Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số: Động lực tăng trưởng mới cho ngành dệt may
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại theo hướng bền vững và thông minh hơn, ngành dệt may Việt Nam đứng trước hai “cánh cửa” phải mở cùng lúc: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Giữ chân khách nhờ xanh hóa, số hóa
Là một trong những đơn vị thực hiện khá nhanh chuyển đổi kép theo tinh thần Nghị quyết 57 - NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty may 10 cho biết, trên 80% doanh thu của công ty từ xuất khẩu. Hiện đơn vị đang tập trung gấp rút hoàn thiện, giao hàng sớm hơn so với kế hoạch cho các đối tác trước lo ngại khó đoán định về thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Việc "xanh hóa" và "số hóa" ngành dệt may không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu bắt buộc để ngành này phát triển bền vững và giữ vững. Ảnh: Kim Oanh
"Đơn vị đã có đơn hàng với thị trường châu Âu và Nhật Bản đến hết quý II/2025. Tuy nhiên, với sự thay đổi khó đoán về thuế đối ứng của Hoa Kỳ, doanh nghiệp buộc phải có chính sách linh hoạt đặc biệt tập trung sâu hơn vào nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, chi phí đầu vào, nâng cao năng lực", ông Việt cho hay.
Ông Việt cho rằng chuyển đổi xanh đáp ứng yêu cầu của khách hàng châu Âu và Mỹ. Chuyển đổi xanh ở đây là cải thiện xanh môi trường làm việc cho người lao động về năng lượng sử dụng và tái tạo tỷ trọng nguyên phụ liệu tái chế.
Còn chuyển đổi số, yếu tố tiên quyết và tất yếu khi nguồn lao động truyền thống ngày càng giảm, quản trị và sản xuất đang thực hiện mạnh mẽ, kết nối dữ liệu, thay đổi mô hình sản xuất trước kia.
Ông Việt lấy ví dụ: "Nếu như trước kia toàn bộ dữ liệu ghi chép bằng tay thì hiện nay thay đổi ghi theo hệ thống phần mềm quản trị. Với việc may mẫu trước đây mất nhiều thời gian, chi phí nhưng nay may mẫu lần nào được lần đó vì đã thiết kế sản phẩm trên phần mềm 3D, phương thức phát triển mẫu, duyệt mẫu trên phần mềm rút ngắn tiết kiệm được thời gian chi phí khi giao dịch với khách hàng và hiệu quả hơn".
Còn với Vinatex – doanh nghiệp đầu ngành với hơn 100 công ty thành viên – đã chủ động thực hiện chiến lược chuyển đổi kép: vừa xanh hóa chuỗi sản xuất, vừa số hóa hệ thống quản trị.
Ở mặt trận chuyển đổi xanh, nhiều đơn vị thành viên của Vinatex như Sợi Phú Bài, May Triệu Phong, Đông Xuân, Nam Định… đã đầu tư hệ thống máy móc tiết kiệm năng lượng, nước, hóa chất. Sợi tái chế, bông hữu cơ, vải từ tre, bã cà phê… dần thay thế nguyên liệu truyền thống để đáp ứng yêu cầu từ các thương hiệu lớn như H&M, Uniqlo, Decathlon. Nhiều nhà máy đã tích hợp tiêu chuẩn ESG quốc tế như Higg Index, ISO 14001, BSCI…
Đối với chiều chuyển đổi số, tập đoàn đang triển khai các nền tảng ERP, MES, phần mềm quản trị sản xuất thông minh, CAD/CAM, tự động hóa trải cắt vải và đóng gói. Một số đơn vị tiên phong như Phong Phú, Dệt May Huế, Nhà Bè thậm chí tự viết phần mềm "may đo" theo mô hình nhà máy thông minh.
Hành trình không dễ dàng
Tuy vậy, hành trình chuyển đổi tại Vinatex và nhiều công ty trong ngành dệt may không hề dễ dàng. Khó khăn lớn nhất vẫn là chi phí đầu tư – khi một dây chuyền hiện đại có thể tốn hàng chục tỷ đồng, trong khi khả năng tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp trong ngành còn hạn chế.
Không chỉ vậy, nguồn nhân lực cũng là rào cản lớn. Ngành dệt may đang gặp khó trong tuyển dụng lao động kỹ thuật, khi phải cạnh tranh với các lĩnh vực có thu nhập và điều kiện làm việc hấp dẫn hơn như công nghệ, logistics.
Ngoài ra, thị trường chưa hoàn toàn đồng thuận. Một số khách hàng vẫn ưu tiên giá rẻ hơn là yêu cầu về môi trường hay truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, các chuẩn mực quốc tế như luật khí nhà kính, CBAM (thuế carbon biên giới của EU) hay các quy định về ESG đang thay đổi nhanh chóng, gây áp lực liên tục về cập nhật và tuân thủ.
Nhiều năm qua, ngành dệt may Việt Nam là một trong những trụ cột xuất khẩu chủ lực, đóng góp khoảng 40 tỷ USD mỗi năm vào kim ngạch cả nước. Tuy nhiên, lợi thế nhân công giá rẻ đang dần mất đi trước làn sóng tự động hóa, trong khi các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ ngày càng siết chặt yêu cầu về minh bạch nguồn gốc, giảm phát thải và tuân thủ ESG. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà trở thành mệnh lệnh sống còn.
Theo Bộ Công thương, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 47-48 tỷ USD vào năm 2025, ngành dệt may cần đẩy mạnh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Cần thiết lập tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất xanh
Theo Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may bình quân đạt 6,8 - 7,2%/năm. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 68 - 70 tỷ USD vào năm 2030.
Đến năm 2035, phát triển ngành hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trước tình hình đó, theo TS Trần Như Bình – chuyên gia về chuỗi cung ứng và phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và số trong dệt may không đơn thuần là "thay máy – dùng phần mềm", mà là một cuộc cải tổ tư duy vận hành toàn diện theo 3 trụ cột:
Thứ nhất, xanh hóa quy trình sản xuất: từ thiết kế đến xử lý nước thải, tất cả phải giảm phát thải khí nhà kính và tối ưu hóa tài nguyên.
Thứ hai, số hóa quản trị: không chỉ để tăng năng suất, mà còn để minh bạch chuỗi cung ứng – điều mà các thương hiệu toàn cầu ngày càng yêu cầu.
Thứ ba, đào tạo nội bộ: người lao động không thể bị "bỏ lại" nếu doanh nghiệp muốn chuyển đổi thành công.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ: "Trước tiên phải kể đến quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp, chuyển đổi phải gắn với hiệu quả kinh tế rõ ràng, không chạy theo trào lưu, mà gắn chuyển đổi với tăng năng suất, tiết kiệm chi phí.
Thí điểm – nhân rộng: Triển khai thử tại đơn vị mạnh, điều chỉnh phù hợp rồi mới lan tỏa toàn hệ thống. Xác định rõ ESG và số hóa là yêu cầu tất yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không làm sẽ bị loại khỏi chuỗi. Đồng thời, liên kết – hợp tác là chìa khóa, không thể chuyển đổi thành công nếu chỉ làm đơn lẻ từng doanh nghiệp. Ngoài ra, truyền thông nội bộ và thay đổi nhận thức là nền tảng của thành công làm sao phải giúp người lao động hiểu, ủng hộ và tham gia".
Để đạt được mục tiêu xanh hóa ngành dệt may, nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành là chưa đủ. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đề xuất Chính phủ cần có các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, như công nghệ nhuộm không sử dụng nước và công nghệ tái chế.
"Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc đầu tư vào công nghệ xanh, đặc biệt là các công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu chất thải", ông Giang cho biết.
Ông Lê Xuân Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đề xuất, cần thiết lập các tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất xanh. Điều này giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận gói tín dụng từ các tổ chức tài chính hay các quỹ đổi mới công nghệ, đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Ở góc độ là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công thương cũng đề xuất thành lập Trung tâm sản xuất, lưu trữ và kinh doanh nguyên liệu thô cho ngành dệt may, dự kiến hoạt động từ năm 2025. Trung tâm này sẽ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc vật liệu, đảm bảo minh bạch và đạt chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, bộ cũng thúc đẩy việc xây dựng các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải và bảo vệ môi trường, nhằm đáp ứng yêu cầu về sản xuất xanh và phát triển bền vững.