Showbiz

Cục Phát thanh, Truyền hình rà soát, xác minh nghệ sĩ bị mạo danh lừa đảo, quảng cáo

22/04/2025, 16:41

Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ như ca sĩ Đan Trường, MC Lại Văn Sâm, MC Quyền Linh... lên tiếng cảnh báo việc họ bị nhiều trang mạng xã hội mạo danh, cắt ghép hình ảnh để quảng cáo sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trả lời Báo Xây dựng: Cục đang phối hợp với Cục An toàn thực phẩm cùng một số đơn vị liên quan và các cá nhân để rà soát, xác minh việc nghệ sĩ bị mạo danh quảng cáo trên mạng xã hội.

Việc nghệ sĩ bị cắt ghép hình ảnh hay thậm chí lồng giọng vào các video quảng cáo cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc không phải là điều xa lạ trong nhiều năm.

Cục Phát thanh, Truyền hình rà soát, xác minh nghệ sĩ bị mạo danh lừa đảo, quảng cáo- Ảnh 1.

H'Hen Niê từng bị mạo danh quảng cáo thuốc hỗ trợ sinh lý cho nam giới.

Tuy nhiên, bản thân các nghệ sĩ cũng không thể kiểm soát hết các tài khoản, trang mạng xã hội mạo danh họ.

Hôm 17/4, nghệ sĩ Việt Hương cũng phải lên tiếng cảnh báo: "Gần đây, rất nhiều đối tượng cố tình giả mạo, cắt ghép và lợi dụng hình ảnh Hương để bán sản phẩm. Nếu phát hiện bất cứ hành vi lợi dụng hình ảnh tôi, vui lòng nhắn tin, báo để kịp thời xử lý và gửi lời cảnh báo đến mọi người", Việt Hương nói.

Còn nhớ, năm 2021, hoa hậu H'Hen Niê bị sử dụng hình ảnh trái phép quảng cáo thuốc hỗ trợ sinh lý cho nam giới.

Nàng hậu khẳng định, cô không ký kết hợp đồng với nhãn hàng. Tuy nhiên, khi cô và ê-kíp muốn liên hệ với doanh nghiệp để yêu cầu gỡ hình ảnh nhưng không tìm được địa chỉ, số điện thoại.

Về câu hỏi có công cụ nào để truy xuất nguồn gốc, thống kê các tài khoản mạng xã hội mạo danh nghệ sĩ, người nổi tiếng hay không, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chi biết thêm: "Hiện, Cục đang phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cùng một số đơn vị liên quan và các cá nhân để rà soát, xác minh".

Trao đổi về vấn nạn nghệ sĩ bị mạo danh quảng cáo, trục lợi trên mạng xã hội, thạc sĩ - luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc giả mạo, mạo danh nghệ sĩ, người nổi tiếng nhằm mục đích trục lợi là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của cá nhân, gây ảnh hưởng đến uy tín của những người bị mạo danh, khiến nhiều người trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo.

"Khi phát hiện có đối tượng mạo danh mình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, người bị hại cần lên tiếng cảnh báo, đính chính thông tin công khai trên không gian mạng cũng như các phương tiện truyền thông để ngăn chặn các đối tượng giả mạo có thể thực hiện hành vi phạm tội.

Bên cạnh đó, người bị hại cần thu thập thông tin, tài liệu và trình báo ngay sự việc với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn các đối tượng lừa đảo này, nhằm hạn chế hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra", luật sư Giang nói.

Cục Phát thanh, Truyền hình rà soát, xác minh nghệ sĩ bị mạo danh lừa đảo, quảng cáo- Ảnh 2.
Cục Phát thanh, Truyền hình rà soát, xác minh nghệ sĩ bị mạo danh lừa đảo, quảng cáo- Ảnh 3.

Lý Nhã Kỳ, Đan Trường từng bức xúc khi bị mạo danh để quảng cáo.

Theo luật sư Hương Giang, tùy từng tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

"Trong trường hợp cá nhân có hành vi mạo danh người khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt từ 2.000.000-3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính Phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc sẽ bị trục xuất nếu là người nước ngoài.

Trong trường hợp cá nhân lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000-20.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Nếu trong trường hợp đối tượng mạo danh nghệ sĩ, người nổi tiếng để lừa chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc đưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định rại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Tùy từng tính chất, mức độ hành vi thì mức phạt của tội danh này có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc cao nhất có thể lên đến 12-20 năm hoặc tù chung thân, đối với trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Ngoài ra, người phạm tội phải hoàn trả toàn bộ số tiền chiếm đoạt cho bị hại", luật sư phân tích thêm.