Xã hội

Chi trả chế độ tinh giản: Cụ thể hóa cam kết với cán bộ, công chức dôi dư

11/05/2025, 15:52

Những đợt chi trả chế độ tinh giản đầu tiên theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP đang được triển khai rộng rãi. Đây là bước đi cụ thể hóa cam kết của Đảng, Nhà nước, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện sắp xếp, tinh giản.

Từ Nghị định tới hành động: Quyết liệt từ Trung ương - Khẩn trương từ bộ, ngành

Ngay sau khi Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP được ban hành, Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể, khẩn trương chuyển hóa nghị định thành hành động thực tiễn. Tại phiên họp ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng bố trí đủ kinh phí để chi trả cho người nghỉ theo chế độ và cán bộ, công chức dôi dư trong quá trình sắp xếp bộ máy. Trong khi chờ cấp có thẩm quyền bổ sung ngân sách, các bộ, ngành, địa phương được hướng dẫn chủ động ứng trước nguồn dự toán để không để xảy ra ách tắc.

Chi trả chế độ tinh giản: Cụ thể hóa cam kết với cán bộ, công chức dôi dư- Ảnh 1.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách bảo đảm triển khai chính sách kịp thời, đúng quy định. Ảnh minh hoạ.

Trước đó, chiều 8/5, Bộ Tài chính khẳng định với báo chí rằng ngân sách Nhà nước sẽ bảo đảm đủ nguồn để thực hiện chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Đây là nhiệm vụ phát sinh năm 2025 nên thuộc thẩm quyền quyết định bổ sung của Quốc hội. Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 để bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025.

Trong thời gian chờ quyết định của Quốc hội, Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương lập dự toán và báo cáo nhu cầu kinh phí để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền. Đồng thời, Bộ chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách bảo đảm triển khai chính sách kịp thời, đúng quy định.

Trên tinh thần đó, từ ngày 7/5, Bộ Xây dựng là một trong những cơ quan sớm triển khai đã ban hành văn bản đôn đốc các cơ quan đơn vị xác định nguồn kinh phí và lập danh sách, dự toán và quyết toán kinh phí chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm lập danh sách, dự toán chi trả cho từng trường hợp, ban hành quyết định theo thẩm quyền. Hồ sơ sau khi gửi về Bộ Xây dựng sẽ được các đơn vị chức năng thẩm định và bố trí kinh phí theo quy định.

Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính cấp bổ sung kinh phí đợt 1 năm 2025 nhằm bảo đảm tiến độ chi trả và quyền lợi cho người thuộc diện hưởng chính sách. "Yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ, không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc sai sót trong quá trình thực hiện", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhấn mạnh.

Người đến tuổi hoặc có nguyện vọng sắp xếp lại công việc được hỗ trợ rời vị trí một cách phù hợp

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tinh giản biên chế không chỉ nhằm giảm về số lượng mà quan trọng hơn là tạo chuyển động tích cực trong tổ chức bộ máy; người có năng lực được tạo điều kiện phát huy, người đến tuổi hoặc có nguyện vọng sắp xếp lại công việc sẽ được hỗ trợ rời vị trí một cách phù hợp, với chính sách an sinh rõ ràng, minh bạch.

Chi trả chế độ tinh giản: Cụ thể hóa cam kết với cán bộ, công chức dôi dư- Ảnh 2.

Trao quyết định nghỉ hưu trong không khí trang nghiêm, thể hiện sự trân trọng của lãnh đạo Bộ Xây dựng với những người rời vị trí việc làm. Ảnh tư liệu.

Tại Hội nghị công bố các quyết định của Đảng ủy Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng về công tác tổ chức, cán bộ diễn ra ngày 1/3, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đã trao quyết định nghỉ hưu cho 25 trường hợp cán bộ tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi. Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, nhiều cán bộ đã gắn bó cả đời với Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp phát triển của ngành.

Chia sẻ với Báo Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Hiển, phụ trách đội xe (Văn phòng Bộ Xây dựng) cho biết, bản thân rất xúc động khi được nhận quyết định nghỉ hưu trong không khí trang nghiêm, thể hiện sự trân trọng của lãnh đạo Bộ với những người rời vị trí việc làm. Ngay sau khi Bộ trưởng trao Quyết định nghỉ hưu thì ông và các đồng nghiệp đã được nhận Quyết định hưởng chế độ hưu trí của Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội bắt đầu từ ngày 1/3/2025 với tỷ lệ lương hưu 75% trên mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng. So với quy định tuổi nghỉ hưu của Luật, ông Hiển được giải quyết nghỉ hưu sớm hơn 4 năm, sau tròn 39 năm công tác.

Nhận quyết định nghỉ hưu, ông Hiển bắt tay vào kế hoạch mới là tham gia phát triển dịch vụ y tế cộng đồng, mở cơ sở y tế tư nhân tại Hà Nội. "Khoản trợ cấp nghỉ hưu sớm theo Nghị định 178 rất có ý nghĩa để tôi an tâm ổn định cuộc sống mới", ông Hiển chia sẻ.

Tương tự, tại tỉnh Nam Định ngay sau khi sáp nhập Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải đã có một nữ Trưởng phòng chuyên môn nộp đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, ở tuổi 56 năm 8 tháng. Bà Vũ Thị T khẳng định: "Tôi hiểu đây là chủ trương lớn, bản thân tôi tự nguyện xin nghỉ và là sự lựa chọn phù hợp cho cả tập thể và cá nhân". Mới đây nhất, qua thẩm định kinh phí thực hiện chế độ nghỉ theo Nghị định 178 và 67 đợt 4, Sở Xây dựng Nam Định có 8 công chức có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi và đủ điều kiện hưởng chế độ, trong đó có 6 thanh tra viên thuộc Sở.

"Việc tự nguyện xin nghỉ trước tuổi thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, hy sinh của cá nhân đối với sự nghiệp cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy. Đây là sự nêu gương, tinh thần đảng viên vì sự nghiệp lớn của đất nước, tạo thuận lợi cho cơ quan, đơn vị trong việc sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ", Bộ trưởng Trần Hồng Minh khẳng định.

Tinh giản có tiêu chí, hỗ trợ có trách nhiệm

Chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP đang được triển khai đi vào chiều sâu, với hệ thống quy định và hướng dẫn liên tục được cập nhật, bảo đảm tính minh bạch, công bằng và phù hợp với thực tiễn từng cơ quan, địa phương.

Theo Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, việc tinh giản biên chế được thực hiện đối với những người đang làm việc trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và lực lượng vũ trang bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Đối tượng áp dụng bao gồm cán bộ, công chức, viên chức cả ở vị trí lãnh đạo, quản lý lẫn chuyên môn nghiệp vụ; cán bộ, công chức cấp xã; người lao động ký hợp đồng làm việc với cơ quan Nhà nước trước ngày 15/1/2019 hoặc được áp dụng chính sách như công chức... Ngoài ra, cán bộ không đủ điều kiện về tuổi để tái cử, tái bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, cũng như những người có nguyện vọng nghỉ việc nếu đáp ứng tiêu chí, cũng thuộc diện được xem xét tinh giản.

Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể, khẳng định rõ: không áp dụng chính sách tinh giản đối với những trường hợp đang trong thời gian xem xét kỷ luật, đang nghỉ thai sản, nghỉ việc riêng không hưởng lương, hoặc thuộc diện điều tra, truy tố. Quy định này nhằm bảo đảm chính sách được thực hiện đúng đối tượng, không bị lạm dụng, và cũng để tránh tâm lý hiểu sai về quyền lợi “nghỉ là có hỗ trợ”.

Để tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở, Bộ Nội vụ liên tục ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện. Điển hình như văn bản 1814/BNV-TCBC ngày 26/4/2025 cho phép các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng tiêu chí riêng, làm căn cứ xét duyệt đối tượng tinh giản phù hợp. Ngay cả với trường hợp có đơn tự nguyện xin nghỉ, cũng phải trải qua bước đánh giá, rà soát trên cơ sở tiêu chí đã ban hành. Việc này không chỉ giúp xác định đúng đối tượng, mà còn bảo đảm công bằng, minh bạch trong quá trình thực thi.

Trên thực tế, ngay sau khi Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn mới, ngày 29/4, Cục Thuế (Bộ Tài chính) có văn bản hỏa tốc gửi các ban, đơn vị và chi cục thuế. Cơ quan này cho rằng căn cứ hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại văn bản 1814/BNV-TCBC và trong khi Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, Cục Thuế tạm dừng chưa giải quyết chính sách nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc đợt 1/5/2025 theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP. Sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính, Cục Thuế sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện theo quy định.

Một chuyên gia hành chính công đánh giá: "Đây là bước đi cần thiết, thể hiện sự nhạy bén và kỷ luật trong tổ chức thực hiện. Chính sách càng rõ ràng, càng tránh được sai sót về đối tượng và quyền lợi".

Gần đây nhất, ngày 5/5, Bộ Nội vụ tiếp tục ban hành văn bản số 2034/BNV-TCBC, trong đó làm rõ: trong các đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ viên chức theo Luật Viên chức, tức người hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị mới thuộc diện được áp dụng tinh giản. Hình thức quản lý tài chính (có tự chủ hay không) không ảnh hưởng đến quyền lợi, miễn là viên chức thuộc diện sắp xếp tổ chức, giải thể, sáp nhập…

Ngược lại, người lao động ký hợp đồng theo Bộ luật Lao động (thường là hợp đồng ngoài biên chế) không thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 178, dù làm việc cùng trong một đơn vị.

"Người lao động cần chủ động theo dõi hướng dẫn và lưu ý các mốc thời gian, điều kiện cụ thể trong hồ sơ, để tránh những thiệt thòi đáng tiếc do không nộp đúng hạn hoặc hiểu chưa đầy đủ về quy định", chuyên gia Hành chính công lưu ý.

Chính sách có điều kiện, và điều kiện ấy là để bảo đảm sự công bằng, minh bạch, đúng người - đúng việc - đúng hỗ trợ. Đây không chỉ là tinh thần thượng tôn pháp luật, mà còn là cách để giữ trọn sự tử tế trong một chính sách nhân văn.

Tại phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, năm nay chi ngân sách sẽ tăng lên bởi thực hiện sắp xếp, tinh giản bộ máy.

"Riêng việc trả tiền cho cán bộ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi cũng đã hơn 100 nghìn tỉ đồng, theo thống kê chưa đầy đủ", ông Phớc nói.