Cơ cấu lại tổng thể hệ thống quỹ tín dụng nhân dân
Ngày 4/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Đề án “Cơ cấu lại tổng thể hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045”.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân được thành lập từ năm 1993 với mục tiêu cốt lõi huy động nguồn lực từ cộng đồng để tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên, đặc biệt là các vùng nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu vùng xa nơi người dân còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng - tài chính.

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn.
Sau 30 năm hình thành và phát triển, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân từng bước được mở rộng và củng cố, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho người dân, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cũng như an sinh xã hội tại địa phương.
Nói về định hướng hoạt động và tầm quan trọng của liên kết hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, bà Trần Kim Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho biết, trong giai đoạn tới, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cần tiếp tục giữ vững tôn chỉ “tương trợ lẫn nhau”, tập trung phục vụ thành viên, hộ nông dân, hộ sản xuất nhỏ và các đối tượng yếu thế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển tài chính toàn diện. Điều này phù hợp với quan điểm xuyên suốt của Đảng, lấy “người dân làm trung tâm”, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Từ bài học kinh nghiệm của Nhật Bản (Norinchukin Bank), Hàn Quốc (NACF), Hà Lan (Rabobank), có thể khẳng định, chỉ khi có hệ thống liên kết chặt chẽ, đồng bộ, các quỹ tín dụng nhân dân mới thực sự phát huy được vai trò, củng cố nội lực, tăng sức chống chịu trước rủi ro, điều hòa vốn và kiểm soát nợ xấu.
Ngân hàng Hợp tác xã cần thực hiện đầy đủ vai trò trung tâm: điều tiết vốn, hỗ trợ thanh khoản, kiểm soát rủi ro, cung cấp dịch vụ công nghệ và đào tạo nhân lực, đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, tín dụng nông nghiệp, tín dụng phục vụ nông thôn mới. Liên kết không chỉ là yêu cầu nghiệp vụ mà còn là yêu cầu chiến lược, sống còn để củng cố niềm tin cộng đồng và xây dựng hệ sinh thái tài chính cộng đồng bền vững.
Về sắp xếp lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bà Trần Kim Anh khẳng định, chủ trương “mỗi xã chỉ có một quỹ tín dụng nhân dân” là giải pháp đúng đắn và cấp thiết. Việc sắp xếp phải thực hiện thận trọng, minh bạch, dân chủ, lấy ý kiến thành viên, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền, tránh xáo trộn đời sống xã hội.
Sau sắp xếp, các quỹ tín dụng nhân dân cần được củng cố quy mô vốn, nâng cao năng lực tài chính, hiện đại hóa quản trị, chuẩn hóa quy trình kiểm soát rủi ro, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, tín dụng hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển kinh tế tuần hoàn, qua đó đáp ứng mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại.
Chính sách hỗ trợ cần đi kèm, như ưu đãi lãi suất cho các dự án xanh, cơ chế khuyến khích sáp nhập tự nguyện, hỗ trợ xây dựng trụ sở, hạ tầng thông tin và các chương trình giáo dục tài chính cộng đồng. Đây chính là cách để bảo đảm hệ thống quỹ tín dụng nhân dân không chỉ đứng vững mà còn phát triển mạnh mẽ, bền vững, thực sự trở thành “bà đỡ” tài chính của nông dân và cộng đồng.