Đời sống

Các tỉnh, thành chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 3

21/07/2025, 13:25

Ngày 21/7, lãnh đạo nhiều địa phương đã ban hành văn bản về việc khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp ứng phó bão số 3 (Wipha).

Ninh Bình: Tạm dừng họp, cấm người ở lại trên tàu thuyền

Sáng 21/7, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Công điện khẩn số 04/CĐ-UBND, yêu cầu toàn hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó bão số 3, nguy cơ đổ bộ trực tiếp vào địa bàn.

Các tỉnh, thành chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 3- Ảnh 1.

Tàu thuyền đã vào bờ neo đậu tại cảng Ninh Cơ (tỉnh Ninh Bình).

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu tạm dừng các cuộc họp không cần thiết, triển khai cấp tốc các phương án "4 tại chỗ", đặc biệt tại các xã, phường ven biển. Lực lượng chức năng phải rà soát đê điều xung yếu, khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, lồng bè khi bão đổ bộ.

Sở Xây dựng Ninh Bình phối hợp Công an tỉnh tổ chức phân luồng, cấm đường tại các khu vực ngập sâu, nguy cơ sạt lở, sẵn sàng phương tiện khắc phục sự cố để đảm bảo giao thông thông suốt. Cảnh báo người dân hạn chế ra đường khi bão đổ bộ, tránh dông lốc, mưa lớn gây tai nạn.

Công điện cũng yêu cầu các địa phương di dời người dân khỏi nhà yếu, khu vực nguy hiểm. Lực lượng quân sự và công an trực chiến 24/7, hỗ trợ di dời, cứu hộ cứu nạn khi cần thiết. Các đơn vị báo chí được chỉ đạo cập nhật liên tục diễn biến bão, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh cho người dân.

Mưa gió làm 221 căn nhà ở Thanh Hóa bị tốc mái, hư hỏng

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ 20h ngày 20/7 đến 6h ngày 21/7, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to kèm gió giật mạnh đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại một số xã.

Các tỉnh, thành chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 3- Ảnh 2.

Một ngôi nhà ở bản Cóc, xã Sơn Thủy bị tốc mái, hư hỏng nặng sau trận mưa giông (Ảnh: TT).

Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 221 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, 1 nhà phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất. Ngoài ra, gần 19ha lúa, hơn 61ha rau màu, 33,5ha cây trồng hằng năm, 5ha cây lâu năm bị hư hại và 157 cây xanh đô thị và bóng mát bị gãy đổ.

Qua rà soát, hai điểm trường bị hư hỏng nhẹ, ảnh hưởng công tác dạy và học; 61 cột điện hạ thế và 6 cột viễn thông bị gãy, nghiêng; 3 ô tô con và 4 xe máy bị hư hỏng; 2 trụ sở cơ quan, 5 nhà xưởng, 1ha nhà màng, nhà lưới, 61 chuồng trại chăn nuôi bị thiệt hại...

Liên quan công tác phòng chống bão số 3, tỉnh Thanh Hoá ban hành nhiều công điện khẩn và yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai những biện pháp phòng, chống thiên tai với phương châm "4 tại chỗ".

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, tỉnh Thanh Hóa cũng thực hiện lệnh cấm biển từ lúc 8h ngày 21/7. Đến thời điểm hiện tại, hơn 6.500 phương tiện đánh bắt thủy sản với khoảng 22.000 lao động của địa phương này đã neo đậu, tránh trú bão an toàn.

TP.HCM: Sẵn sàng ứng phó tình huống mưa lớn, dông lốc, ngập úng

Ngày 21/7, UBND TP.HCM ban hành văn bản về khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp ứng phó do ảnh hưởng của bão số 3. UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị TP, chủ tịch UBND các phường, xã, đặc khu nhanh chóng tổ chức biện pháp phòng tránh khi bão có khả năng ảnh hưởng địa bàn. Các đơn vị cần chuẩn bị đầy đủ phương án huy động vật tư, phương tiện, lực lượng, sẵn sàng ứng phó tình huống mưa lớn, dông lốc, ngập úng có thể xảy ra.

UBND TP yêu cầu tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ theo Quyết định 3039/QĐ-UBND về công tác trực ứng phó sự cố, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các cơ quan, đơn vị phải nắm chắc diễn biến thời tiết, chủ động dự báo tình huống xấu nhất, công khai số điện thoại trực ban và phân công lực lượng sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần thiết.

baooo

UBND TP.HCM yêu cầu không cho tàu chở khách du lịch hoạt động trên sông, biển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm.

Tại các khu vực ven biển và đặc khu Côn Đảo, chính quyền địa phương cần triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người dân, tàu thuyền hoạt động trên sông, biển và vùng nước cảng biển. Cùng đó, tăng cường phối hợp trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố.

Địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 3, thường xuyên thông báo cho chủ phương tiện biết để chủ động phòng tránh. Chỉ đạo, triển khai công tác kiểm đếm, hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) hoạt động trên biển, ven biển, chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

UBND TP cũng yêu cầu các lực lượng chức năng như Bộ Tư lệnh TP, Công an, Bộ đội Biên phòng và Cảng vụ Hàng hải bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện và thiết bị để kịp thời ứng phó, cứu hộ cứu nạn.

Sở Văn hóa và Thể thao kiểm tra, chằng chống các pano, bảng quảng cáo đúng kỹ thuật, tránh sự cố do dông lốc gây ra. Đồng thời, hạn chế tổ chức chương trình biểu diễn ngoài trời trong thời điểm có cảnh báo thời tiết xấu.

"Không cho các tàu chở khách du lịch tham gia hoạt động trên sông, biển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, sóng to, gió lớn và kiểm tra chặt chẽ các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách trên tàu trước khi xuất bến", UBND TP.HCM yêu cầu.