Hạ tầng

Để những công trình ngầm không còn trên “giấy”

10/04/2025, 06:30

Phát triển không gian ngầm đô thị là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia, khi quỹ đất xây dựng ngày càng hạn hẹp. Tuy nhiên tại Việt Nam, việc này vẫn gặp nhiều vướng mắc, nguyên nhân chính là thiếu các quy định cụ thể.

Quá nhiều vướng mắc

Dự án đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4km, là dự án giao thông ngầm dài nhất tại Thủ đô hiện nay.

Để những công trình ngầm không còn trên “giấy”- Ảnh 1.

Không giam ngầm ở một trung tâm thương mại tại Thủ đô Hà Nội được sử dụng hiệu quả nhiều năm nay.

Tiến độ thi công dự án được người dân quan tâm nhưng quá trình thi công đoạn hầm xảy ra sự cố chất phụ gia đào hầm phun lên mặt đất, một số nhà, công trình bị lún, nứt…

Hiện tại, 4 quận nội thành của Hà Nội (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa) đã có quy hoạch các bãi đỗ xe ngầm, các tầng trên khai thác thương mại, tầng dưới khai thác bãi đỗ xe.

Trong đó, có bãi xe ngầm tại Cung Hữu nghị Việt Xô phải kết nối với ga ngầm S12, bãi xe ngầm tại tượng đài Lý Tự Trọng sẽ kết nối vào tòa nhà UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên hiện những dự án này chưa triển khai.

Trong khi các nhà quản lý chưa ban hành được khung pháp lý cụ thể, đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân sử dụng không gian ngầm hiệu quả, nhiều tiện ích tại Royal City, Time City (Hà Nội), Landmark 81 (TP.HCM)...

Theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, thực tế các công trình ngầm đã phát triển tại Việt Nam từ những năm tháng chiến tranh. Có thể kể đến như địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị), địa đạo Củ Chi (TP.HCM), mặc dù còn thô sơ nhưng nó là "cứu cánh" cho những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

Sau này tại Hà Nội có thêm hệ thống hầm chui như: Kim Liên, Thanh Xuân, Trần Duy Hưng, TP.HCM có hầm Thủ Thiêm...

Cần cơ chế khuyến khích đầu tư

Khẳng định phát triển không gian ngầm là hướng đi tất yếu, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Trong quá trình cải tạo, xây dựng và phát triển đô thị, việc khai thác không gian ngầm để xây dựng công trình rất quan trọng.

Giải pháp này giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng của quy hoạch đô thị, tổ chức lại không gian xây dựng đô thị; nâng cao giá trị và sử dụng hợp lý quỹ đất đô thị để xây dựng nhà ở, công trình công cộng, góp phần hình thành và phát triển thị trường bất động sản ngầm.

Chia sẻ về hiệu quả của không gian ngầm, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON khẳng định, phát triển không gian ngầm góp phần giải quyết các vấn đề giao thông đô thị, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đô thị.

Kiến nghị cơ chế để phát triển không gian ngầm, ông Lê Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô bày tỏ: "Các công trình ngầm mang đến giá trị lớn, Nhà nước nên có cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội làm các dự án mới, đòi hỏi công nghệ hiện đại".

Không phải chuyện ảo tưởng

Bà Đặng Anh Thư, Phó cục trưởng Cục Kết cấu hạ tầng xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, việc quản lý không gian ngầm được thực hiện tại một số văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Đất đai năm 2024, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009...

Để những công trình ngầm không còn trên “giấy”- Ảnh 2.

Khu phố ngầm UMEDA nổi tiếng tại TP Osaka (Nhật Bản).

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ, cụ thể về quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm, chưa quy định giới hạn quyền sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất.

Để có cơ sở pháp lý và thực tiễn, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm".

Theo KTS Trần Huy Ánh, bản chất không gian đô thị cần phải được phát triển chiều cao và chiều sâu, cần sự tích hợp đa ngành. Bộ Xây dựng nên tham vấn ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia, trong đó có Bộ Tư pháp, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính, Quốc phòng, Công an... trong quá trình xây dựng luật, nghị định liên quan.

"Hà Nội đã có quy hoạch chung về không gian ngầm và mới đây là quyết định ngầm hóa không gian xung quanh hồ Gươm. Tôi tin thời gian tới, không gian ngầm sẽ phát triển mạnh mẽ, không còn là chuyện ảo tưởng hão huyền", ông Ánh chia sẻ.

Theo bà Đặng Anh Thư, tại Helsinki, Phần Lan, một trong các nước đi đầu trong phát triển sử dụng không gian ngầm, quy hoạch không gian ngầm được xác định trên phạm vi toàn thành phố, dựa trên 2 yếu tố chính là công trình xây dựng ngầm và công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.

Tại Nhật Bản, công tác quy hoạch thực hiện việc phân loại sử dụng không gian ngầm theo các loại hình công trình như cơ sở hạ tầng, giao thông, kinh doanh và thương mại. Các loại hình công trình ngầm cũng được chia thành nhóm tư nhân và nhóm công cộng.

Còn tại Trung Quốc, Chính phủ đưa ra chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng và ưu đãi lãi suất vay vốn cho các dự án đầu tư không gian ngầm...