Chuyên gia chống độc chỉ tên chất cấm trong thực phẩm chức năng gây tổn thương não
BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian qua đã phát hiện nhiều chất cấm có trong sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… khiến nhiều người ngộ độc, thậm chí gây tổn thương não.
Chất cấm trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tại đây vẫn thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc sau khi dùng các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất độc hại, để lại nhiều tổn thương nghiêm trọng.
Trung tâm phát hiện nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo tăng cường sinh dục nam giới, giảm cân… nhưng thực chất lại được pha trộn các dược chất chữa rối loạn cương dương, chất kích thích hệ thần kinh giúp chán ăn.
Điển hình như dược chất sibutramine có trong các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ giảm cân, hay Sildenafil, Tadalafil trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng cường sinh lý cho nam giới…

Hình ảnh tổn thương não của 1 nữ bệnh nhân sau khi dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Cốt bí xanh detox".
Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận nữ bệnh nhân (27 tuổi, Thanh Hóa) ngộ độc chất cấm sibutramine và nhập viện trong tình trạng tổn thương não.
Trước đó, cô gái này dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Cốt bí xanh detox", được quảng cáo là hỗ trợ giảm béo và tiêu mỡ.
Tương tự, một nữ bệnh nhân trẻ tuổi khác ở Hà Nội cũng nhập viện trong tình trạng tổn thương não nặng vì ngộ độc sibutramine sau khi dùng thực phẩm chức năng giảm cân có nhãn hiệu Max slim 7 days 7 weight loss (sản xuất ở nước ngoài).
Theo BS Nguyễn Huy Tiến, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trước đây sibutramin là dược chất sử dụng trong thuốc điều trị béo phì, tuy nhiên đã bị cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác động nguy hiểm tới sức khỏe.
Đã có bệnh nhân bị hôn mê, co giật, tổn thương não khi dùng thực phẩm chức năng, các loại cà phê giảm cân do có chứa sibutramin. Đây là chất có nguy cơ độc tính rất cao, cấu trúc phân tử của sibutramin giống với ma túy amphetamine.
Khoảng đầu tháng 4 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế công bố kết quả thử nghiệm 5 mẫu sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng cường sinh lý cho nam giới Man Plus Gold.
Kết quả, các sản phẩm này có chứa Sildenafil, Tadalafil là các chất cấm dùng trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Các dược chất này vốn được sử dụng trong các thuốc điều trị rối loạn cương dương, giúp cải thiện lưu thông máu tới dương vật.
Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách hoặc sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc có chứa những chất này, người dùng có thể đối mặt với nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận, và thậm chí tử vong đột ngột.
Đặc biệt, với những người không có vấn đề về sinh lý hoặc người có tiền sử bệnh tim mạch sử dụng các sản phẩm này rất nguy hiểm.
Cần kiểm soát chặt
"Vì lợi nhuận, các đối tượng sử dụng cả những chất cấm sử dụng làm thuốc trà trộn vào các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và giấu nhẹm thông tin, gây ra những hệ lụy cho sức khỏe.
Do không biết trong thành phần thực phẩm chức năng có các chất là thuốc, hàm lượng bao nhiêu nên người dùng dễ bị quá liều, ngộ độc, hoặc gặp phải những tác dụng ngược.
Việc pha trộn các thành phần thuốc hoặc cho các chất nào đó vào trong thực phẩm chức năng mà không công bố, che giấu là vi phạm nghiêm trọng và khi gây hậu quả cho sức khỏe, đó là tội ác", BS. Nguyên nhấn mạnh.
Ông Nguyên cũng cảnh báo, các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện đang được quảng cáo và hiểu sai rất nhiều.
Khi cần mua bất cứ sản phẩm gì, người dân cần chọn các sản phẩm được sản xuất bởi các công ty được cấp phép và đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nước. Việc mua bán cũng cần trực tiếp qua nhà phân phối chính thức, có hóa đơn, đóng thuế rõ ràng, không nên mua trên mạng xã hội, qua Internet hay điện thoại để tránh tiền mất, tật mang.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần kiểm soát trước khi sản phẩm ra đời, lưu hành trong thị trường, đặc biệt khâu hậu kiểm, thanh tra đột xuất, ngẫu nhiên xét nghiệm kiểm tra lại chất lượng sản phẩm. Khi phát hiện vi phạm thì phải có chế tài xử phạt nặng, đủ sức răn đe.