Chambroad hướng đến thị trường Việt Nam đầy tiềm năng
Lợi thế về vị trí địa lý, thời gian vận chuyển hàng từ Hải Nam đến các cảng của Việt Nam nhanh, chất lượng được khẳng định... là những thế mạnh để Chambroad hướng đến mục tiêu chinh phục thị trường Việt Nam và Đông Nam Á trong những năm tới.
Những dự án hạ tầng cần nguồn nhựa đường rất lớn
Trong những năm qua, Việt Nam đã tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông lớn để tăng tốc phát triển kinh tế.
Đến hết năm 2025, Việt Nam sẽ cơ bản thông tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Cao Bằng đến Cà Mau. Tổng chiều dài các tuyến cao tốc sẽ đạt trên 3.000km. Theo kế hoạch, đến 2030, Việt Nam tiếp tục đầu tư hệ thống cao tốc để đạt mục tiêu 5.000km đường bộ cao tốc.

Với việc tham gia thi công nhiều dự án hạ tầng giao thông ở Trung Quốc, Tập đoàn Chambroad tin tưởng sản phẩm nhựa đường của tập đoàn sẽ được nhiều chủ đầu tư, nhà thầu Việt Nam sử dụng ở các dự án giao thông trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2025, sẽ tiếp tục khởi công 19 dự án, trong đó có 14 dự án do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản. Có một số dự án lớn như: Mở rộng các cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên (đều thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông); cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Mỹ An - Cao Lãnh; Chợ Mới - Bắc Kạn; Ninh Bình - Hải Phòng...
Mới đây, ngày 27/6, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Tuyến Vành đai 4 được thiết kế 4 làn xe trong giai đoạn đầu, tốc độ tối đa 100km/h, mặt đường rộng 25,5m; về lâu dài sẽ mở rộng thành 8 làn, nền đường lên tới 74,5m.
Tổng chiều dài Vành đai 4 là 207,26km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, và Tây Ninh. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 120.413 tỷ đồng theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với hợp đồng BOT kết hợp vốn ngân sách. Trong đó Nhà nước dự kiến góp gần 70.000 tỷ đồng (gồm ngân sách Trung ương và địa phương), phần còn lại do nhà đầu tư huy động.

Chambroad đã cung cấp sản phẩm nhựa đường cho nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, nhựa đường Chambroad đã được sử dụng với các dự án ở khu vực phía Bắc.
Trong khi đó, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dài 125km, gồm 3 dự án thành phần, áp dụng công nghệ tiên tiến. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ 43.700 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2024 và ngân sách Trung ương, địa phương giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Chambroad phấn đấu đạt 30% sản lượng nhựa đường tại Đông Nam Á
Có thể nói, việc Nhà nước tập trung nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trong những năm sắp tới là cơ hội để các nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu trong nước và quốc tế có thể tìm kiếm cơ hội, tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này.
Theo thông tin từ các nhà thầu xây dựng giao thông ở Việt Nam, nhựa đường nhập khẩu vào Việt Nam hiện có nguồn gốc chủ yếu đến từ: Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt gần đây là từ các nước Trung Đông.

Sản phẩm nhựa đường của Chambroad đã được sử dụng để thi công hệ thống đường cao tốc ở Trung Quốc và nhiều nước châu Á.
Tại Việt Nam, có hai loại nhựa đường chính được sử dụng phổ biến là nhựa đường đặc nóng (dạng xá) và nhựa đường phuy. Nhựa đường đặc nóng thường được nhập khẩu bằng tàu chuyên dụng và bảo quản trong các bồn chứa, sau đó vận chuyển bằng xe bồn đến các trạm trộn. Nhựa đường phuy được đóng gói sẵn và nhập khẩu trực tiếp.
Thị trường nhựa đường nhập khẩu tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh khá gay gắt, đặc biệt là với sự gia tăng của nhựa đường giá rẻ từ Trung Đông.
Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT công ty LIZEN, một trong những nhà thầu lớn ở Việt Nam cho biết, hiện nay các nhà thầu ở Việt Nam chủ yếu sử dụng các sản phẩm nhựa đường có xuất xứ từ Singapore. Những năm gần đây có sử dụng các sản phẩm nhựa đường từ Trung Quốc, Trung Đông nhưng số lượng chưa nhiều.

Hệ thống lọc dầu, sản xuất nhựa đường hiện đại của Chambroad tại đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Trong chuyến tham quan trao đổi, tìm hiểu quy trình sản xuất nhựa đường của Tập đoàn Chambroad tại Hải Nam (Trung Quốc) vào tháng 5/2025, ông Hùng đánh giá cao về quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm nhựa đường Chambroad. Theo ông hùng, với lợi thế địa lý gần với Việt Nam, sản phẩm nhựa đường Chambroad hoàn toàn có thể vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều hơn, bởi giá cả sẽ cạnh tranh.
“Công ty Lizen sẵn sàng phối hợp để sử dụng sản phẩm nhựa đường Chambroad thi công một đoạn tuyến nào đó trên các công trình ở Việt Nam nhằm kiểm nghiệm chất lượng, hiệu quả của sản phẩm. Nếu sau thời gian theo dõi, thí nghiệm, chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu, giá thành hợp lý, công ty sẽ có những quyết định phù hợp”, ông Hùng nói.
Theo Tiến sĩ Trương Quang Phúc, Trưởng khoa kỹ thuật đường bộ và giao thông (Trường Đại học GTVT Việt Nam), đánh giá về các chỉ tiêu nhựa đường của Chambdroad so với các sản phẩm nhựa đường trên thị trường Việt Nam là tương đồng. Các tiêu chuẩn về kỹ thuật trong xây dựng công trình ở Việt Nam và Trung Quốc cũng tương đồng nhau nên cũng thuận lợi cho sản phẩm nhựa đường Chambroad vào thị trường Việt Nam.
Ông Phúc cho biết, sản lượng nhựa đường tiêu thụ tại Việt Nam mỗi năm khoảng 1,5 triệu tấn. Với những dự án giao thông lớn sắp được đầu tư, sẽ là cơ hội để Chambroad tăng sản lượng tại thị trường Việt Nam.

Tàu chở dầu tiếp cận bến cảng Hải Khẩu để đưa dầu thô vào hệ thống lọc, sản xuất nhựa đường của Chambroad. Đây cũng là hệ thống cảng bến phục vụ xuất khẩu nhựa đường của Chambroad đi các nước trong khu vực.
Ông Yin Guodong, Tổng giám đốc của Chambroad (Hải Nam) New Materials, chia sẻ rất quan tâm đến thị trường xây dựng tại Việt Nam. Những dự án đường cao, đường sắt tốc độ cao đang được Chính phủ Việt Nam lên kế hoạch thực hiện trong thời gian tới là cơ hội rất lớn cho các nhà cung cấp nhựa đường quốc tế.
Theo ông Yin Guodong, sản phẩm nhựa đường Chambroad đã được sử dụng tại rất nhiều dự án ở Trung Quốc, vì vậy về mặt chất lượng hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu khi đưa vào thị trường Việt Nam.
Ông Yin Guodong cho biết, với tổ hợp sản xuất thông minh của Chambroad Hải Nam, bao gồm dự án vật liệu mới gốc nhựa đường công suất 2,2 triệu tấn/năm. Công suất này đủ cung cấp cho thị trường Trung Quốc và xuất khẩu sang các nước châu Á.
Hệ thống cảng Dương Phố có hai bến cảng chuyên phục vụ nhập khẩu dầu thô và xuất khẩu nhựa đường.
Trong đó, hệ thống bến cảng 50.000MT có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 65.000 tấn, đồng thời đảm bảo xử lý cùng lúc hai tàu hàng 5.000 tấn một cách hiệu quả.
Bến cảng 30.000 MT đáp ứng khả năng tiếp nhận đồng thời hai tàu nhựa đường trọng tải lớn phục vụ xuất nhập khẩu, với quy mô lên đến 4.500 tấn mỗi tàu.
Với hệ thống bến cảng hiện đại này, Chambroad tin tưởng có thể đảm bảo cung ứng hiệu quả cho thị trường Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á.
“Chúng tôi đang phấn đấu để trong những năm tới đạt mục tiêu chiếm 30% sản lượng nhựa đường cung cấp tại thị trường khu vực Đông Nam Á”, ông Yin Guodong nói.