Cuộc đua trí nhớ giữa các ông lớn AI
Các “ông lớn công nghệ” đang đua nhau tích hợp tính năng ghi nhớ vào chatbot AI, hứa hẹn cá nhân hóa sâu hơn nhưng cũng dấy lên lo ngại về quyền riêng tư, nguy cơ thao túng hành vi và lạm dụng dữ liệu cá nhân.
Những "ông lớn công nghệ" bao gồm OpenAI, Google, Meta và Microsoft đang chạy đua để cung cấp cho các chatbot AI của họ trí nhớ tốt hơn, nhằm mở ra một kỷ nguyên mới của cá nhân hóa, nhưng cũng làm dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư và sự thao túng. Theo báo cáo của Financial Times, các công ty này đã tung ra nhiều bản nâng cấp cho phép chatbot ghi nhớ nhiều hơn về từng người dùng, khiến phản hồi của họ được điều chỉnh phù hợp hơn và có khả năng "tương thích" hơn.
Việc thúc đẩy bộ nhớ AI được coi là một động thái chiến lược nhằm thúc đẩy sự tham gia của người dùng và sức hấp dẫn thương mại trong bối cảnh AI ngày càng cạnh tranh. Bằng cách lưu trữ các chi tiết như sở thích của người dùng và lịch sử trò chuyện, các chatbot như Gemini của Google và ChatGPT của OpenAI có thể cung cấp các tương tác hữu ích hơn, giống con người hơn.
Cuộc đua trí nhớ giữa các ông lớn AI
ChatGPT của OpenAl, chatbot của Meta trong WhatsApp và Messenger, Gemini của Google đều đã triển khai hoặc mở rộng các tính năng bộ nhớ trong những tháng gần đây. Ví dụ như ChatGPT đã thông báo cho người dùng khi một "ký ức" đang được tạo và cho phép họ xóa từng lịch sử giao tiếp hoặc tắt hoàn toàn tính năng này.

OpenAI đang đi đầu trong việc tích hợp trí nhớ nhân tạo vào các chatbot nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi về quyền riêng tư (Ảnh: Michael Dwyer/AP).
Google hiện cho phép Gemini truy cập vào lịch sử tìm kiếm của người dùng, điều này tùy thuộc vào sự đồng ý của người dùng và có kế hoạch mở rộng khả năng này trên toàn bộ bộ ứng dụng của mình.
Michael Siliski, giám đốc cấp cao quản lý sản phẩm tại Google DeepMind cho biết: "Giống như trợ lý ảo, họ càng hiểu rõ mục tiêu và con người của bạn thì họ càng có thể hỗ trợ bạn tốt hơn". Đối với các ứng dụng doanh nghiệp, Microsoft đã tích hợp bộ nhớ AI của mình với dữ liệu tổ chức, chẳng hạn như lịch, email và tài liệu nội bộ.
Gần đây, công ty này đã giới thiệu một tính năng có tên là Recall, chụp ảnh màn hình thường xuyên của người dùng để cải thiện hỗ trợ - một bản triển khai đã bị các chuyên gia an ninh mạng chỉ trích và buộc Microsoft phải trì hoãn việc triển khai.
Ngoài chức năng, bộ nhớ được coi là động lực thúc đẩy doanh thu tiềm năng. CEO của Meta, Mark Zuckerberg cho biết có một cơ hội lớn để hiển thị các đề xuất sản phẩm hoặc quảng cáo thông qua các chatbot của mình. Trong khi đó, OpenAI đã tăng cường khả năng mua sắm trong ChatGPT để giới thiệu các bài đánh giá sản phẩm, mặc dù công ty này đã nói với Financial Times rằng hiện tại họ không sử dụng các liên kết.
Sự phát triển của AI: Cơ hội hay cạm bẫy thao túng?
Tuy nhiên, sự tiến bộ của AI với khả năng tăng cường trí nhớ đã khiến các nhà quản lý và chuyên gia đạo đức không khỏi lo ngại. Những người phản đối cảnh báo rằng mức độ cá nhân hóa sâu sắc hơn có thể bị lợi dụng vì mục đích thương mại. Trong khi các hệ thống AI có nguy cơ củng cố định kiến của người dùng hoặc tạo ra những phản hồi quá chiều chuộng, thậm chí mang tính thao túng.
Vừa qua, OpenAI đã vấp phải làn sóng chỉ trích khi mô hình GPT-40 của họ bị phát hiện có xu hướng tâng bốc quá mức, buộc công ty phải tạm thời quay lại phiên bản cũ.
Các chuyên gia cũng cảnh báo về những rủi ro kỹ thuật tiềm ẩn, chẳng hạn như hiện tượng "trôi dạt trí nhớ" khi AI lưu giữ những thông tin đã lỗi thời hoặc mâu thuẫn, gây sai lệch trong quá trình tương tác.