Giám định chất lượng

Cần áp dụng BIM một cách thực chất tại các công trình trọng điểm

18/07/2025, 14:38

Viện Kinh tế xây dựng nhấn mạnh, thúc đẩy áp dụng BIM là bước đi tất yếu để hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số ngành Xây dựng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Tại phiên họp Ban chỉ đạo Bộ Xây dựng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 diễn ra ngày 17/7, ông Nguyễn Tấn Vinh, Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) có đề xuất một số giải pháp thúc đẩy mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng.

E:\Năm 2025\Tháng 7\Hình ảnh\z6816927027666_2b980c068965508387e1067968507852.jpg

Ông Nguyễn Tấn Vinh, Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng phát biểu tại phiên họp.

Theo ông Nguyễn Tấn Vinh, ngành Xây dựng với vai trò kiến tạo hạ tầng kinh tế - xã hội đang đứng trước yêu cầu phải chuyển đổi mạnh mẽ để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Trong bối cảnh đó, BIM không chỉ là một công cụ công nghệ đơn thuần, mà đã trở thành giải pháp nền tảng, là xương sống cho quá trình chuyển đổi số toàn diện của ngành.

BIM đang tạo ra những chuyển biến tích cực trên ba phương diện: nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, xây dựng hạ tầng số và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Vinh cho rằng, việc áp dụng BIM giúp hoạt động thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình trở nên trực quan, nhanh chóng và chính xác hơn. Mỗi công trình áp dụng BIM sẽ tạo ra một "tài sản số" hoàn chỉnh, góp phần hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng, đồng thời mở ra tiềm năng ứng dụng các công nghệ tiên tiến như bản sao số trong quy hoạch và quản lý đô thị thông minh.

Thống kê trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, số lượng gói thầu áp dụng BIM đang tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu năm 2023 chỉ có 12 gói thầu, thì năm 2024 đã tăng lên 61 gói và 6 tháng đầu năm 2025 đã đạt 110 gói thầu. Tuy nhiên, việc áp dụng BIM hiện vẫn chủ yếu tập trung ở giai đoạn thiết kế và thi công, trong khi ứng dụng cho quản lý vận hành còn hạn chế.

Từ thực tiễn triển khai, ông Nguyễn Tấn Vinh đề xuất một số nhóm giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy áp dụng BIM một cách thực chất và đồng bộ.

Cụ thể: Đối với công tác hoàn thiện hành lang pháp lý và công cụ hướng dẫn, đề xuất Bộ Xây dựng tập trung xây dựng các hướng dẫn sử dụng mô hình BIM trong thẩm định, cấp phép.

Bộ khẩn trương xây dựng và ban hành các hướng dẫn chi tiết áp dụng BIM cho các công trình hạ tầng giao thông; nghiên cứu, bổ sung quy định pháp lý chuyên biệt cho việc ứng dụng BIM trong giai đoạn quản lý vận hành công trình.

Cần sớm hoàn thiện mô hình thử nghiệm nền tảng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và BIM, triển khai thí điểm tại một số địa phương hoặc dự án trọng điểm. Tăng cường tích hợp BIM với các hệ thống thông tin quản lý như đất đai, cơ sở dữ liệu công trình và hệ thống cấp phép điện tử.

Bên cạnh đó, sớm ban hành khung chương trình đào tạo cho các chức danh chuyên gia quản lý, điều phối BIM. Đồng thời, đưa kết quả chuyển đổi số và áp dụng BIM thành tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng để thúc đẩy văn hóa đổi mới. Mục tiêu đến năm 2026, 100% cán bộ chuyên môn được cập nhật kiến thức về BIM.

Ông Nguyễn Tấn Vinh cũng đề xuất Bộ Xây dựng chỉ đạo áp dụng BIM một cách thực chất tại các dự án hạ tầng giao thông lớn như đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển… nhằm tạo hình mẫu lan tỏa và thúc đẩy toàn ngành phát triển theo hướng hiện đại, số hóa.

BIM - viết tắt của Building Information Modeling, là mô hình hóa thông tin công trình. Đây là một quy trình làm việc dựa trên mô hình 3D kỹ thuật số, được sử dụng xuyên suốt vòng đời của một dự án xây dựng, từ thiết kế, thi công đến vận hành. BIM không chỉ là mô hình hóa 3D thông thường, mà còn là một hệ thống thông tin tích hợp, giúp các bên liên quan trong dự án phối hợp hiệu quả hơn.