Phòng nhận định: "Sau sáp nhập, khoảng cách địa lý giữa người dân Hải Dương (cũ) với Hải Phòng như được rút ngắn. Bên cạnh yếu tố tâm lý ‘gần nhà’, họ cũng nhìn thấy tiềm năng sinh lời tốt hơn khi đầu tư vào một thành phố có nền kinh tế, công nghiệp và logistics phát triển vượt trội".
"Hạ tầng giao thông đang phát triển mạnh mẽ của thành phố Hải Phòng như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5, đường sắt liên tỉnh và sắp tới là tuyến metro kết nối các quận ven đô là một lợi thế. Ngoài ra, thành phố cũng tích cực hỗ trợ nhà đầu tư thông qua việc đẩy nhanh cấp phép xây dựng, cải cách thủ tục đất đai và minh bạch thông tin quy hoạch", bà Hạnh Trần nói.
Ông Ninh Văn Tuyên, làm môi giới tại Sàn giao dịch bất động sản Queen Land cho biết, các dự án nhà đầu tư Hải Dương (cũ) ưa chuộng có thể kể đến như: Vinhomes Royal Island (Vũ Yên), Vinhomes Golden City, Hoàng Huy New City, Hoàng Huy Green River, Aurora Harbour Nam Hải…
Ngoài ra, các dự án khu đô thị, khu dân cư và shophouse ở trung tâm thành phố Hải Phòng, gần Trung tâm hành chính mới cũng là lựa chọn tốt cho các cán bộ công chức phải di chuyển từ Hải Dương (cũ) về nơi mới làm việc và sinh hoạt. Trong đó phải kể đến các dự án có vị trí đắc địa, pháp lý hoàn thiện, đón đầu đô thị mới hiện đại năng động như dự án The Centric của Masterise Homes.

Khách hàng từ Hải Dương (cũ) được hưởng nhiều chính sách ưu ái từ dự án bất động sản giáp ngay Trung tâm hành chính mới của thành phố Hải Phòng.
Hay đại diện đơn vị tư vấn phát triển dự án VHA Land cũng cho biết, dự án Bạch Đằng 1288 - Khu đô thị Bắc Sông Gấm đã xây toàn bộ các căn biệt thự, shophouse, gấp rút hoàn thiện cảnh quan tiện ích, pháp lý chuẩn chỉ, view sông hiếm hoi, vị trí kim cương 5 phút đến Trung tâm hành chính mới sắp mở bán cũng có nhiều chính sách đặc biệt, tặng quà dành cho khách là người Hải Dương (cũ).
Dù vậy, ông Ninh Văn Tuyên cảnh báo, nhà đầu tư không nên chạy theo tâm lý đám đông. Sự gia tăng đột biến về giá tại một số khu vực có thể dẫn đến hiện tượng bong bóng cục bộ, nhất là những nơi chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng và tiện ích. Ngoài ra, việc sáp nhập hành chính cũng có thể dẫn đến thay đổi trong quy hoạch, giấy tờ đất đai và các quy trình pháp lý. Người mua cần kiểm tra kỹ các thông tin liên quan để tránh rủi ro.
Cùng quan điểm TS Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARS-IRE) nhận định, thông tin sáp nhập địa giới hành chính có thể mang đến cơ hội, nhưng cũng đi kèm với nguy cơ thao túng giá đất.
Do đó, nhà đầu tư và người dân cần tỉnh táo, tránh chạy theo tâm lý đám đông, chỉ ra quyết định đầu tư khi có đầy đủ thông tin và tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức để giảm áp lực trả nợ sau này. Đặc biệt, phải kiểm tra pháp lý dự án kỹ lưỡng, tránh mua đất không rõ ràng về quyền sở hữu hoặc vướng tranh chấp.