Đèo Cả đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực về đường sắt tốc độ cao
Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục đẩy mạnh phối hợp các chương trình đào tạo chuyên sâu về đường sắt tốc độ cao cho kỹ sư, cán bộ kỹ thuật theo từng giai đoạn cụ thể.
Tập đoàn Đèo Cả vừa phối hợp cùng Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I (CCT1) và Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu (Trung Quốc) tổ chức hội nghị "Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực ngành đường sắt".

Toàn cảnh hội nghị.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Dự báo cho thấy, riêng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ cần khoảng 20.000 lao động có trình độ chuyên môn, trong khi nguồn nhân lực hiện nay còn rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.
Trước yêu cầu đó, Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động đề xuất mô hình hợp tác đào tạo nhân lực theo hướng bài bản, thực tiễn và mang tính quốc tế hóa.
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, trên cơ sở thống nhất cao, Đèo Cả cam kết đồng hành cùng hai nhà trường không chỉ kết nối mà còn là đơn vị "đặt hàng" và sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo, đảm bảo đầu ra cho sinh viên và hiệu quả thực tiễn cho chương trình.
Chia sẻ tại hội nghị, theo ông Dương Thế Anh, Hiệu trưởng CCT1, với bề dày 57 năm xây dựng và phát triển, nhà trường luôn xác định rõ sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các dự án giao thông huyết mạch của cả nước.
"Trước yêu cầu cấp bách của các dự án lớn như: đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, việc hợp tác với các đối tác hàng đầu như Tập đoàn Đèo Cả và Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu được xem là bước đi chiến lược, mang tính đột phá", Hiệu trưởng CCT1 nói.
Với vị thế là đơn vị đào tạo hàng đầu về đường sắt tại miền Nam Trung Quốc, đóng góp nhân lực cho hàng chục nghìn km đường sắt cao tốc quốc gia, ông Vương Siêu, Phó Bí thư Đảng uỷ Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu cho biết, nhà trường nhận thấy tiềm năng to lớn tại Việt Nam.
"Chúng tôi rất vinh dự khi được chung tay, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ để góp phần vào sự phát triển của các bạn", ông Vương Siêu nói.

Ba bên thống nhất lộ trình hợp tác đào tạo nhân lực phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, hướng tới chương trình liên kết quốc tế.
Tại hội nghị, ba bên thống nhất triển khai chương trình hợp tác theo ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu thực hiện ngay trong năm 2025, Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu sẽ chuyển giao chương trình đào tạo ngắn hạn, phối hợp giảng dạy và cấp chứng chỉ cho đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật đang làm việc tại Tập đoàn Đèo Cả và các đơn vị liên kết. Những khóa học đầu tiên dự kiến sẽ khai giảng ngay trong tháng 8 và tháng 9 tới.
Giai đoạn tiếp theo tập trung phát triển chiều sâu. CCT1 sẽ mở các mã ngành mới liên quan đến đường sắt và đường sắt tốc độ cao với sự hỗ trợ toàn diện từ phía Trung Quốc trong việc chuyển giao chương trình, tài liệu chuyên môn, thiết bị đào tạo và huấn luyện giảng viên.
Giai đoạn thứ ba hướng đến mục tiêu liên kết đào tạo cấp văn bằng quốc tế. Mô hình này sẽ cho phép sinh viên học tập chuyển tiếp giữa hai trường, mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng mở, không chỉ đáp ứng yêu cầu nhân lực cho Tập đoàn Đèo Cả mà còn phục vụ chiến lược phát triển nhân lực ngành giao thông vận tải trong nước và khu vực.
Tinh thần "nói đi đôi với làm" được xác lập như một nguyên tắc xuyên suốt, tạo nền tảng cho sự hợp tác lâu dài, góp phần đào tạo nguồn nhân lực vững chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành giao thông vận tải trong giai đoạn phát triển mới.
Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu (Guangzhou Railway Polytechnic) ra đời từ năm 1975 (tiền thân là Trường Công nhân cơ giới đường sắt Quảng Châu), chính thức trở thành Cao đẳng nghề từ năm 2000. Trường đã đào tạo gần 8.000 sinh viên chính quy với 35 chuyên ngành, bao gồm: điện khí hóa, chế tạo tự động, điều khiển tín hiệu và vận hành tàu...