Đô thị đáng sống không chỉ có những tòa nhà chọc trời
Giấc mơ đô thị Việt Nam không chỉ là những tòa nhà cao tầng hay công nghệ tiên tiến, mà còn là một hệ thống quản lý thông minh, nơi người dân thực sự là trung tâm của sự phát triển.
Từ đồng lúa đến giấc mơ đô thị hóa
Sau hơn 3 năm Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, bộ mặt đô thị tại nhiều vùng miền đã thay đổi nhanh chóng, tạo động lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Nghị quyết 06 trở thành kim chỉ nam trong hoạt động quản lý, phát triển đô thị. (Trong ảnh: Một góc đô thị thuộc phường Phủ Lý, tỉnh Ninh Bình).
Hà Nam (nay thuộc tỉnh Ninh Bình), vùng đất thuần nông bên dòng sông Châu, nơi từng chỉ quen thuộc với hình ảnh những cánh đồng lúa trải dài và nhịp sống giản dị. Nhưng giờ đây, vùng đất này đã vươn mình, trở thành biểu tượng của sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ Nghị quyết 06.
Chị Nguyễn Thị Hoa, 45 tuổi, một người dân sống ở Phủ Lý chia sẻ: "Cả đời tôi gắn bó với đồng lúa, ngày nào cũng dầm mưa dãi nắng, thu nhập chỉ đủ ăn. Khi khu đô thị Liêm Chính được xây dựng, tôi quyết định mở một quán cà phê nhỏ ngay gần đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Giờ đây, quán lúc nào cũng đông khách, con tôi được học trường mới khang trang, cuộc sống như mở ra một trang mới".
Một điểm sáng về các dự án khu đô thị phải kể đến là Dự án Sun Urban City Phủ Lý, do Tập đoàn Sun Group đầu tư với tổng vốn 35.000 tỷ đồng trên diện tích 420ha. Dự án được khởi công ngày 8/8/2024 và được kỳ vọng sẽ trở thành "thành phố nghỉ dưỡng ngoại ô 1001 tiện ích" phía Nam Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Hùng, một giáo viên nghỉ hưu, chia sẻ: "Tôi không nghĩ, có ngày Phủ Lý lại phát triển và có khu đô thị lộng lẫy đến vậy".
Tại Hà Nội, anh Lê Văn Nam, 40 tuổi, sống tại huyện Thường Tín, không giấu được niềm vui khi kể về sự thay đổi của quê hương: "Trước đây, tôi chỉ biết trồng lúa và nuôi gà, nghĩ rằng cả đời sẽ gắn bó với làng quê. Nhưng từ khi tuyến vành đai 4 được xây dựng, tôi mở một cửa hàng vật liệu xây dựng, thu nhập giờ đủ để lo cho các con học đại học".
Với vốn đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, tuyến vành đai 4 không chỉ giảm tải giao thông nội đô mà còn mở ra cơ hội phát triển các đô thị vệ tinh như Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây…
Còn tại TP.HCM, Nghị quyết 06 đã giúp thành phố vươn xa hơn với những dự án hạ tầng giao thông và khu đô thị mới.
Trong đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm là một điểm sáng. Từ một vùng đất ngập nước, Thủ Thiêm giờ đây trở thành biểu tượng của TP.HCM hiện đại, với những tòa nhà chọc trời, công viên xanh và hệ thống giao thông thông minh…
Kim chỉ nam thúc đẩy quá trình đô thị hóa
Theo đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Nghị quyết 06 là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Bộ Chính trị về đô thị hóa và phát triển đô thị, đưa ra các quan điểm định hướng phát triển đô thị Việt Nam theo hướng thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Từ khi ban hành, Nghị quyết đã trở thành kim chỉ nam trong các hoạt động quản lý phát triển đô thị.
Nghị quyết đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa cả nước, gồm nhiều hoạt động liên quan đa ngành, đa lĩnh vực. Trong lĩnh vực xây dựng, việc tạo hành lang pháp lý về phát triển đô thị, thúc đẩy quá trình đô thị hóa trên cả nước đã hoàn thành như: Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023; Luật Quy hoạch đô thị - nông thôn 2024…
Hiện nay, trước yêu cầu đổi mới, công tác xây dựng, sửa đổi thể chế liên quan đến phát triển đô thị và thúc đẩy quá trình đô thị hóa vẫn đang tiếp tục thực hiện.
Thời gian tới, việc quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng vẫn đóng vai trò quan trọng để đưa khu vực đô thị phát triển tương xứng với vị thế và hướng đến sự phát triển bền vững.
"Bộ Xây dựng đã và đang nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở để phù hợp việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Trong đó có sửa đổi các nội dung liên quan đến đối tượng đô thị, việc công nhận loại đô thị, chương trình phát triển đô thị... làm cơ sở để địa phương tiếp tục thực hiện công tác phát triển đô thị trong tình hình mới", đại diện Cục Phát triển đô thị chia sẻ thêm.
Lấy người dân làm trung tâm
Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng các đô thị hiện đại, hiệu quả và bền vững, mô hình chính quyền đô thị hai cấp (tỉnh/thành phố - phường/xã) được xem là chìa khóa để hiện thực hóa giấc mơ này. Ông Lê Tùng Lâm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, quản lý đô thị cần được tái thiết kế từ gốc theo hướng tinh gọn, số hóa, linh hoạt và minh bạch.

Nhờ Nghị quyết 06, hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Ông Lâm đề xuất 5 định hướng chiến lược để phát triển đô thị hiệu quả. Theo đó, phân quyền thực chất cho phường, xã, nhưng phải đi đôi với giám sát thời gian thực thông qua nền tảng số, tránh tình trạng giao quyền mà thiếu kiểm soát.
Phát triển hạ tầng số và quản lý dữ liệu toàn diện, đảm bảo liên thông, đồng bộ và hiện đại, tạo nền tảng cho đô thị thông minh.
Cùng với đó, xây dựng đội ngũ nhân lực số, đào tạo cán bộ với tư duy và kỹ năng quản lý hiện đại, ra quyết định dựa trên dữ liệu và điều hành đa ngành.
"Quản lý đô thị không chỉ cần máy móc hiện đại, mà còn đòi hỏi tư duy lãnh đạo đột phá và dữ liệu mạnh mẽ. Một thành phố thông minh phải được vận hành bởi một hệ thống quản trị thông minh, lấy con người làm trọng tâm", ông Lâm khẳng định.
Trong khi đó, theo TS.KTS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Viện Nhà ở và Phát triển đô thị (Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng), giấc mơ đô thị Việt Nam không chỉ là những tòa nhà cao tầng hay công nghệ tiên tiến, mà còn là một hệ thống quản lý thông minh, minh bạch, nơi người dân thực sự là trung tâm của sự phát triển. "Đó phải là những đô thị đáng sống cho hôm nay và mai sau", ông Đức bày tỏ.
Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các mục tiêu cụ thể đề ra gồm: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 - 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%; số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị; kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.
Đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.
Để đạt được các mục tiêu nói trên, Nghị quyết nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Trong đó có việc hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu.