Công nghệ

Cổ phiếu các nhà cung cấp của Apple lao dốc sau khi ông Trump đe dọa áp thuế

26/05/2025, 16:13

Cổ phiếu của các nhà cung cấp Apple niêm yết tại Trung Quốc đã giảm điểm vào hôm nay (26/5) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế nhập khẩu lên điện thoại iPhone.

Cổ phiếu của Luxshare, công ty lắp ráp iPhone và sản xuất AirPods, giảm 2,2%, trong khi nhà sản xuất màn hình điện thoại Trung Quốc Lens Tech mất 1,8%. Nhà sản xuất AirPods Goertek cũng giảm 1,1%.

Cổ phiếu các nhà cung cấp của Apple lao dốc sau khi ông Trump đe dọa áp thuế- Ảnh 1.

Cổ phiếu các nhà cung cấp của Apple lao dốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế lên điện thoại iPhone.

Vào thứ sáu tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tái khởi động cuộc chiến thương mại, cảnh báo Apple rằng ông có thể áp thuế 25% lên bất kỳ iPhone nào được bán nhưng không được sản xuất tại Mỹ, như một phần trong mục tiêu của chính quyền nhằm đưa việc làm trở lại nước này.

Lời đe dọa này, cùng với một tuyên bố khác về việc áp thuế 50% bắt đầu từ ngày 1/6, đã làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến thương mại mà Mỹ đang tiến hành có thể lại leo thang sau nhiều tuần giảm căng thẳng.

Nhà Trắng đã tạm dừng phần lớn các mức thuế trừng phạt mà ông Trump công bố hồi đầu tháng tư đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, sau khi các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo tài sản Mỹ, bao gồm trái phiếu chính phủ và đồng USD. Tổng thống Trump giữ nguyên mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết hàng nhập khẩu và sau đó giảm mức thuế khổng lồ 145% đối với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 30%.

Apple đang đẩy nhanh kế hoạch sản xuất phần lớn iPhone bán tại Mỹ tại các nhà máy ở Ấn Độ vào cuối năm 2026 để tránh thuế từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, khả năng chuyển sản xuất về Mỹ vẫn còn hạn chế. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick tháng trước cho biết trên CBS rằng công việc của "hàng triệu con người lắp ráp những con ốc nhỏ để sản xuất iPhone" sẽ được đưa về Mỹ và tự động hóa, tạo việc làm cho các lao động lành nghề như thợ cơ khí và thợ điện.

Nhưng sau đó, ông Lutnick nói rằng CEO Tim Cook đã cho biết việc này đòi hỏi công nghệ chưa có sẵn.


Nguồn: reuters