Chiêu thổi giá đất giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam
Từ khi rộ lên thông tin sáp nhập Đà Nẵng - Quảng Nam, nhiều nhà đầu tư bắt đầu gom đất khiến giá bất động sản vùng giáp ranh hai địa phương này tăng vọt.
Đất nền tăng nhiệt
Đầu tháng 4, Hiếu (nhân viên môi giới bất động sản) tất bật tìm mua đất tại phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), giáp ranh quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng). Tính từ giữa tháng 3/2025 đến nay, Hiếu đã tìm mua được 4 lô đất theo đặt hàng của một nhà đầu tư ở Hà Nội.

Đất nền tại nhiều dự án bất động sản khu vực Điện Ngọc tăng giá chóng mặt do thông tin sáp nhập.
"Cò" Hiếu cho biết, đất khu vực Điện Ngọc đang rất sốt do có thông tin sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam. Hiếu dẫn chứng, cuối năm 2024, đất tại phường Điện Ngọc thấp hơn giá đất phường Hòa Quý hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng dù ở sát vách nhau.
Cụ thể, một lô đất 100m2 mặt tiền đường bê tông 3m trong khu dân cư đường Mai Đăng Chơn (phường Hòa Quý) được rao bán với giá 1,6 tỷ đồng. Còn đất Điện Ngọc với diện tích, mặt tiền đường tương tự nhưng chỉ có giá khoảng 1 tỷ đồng. Đến nay, lô đất đó đã có giá 1,2 tỷ đồng.
"Trước đây, giá đất chênh lệch vì tâm lý hộ khẩu Đà Nẵng, hộ khẩu Quảng Nam. Nhưng nếu hai địa phương sáp nhập thì như nhau nên giá đất khu vực giáp ranh Đà Nẵng cũng tăng theo", Hiếu nói.
Ghi nhận tại các dự án bất động sản tại khu vực Điện Nam - Điện Ngọc những ngày qua không còn cảnh đìu hiu như trước. Thay vào đó, các ki-ốt cũng mở cửa trở lại, nhân viên môi giới túc trực để tư vấn, giới thiệu đất cho khách hàng.
Trên các trang chuyên mua bán nhà đất, những ngày này không khó để bắt gặp những tin tức rao bán đất tại các phường thuộc thị xã Điện Bàn với nội dung "đất ven đô Đà Nẵng".
Đất tăng giá ảo do đầu cơ, chiêu trò
Ông Phạm Văn Sung, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Đầu tư phát triển Bất động sản Vạn Đạt cho hay, đất nền giáp ranh Đà Nẵng, nhất là khu vực Điện Ngọc tăng rất mạnh trong 20 ngày gần đây. Có những chỗ tăng đến 500 triệu đồng so với trước Tết.
Theo ông Sung, sốt đất do tin đồn sáp nhập vì phía Điện Ngọc không có dư địa phát triển, chưa có hạ tầng, tiện ích như Đà Nẵng. Bao nhiêu năm qua hạ tầng các khu đô thị khu vực Điện Ngọc vẫn vậy, không thay đổi gì nhiều.
"Thực tế hiện nay người mua thật đất Điện Ngọc không có bao nhiêu, chủ yếu người mua đi bán lại. Nhiều nhà đầu tư "đu đỉnh" năm 2019, họ ôm mấy năm rồi nên giờ tâm lý phải thoát hàng ra. Lượng mua vào thì chủ yếu môi giới, nhà đầu tư lướt kiếm lời chứ khách thực mua công chứng không nhiều. Đất bị đẩy giá lên quá nhanh", ông Sung nói.
Giám đốc một công ty bất động sản tại Đà Nẵng cho hay, giá đất khu vực giáp ranh Đà Nẵng, đặc biệt là khu vực Điện Ngọc vượt đỉnh năm 2019. Giá tăng phi mã nhưng hoàn toàn không tương xứng với giá trị cốt lõi, bởi khu vực này hạ tầng còn chưa phát triển, tiện ích xung quanh cũng hạn chế.
Vị giám đốc này chia sẻ, việc giá đất tăng không chỉ ở việc nhà đầu tư đón đầu sáp nhập mà còn bởi chiêu trò của một số bộ phận môi giới nhằm thổi giá. Chiêu trò rõ nhất hiện nay là họ tạo các tài khoản facebook ảo để đăng tin mua, bán đất rầm rộ.
"Hôm nay, họ rao lô đất 2 tỷ đồng nhưng ngày mai hỏi thì họ giả vờ báo có người đặt cọc rồi, chủ mới bán giá 2,3 tỷ đồng nhằm tạo cảm giác thị trường đang rất sốt.
Giá đất được chuyền qua lại giữa các nhóm môi giới và được nâng giá lên đỉnh điểm. Những nhà đầu tư đến sau, thiếu kinh nghiệm sẽ dính bẫy", vị giám đốc cho biết".
Tiềm ẩn rủi ro
Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo bất động sản, Đà Nẵng và Quảng Nam sáp nhập thì vùng ven tăng giá là xu thế tất yếu, bởi nguồn cung tại Đà Nẵng hiện nay không còn.

Các ki-ốt môi giới bất động sản hoạt động nhộn nhịp tại khu vực Điện Ngọc.
Tuy nhiên, khu vực Điện Bàn pháp lý nhiều dự án chưa hoàn chỉnh, nếu đầu tư thì người mua nên thận trọng, chọn những lô đất có sổ mới mua.
"Đây không phải lúc để lướt sóng mà là đầu tư dài hạn, vốn nhàn rỗi thì có thể đầu tư. Không nên ham mà dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều sẽ nguy cơ vỡ trận", ông Lập chia sẻ.
Còn ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group cho hay, đang có dấu hiệu sốt đất ở các địa phương thuộc diện sáp nhập và giá đất tăng vài chục phần trăm trong thời gian quá ngắn.
Giá đất khu vực Điện Bàn cũng nhảy múa trong thời gian qua do tin đồn sáp nhập, đến bây giờ đã sốt đất thật sự.
Theo ông Thắng, việc tăng giá đất lên mấy chục phần trăm là không hợp lý, bởi giá trị thực của đất mới là giá trị bền vững. Theo đó, mỗi bất động sản tăng giá phụ thuộc vào rất nhiều thứ như hạ tầng giao thông, khả năng khai thác, sinh lời trong tương lai.
"Còn nếu kỳ vọng vào giá trị tương lai quá lớn trong khi điều kiện hạ tầng, tiện ích, dịch vụ xã hội chưa đáp ứng được thì rõ ràng sẽ gây ra sự lãng phí và hậu quả. Bởi sau những cơn sốt đất thì thanh khoản mất đi, nhà đầu tư rút đi, giá bất động sản neo ở đó, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế", ông Thăng cho hay.
Cũng theo ông Thắng, đầu tư bất động sản ăn theo tin đồn sáp nhập thực chất là đầu cơ, mà đầu cơ sẽ có kẻ thắng người thua. Bất động sản là để phục vụ đời sống, có để ở, khai thác, sản xuất mới quyết định được tính lâu dài, bền vững của bất động sản.
"Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ, đánh giá chính xác về bất động sản mình muốn mua, về giá trị mà nó mang lại, tránh tình trạng mua bất động sản giá quá cao hay tham gia làn sóng đầu tư theo cảm tính để rồi có những hậu quả khó khắc phục được trong tương lai", ông Thắng nói.
Trước tình trạng sốt đất do tin đồn sáp nhập, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, gần đây, một số khu vực trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu xuất hiện tình trạng đất "sốt ảo", thổi giá, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, có khả năng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng an ninh trật tự và môi trường đầu tư.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Công an tỉnh nắm bắt tình hình các chủ đầu tư dự án mở bán trên địa bàn (hoặc địa phương khác) khi chưa đủ điều kiện để kịp thời chấn chỉnh, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, lũng đoạn, xúi giục, kích động, gây bất ổn thị trường bất động sản.