Thời sự Quốc tế

Chính phủ Nhật Bản mất quyền kiểm soát Thượng viện

21/07/2025, 08:46

Sáng 21/7, Đài NHK thông tin đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba và đảng Komeito liên minh không đạt đủ 50 ghế cần thiết để nắm thế đa số trong Thượng viện gồm 248 ghế.

Kết quả kiểm phiếu cho thấy đảng LDP cầm quyền và đảng liên minh Công Minh đã giành được ít hơn 125 ghế cần thiết để duy trì thế đa số trong Thượng viện gồm 248 thành viên, ngay cả sau khi đã bao gồm 75 ghế của liên minh không được bầu cử.

Chính phủ Nhật Bản mất quyền kiểm soát Thượng viện- Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba không hài lòng với kết quả bỏ phiếu tại Thượng viện (Ảnh: Reuters).

Do đó, Thủ tướng Shigeru Ishiba rơi vào tình thế bấp bênh khi không có đa số ghế tại cả hai viện của Quốc hội, đây là tình huống rất hiếm gặp với một Chính phủ Nhật Bản sau chiến tranh.

Trước đó, phát biểu tối 20/7 sau khi các cuộc thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu kết thúc, ông Ishiba tuyên bố chấp nhận kết quả. Khi được hỏi liệu ông có tiếp tục giữ chức Thủ tướng và lãnh đạo Đảng LDP hay không, ông Ishiba khẳng định rằng có.

Cũng theo kết quả kiểm phiếu, đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ) giành được 22 ghế, đảng Đổi mới Nhật Bản (JIP) giành được 7 ghế, giảm từ 18 ghế.

Trong khi đó, các đảng đối lập gồm đảng Dân chủ Nhân dân (DPP) trung hữu và đảng cánh hữu Sanseito, với cương lĩnh "Nhật Bản trên hết", đã đạt được những bước tiến lớn.

Đảng DPP được 17 ghế, tăng so với 9 ghế trước đó và đảng Sanseito được 14 ghế (tăng so với 2 ghế trước đó).

Đảng cực hữu Sanseito, được thành lập qua YouTube cách đây vài năm, chính thức bước vào chính trường Nhật Bản với chiến dịch "Người Nhật trước tiên". Mặc dù theo đuổi chương trình nghị sự chính sách dân tộc chủ nghĩa nhắm vào người nước ngoài, bị các nhà phê bình coi là bài ngoại, nhưng với việc đạt được 14 ghế, Sanseito đã đủ tư cách trình dự luật lên Thượng viện.

Ngoài ra, các đảng đối lập khác của Nhật Bản, với cam kết cắt giảm thuế và tăng chi cho phúc lợi xã hội, cũng đánh trúng tâm lý cử tri khi giá tiêu dùng, đặc biệt là giá gạo tăng cao.