Đời sống

Cà Mau gấp rút gia cố đê biển Đông trước mùa mưa bão

15/07/2025, 11:23

Hàng năm, vào mùa mưa bão, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại tỉnh Cà Mau lại tái diễn, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt và lưu thông của người dân.

Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã tích cực triển khai nhiều giải pháp bảo vệ như xây dựng đê, kè chắn sóng nhằm hạn chế thiệt hại, bảo vệ nhà cửa, tài sản của người dân sinh sống bên trong đê.

Cà Mau gấp rút gia cố đê biển Đông trước mùa mưa bão- Ảnh 1.

Vị trí sạt lở đê biển Đông (phường Hiệp Thành, tỉnh Cà Mau) được khắc phục, gia cố kịp thời, bảo vệ cuộc sống, sản xuất của người dân sống dọc bên trong đê.

Có nhà ở gần khu vực sạt lở, ông Lâm Đa Rít, chia sẻ: "Khi chưa có kè bảo vệ, sóng lớn tràn qua đê, chảy thẳng vào nhà. Sóng đập mạnh khiến nhà rung chuyển, chúng tôi không dám ở bên trong. Mỗi khi có sóng lớn là rất sợ. Nhưng từ khi xây dựng kè chắn sóng, người dân yên tâm hơn, sóng không còn đập mạnh vào đê nữa."

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Xây dựng, hai đoạn sạt lở thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, tỉnh Bạc Liêu cũ (nay là phường Hiệp Thành, tỉnh Cà Mau), giáp ranh tỉnh Sóc Trăng cũ (nay là TP Cần Thơ) đã được xây dựng kè chắn sóng bên ngoài, gia cố chân kè bằng cách đổ đá xuống các hộc bị hư hại do sóng biển.

Tại các vị trí sạt lở gần chân đê, các khối bê tông tản sóng hình tứ diện được đặt để ngăn chặn xói mòn do thời tiết và trôi dạt ven biển. Việc này nhằm gia cố các công trình ven biển như tường chắn sóng, đê chắn sóng. Đơn vị thi công cũng đang hoàn thiện hệ thống cống và tuyến đường đê biển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại an toàn.

Cà Mau gấp rút gia cố đê biển Đông trước mùa mưa bão- Ảnh 2.

Vị trí sạt lở bờ biển Đông thuộc địa phận xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cũ (này là phường Hiệp Thành, tỉnh Cà Mau), khu vực giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng cũ (nay là TP Cần Thơ).

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ tháng 7, khu vực biển Đông bắt đầu có bão và áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp, lượng mưa tại hầu hết các khu vực sẽ tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.

Để chủ động phòng chống, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình đê điều tại biển Đông và biển Tây, phát hiện kịp thời những hư hỏng để sửa chữa, gia cố, đặc biệt là các đoạn đê trọng điểm, xung yếu.

Cà Mau gấp rút gia cố đê biển Đông trước mùa mưa bão- Ảnh 3.

Trước đó, khi chưa có kè chắn sóng, bờ biển trước đoạn đê đã mất rừng phòng hộ bị mất dần, không còn để chắn gió, chắn sóng bảo vệ chân đê.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, trên địa bàn hiện có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến đời sống dân sinh, hạ tầng giao thông, rừng phòng hộ và hoạt động giao thương.

Tại địa bàn Cà Mau cũ, nhiều vị trí ven sông, ven biển đang bị bào mòn nghiêm trọng. Đơn cử, tại khóm Sa Phô (xã Đất Mới), khoảng 700m ven sông Cửa Lớn có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Cửa biển Bồ Đề (xã Tam Giang) đã bị sạt lở 200m, làm hư hỏng đường giao thông và đe dọa khu vực nuôi trồng thủy sản, tổng chiều dài khu vực nguy hiểm lên tới 750m.

Tại địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũ, nay thuộc tỉnh Cà Mau, nguy cơ sạt lở hiện hữu ở nhiều vị trí trọng yếu. Đoạn bờ kênh phía tây hạ lưu cống Nhà Mát (phường Nhà Mát) và phía đông cống Cây Gừa (xã Phong Thạnh) đều có dấu hiệu mất ổn định nghiêm trọng.

Đáng chú ý, đoạn sông Gành Hào giáp kênh Xáng Tắc Vân (xã Định Thành) có 650m bờ sông đang bị đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến 68 hộ dân. Tuyến lộ Vịnh Gió Ngược (xã Định Thành) đã sụt lún 30m, để lại dấu vết rõ rệt về sự xuống cấp của nền địa chất khu vực.

Theo ông Lưu Hoàng Ly, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau, tình trạng sụt lún ở các địa phương đã phản ánh sự bất thường của thời tiết trong những năm gần đây.

Không chỉ đối mặt với sạt lở, tỉnh Cà Mau còn phải xử lý khối lượng lớn các dự án kè chống sạt lở còn dang dở hoặc chưa được đầu tư. Tại khu vực Bạc Liêu cũ, hàng loạt công trình như kè G6 (xã Long Điền Tây), kè sông Cà Mau – Bạc Liêu (đoạn từ bến xe Hộ Phòng đến nhà thờ Tắc Sậy), kè hai bên bờ kênh 30/4 (từ cống Nhà Mát đến cầu Út Đen) hay dự án chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông và Nhà Mát vẫn đang "xếp hàng chờ vốn".

Video: Cà Mau: Bảo vệ đê biển Đông mùa mưa bão.

Trước đó, tháng 8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (cũ) đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Đông đoạn từ Km 0+046 đến cầu Chiên Túp 1 giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng (cũ), chiều dài khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở là 474m.

Cụ thể, trong phạm vi 100m đê bị sạt lở có hai vị trí, gồm: Đoạn giáp ranh tỉnh Sóc Trăng cũ (Km 0+046) hướng về cầu Chiên Túp 1 dài 50m, có chiều rộng sạt lở 5m, sâu 1,5m; đoạn từ cầu Chiên Túp 1 hướng về Sóc Trăng (cũ) dài 50m, có chiều rộng sạt lở 10m, sâu 1,5m.

Tại khu vực trên, bờ biển trước đoạn đê đã mất rừng phòng hộ hoàn toàn, không còn để chắn gió, chắn sóng bảo vệ chân đê, nên sóng biển đã đánh trực tiếp vào mái và thân đê gây ra sạt lở.

Đồng thời, khi triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh trên biển sẽ có khả năng tạo thành các con sóng mạnh làm nước biển tràn qua đê chảy vào khu vực sản xuất và nhà dân phía trong đồng (có 60 hộ dân tính từ chân đê vào phía cánh đồng 100m và 800 hộ dân từ chân đê vào phía cánh đồng 2.000m), sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của một số hộ gia đình phía sau đoạn đê.