Đạo diễn phim "Đàn cá gỗ" nói gì về ồn ào PR lố?
Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt tâm sự với Báo Xây dựng về hậu trường đáng nhớ và những câu chuyện bên lề bộ phim "Đàn cá gỗ" đang gây chú ý ngoài rạp Việt.
Top 1 phòng vé nằm ngoài sự tính toán của ê kíp
Khi "Đàn cá gỗ" dẫn đầu phòng vé trong ngày đầu ra rạp, cũng là lúc phim vấp tranh cãi về việc ê kíp PR lố, đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt đối diện điều này thế nào?
"Đàn cá gỗ" xuất phát điểm là phim tốt nghiệp của tôi nên ban đầu tôi không tính phát hành phim rộng rãi. Khi phim thắng giải Cánh diều vàng 2024 ở hạng mục Phim ngắn xuất sắc nhất, chúng tôi có phát hành bài nhạc phim mang tên "Phép màu" và có hiệu ứng rất tốt.
Nhiều khán giả bày tỏ mong muốn được xem phim, nên tôi quyết định đưa phim ra rạp bởi từ đầu chúng tôi đã sản xuất với định dạng chiếu rạp.
Chúng tôi cũng cố gắng làm việc với các rạp để có mức giá tốt nhất có thể như một sự tri ân với khán giả.

"Đàn cá gỗ" có thời lượng gần 30 phút, được ra rạp với giá vé 39.000 đồng/ vé. Tính đến sáng 20/7, phim đạt hơn 4,1 tỷ đồng sau 5 ngày ra rạp.
Chúng tôi rất vui và bất ngờ khi phim được top 1 phòng vé. Tất cả đều nằm ngoài dự tính toán của ê kíp.
Về việc phim gây tranh cãi vì PR lố, tôi nghĩ đấy là hiểu lầm không đáng có. Trong các bài viết PR có nội dung như: "Không kỹ xảo. Không đóng thế. Chỉ có biển thật và một người trẻ đi tìm đam mê thật", "Không CGI, không màu mè. Chỉ có cái lạnh thấu xương và sự thật trần trụi", "1 phút trên màn ảnh bằng 4 tiếng quay thật giữa biển lớn. Không studio, không CGI, chỉ có ý chí thật và cảm xúc thật"...
Chúng tôi muốn nhấn mạnh vào công sức của ê kíp đều là những người rất trẻ. Tất cả đã nỗ lực và tự thực hiện những cảnh phim ngoài biển Đông một cách tốt nhất có thể. Thực tế là những cảnh quay ở biển, chúng tôi đều không dùng phông xanh, kỹ xảo.
Còn những cảnh đánh đàn dưới nước là công sức lớn của đội ngũ VFX. Có lẽ, việc ê kíp đăng hình ảnh này kèm với chia sẻ như trên đã tạo ra sự hiểu lầm.
Để có những thước phim chân thực giữa biển, anh và ê kíp gặp những khó khăn thế nào?
Cả đoàn chúng tôi đều phấn khích khi có thể ra biển quay phim. Nhưng khoảng 30 phút sau ai cũng say sóng, dù tất cả đã uống thuốc chống say.
Trong ngày đầu tiên, tôi sốc khi set up máy quay, bối cảnh nhưng diễn viên không thể đứng vào hình, ê kíp say sóng nên "rụng"dần. Chúng tôi đứng sau máy quay cũng lắc lư, dập dềnh theo nhịp sóng. Nhiều cảnh tôi chưa thực sự ưng ý. Lần đầu tiên tôi gặp nhiều vấn đề ngoài sự tính toán như vậy.
Tôi quyết định thực hiện đợt quay bổ sung. Lúc này, đoàn phim chỉ có vài người ít say sóng nhất. Dần dần, khi quen với sự dập dềnh trên thuyền ê kíp cũng hoàn thành các cảnh quay. Tất cả nhờ tinh thần và ý chí của cả đoàn.
Với tôi, cảnh quay khó nhất là cảnh kết phim. Đó là cảnh mọi người vớt Cường (nam chính - PV) ở giữa biển vào lúc bình minh ló dạng. Cảnh quay này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Đợt đầu tiên chúng tôi quay vào đầu mùa xuân, thời tiết rất lạnh. Diễn viên phải nhảy xuống biển trong thời tiết khắc nghiệt nên cảnh quay thất bại.
Chúng tôi phải quay lại 3 lần mới có được những thước phim đang chiếu ngoài rạp.


Ê kíp phim "Đàn cá gỗ" thực hiện các cảnh quay trên biển.
Vì sao anh lựa chọn kết thúc mở cho nhân vật Cường?
Thông qua bộ phim, tôi muốn đặt lên bàn cân giữa đam mê cá nhân và trách nhiệm gia đình. Đây đều là những thứ rất là đẹp của một người đàn ông.
Cái kết mở là để khán giả tự quyết định về lựa chọn của Cường. Bởi trong hoàn cảnh đó, những người như Cường rất khó để đưa ra một quyết định hoàn toàn tuyệt đối.
Tôi nghĩ kết phim hay không phải là cho người ta một câu trả lời, mà gợi mở cho họ những câu hỏi sau khi xem phim.
Không hối tiếc khi từ bỏ nghề truyền thống của gia đình
Cường có hình bóng của Nguyễn Phạm Thành Đạt không?
Tôi không gặp nhiều khó khăn về chuyện mưu sinh như Cường. Khó khăn của tôi là sự lựa chọn. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình đều làm bác sĩ. Từ nhỏ đến lớn, tôi đều định hướng theo học, phát triển bản thân theo nghiệp gia đình.
Đến khi thử làm các clip ngắn, tôi thấy thích thú và quyết định đổi sang theo học làm phim. Thời điểm đó, cả tôi và gia đình đều rất ngây ngô.
Đây là quyết định khá liều lĩnh với tôi lúc đó và khiến gia đình lo lắng. Gia đình tôi không quen ai trong ngành phim và cũng không biết thự nào là phim ảnh. Chính tôi cũng không hề hiểu rõ về công việc này.
Tuy nhiên, khi thấy con trai quyết tâm, gia đình cố gắng hỗ trợ hết mình. Khó khăn nhất với tôi là việc dám bước vào một con đường hoàn toàn mới và không có sự hỗ trợ gì từ bên ngoài.

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt.
Đã khi nào làm phim vất vả, anh hối tiếc về quyết định từ bỏ giấc mơ bác sĩ?
Tôi chưa bao giờ hối tiếc về sự lựa chọn của mình. Tôi coi đạo diễn là công việc thiêng liêng. Còn nhiều thứ cho tôi được làm, được cống hiến và sáng tạo. Tôi vẫn chưa đi được hết những điều tôi muốn làm với công việc này và rất thích thú.
Rất có thể, trong tương lai tôi sẽ làm một bộ phim về ngành y của gia đình. Bố mẹ cũng "đặt hàng" tôi làm phim từ lâu (cười).
Cảm ơn anh!
Nguyễn Phạm Thành Đạt sinh năm 2002. Anh theo học chuyên ngành Đạo diễn điện ảnh tại Đại học Sân khấu Điện ảnh từ năm 2020.
Anh từng gây chú ý với bộ phim "Khu rừng của Páo" - giành giải nhất chung cuộc cuộc thi phim ngắn "Việt Nam của tôi" (được tiếp sức bởi Sáng kiến Quỹ "Vẻ đẹp điện ảnh - kinh tế sáng tạo Việt Nam" của Netflix) vào tháng 5/2022. Nhờ thế, bộ phim đã được trao tặng kinh phí sản xuất trị giá 10.000USD (tương 230 triệu đồng).
Phim sau đó giành giải "Best Short Film" tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội và được chọn vào "Top 20 CILECT" tại Pháp.
Năm 2024, anh tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội với phim ngắn "Đàn cá gỗ", sau đó giành giải Cánh diều vàng 2024 ở hạng mục Phim ngắn xuất sắc.
Gần đây nhất, đạo diễn thực hiện phim ngắn "Tàn sữa", tác phẩm được chọn vào Top 5 dự án xuất sắc nhất tại cuộc thi phim ngắn CJ và nhận tài trợ 300 triệu đồng để sản xuất.
Trailer phim "Đàn cá gỗ".