Doãn Quốc Đam xin lỗi vì quảng cáo sữa giả
Doãn Quốc Đam xin lỗi người tiêu dùng sau khi bị gọi tên vì quảng cáo sữa giả. Anh nói mình chỉ giới thiệu sản phẩm theo đúng kịch bản, không có lời lẽ hô hào hay kêu gọi người dân mua và sử dụng sản phẩm.
Đêm 16/4, Doãn Quốc Đam chính thức lên tiếng sau nhiều ngày bị nhắc tên vì xuất hiện trong video quảng cáo Cilonmum - sản phẩm nằm trong đường dây 573 nhãn hiệu sữa giả vừa bị công an triệt phá.
Mở đầu, Doãn Quốc Đam gửi lời xin lỗi đến người tiêu dùng, những người đã bị tổn thất và ảnh hưởng vì vô tình xem được video quảng cáo có sự xuất hiện của anh.

Doãn Quốc Đam từng quảng cáo cho sữa Cilonmum.
"Không chủ ý, nhưng là người xuất hiện trong video, tôi hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc minh bạch thông tin ở sự việc này", Doãn Quốc Đam viết.
Theo Doãn Quốc Đam, video được ghi hình cách đây 2 năm, lấy cảm hứng từ vai Thành trong phim "Gia đình mình vui bất thình lình" (2023).
"Người phụ nữ được nhắc đến với tên Hà là vợ của nhân vật tôi đóng trong phim. Cậu bé xuất hiện trong video là diễn viên nhí đóng con trai tôi trong phim – không phải con ruột của tôi. Tất cả các mối quan hệ trong video đều là hư cấu phục vụ cho kịch bản quảng cáo. Thời điểm đó, nhãn hàng xây dựng ý tưởng quảng cáo lấy cảm hứng từ hiệu ứng tích cực của bộ phim.
Theo hợp đồng đã ký, thời hạn sử dụng hình ảnh chỉ là 1 tháng. Tuy nhiên, video vẫn tiếp tục xuất hiện trên mạng sau thời điểm đó mà không có sự cho phép của tôi – điều này là vi phạm hợp đồng", diễn viên cho hay.
Nam diễn viên cũng khẳng định đã kiểm tra giấy tờ liên quan sản phẩm trước khi quay video, gồm giấy kiểm định chất lượng, công bố và quảng cáo do cơ quan chức năng cấp.
Kèm bài viết, Doãn Quốc Đam cũng cung cấp hình ảnh các giấy tờ trên.
"Tại thời điểm đó tất cả sản phẩm đều đúng như những gì đã công bố trên giấy tờ được các cơ quan chức năng và có thẩm quyền cấp phép.
Sau đó trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm trên thị trường có bất kỳ thay đổi nào về thành phần hay chất lượng, bản thân tôi không có đủ thẩm quyền cũng như không thể ngày ngày đến tận nơi để giám sát thường xuyên", nam nghệ sĩ phân trần.
Anh cũng cho biết chỉ giới thiệu sản phẩm theo đúng kịch bản, không có lời lẽ hô hào hay kêu gọi người dân mua và sử dụng sản phẩm.
Theo nam diễn viên, đây đơn thuần là một hoạt động quảng cáo như nhiều quảng cáo khác mà mọi người vẫn thường thấy. Các diễn viên được mời đóng nhập vai các thành viên trong gia đình để truyền tải thông điệp của nhãn hàng với sản phẩm của họ.
Vì vậy, anh cho rằng, một số bài viết cho rằng anh "tiếp tay" cho vi phạm, "bất chấp quảng cáo" mà không tìm hiểu kỹ là "quy chụp sai lệch".
"Mặc dù tôi đã kiểm tra kỹ các giấy tờ hợp pháp, tuy nhiên hiện tại tôi vẫn bị quy chụp, những người viết bài đó đã kiểm chứng đầy đủ tính xác thực của thông tin mình đưa ra chưa?
Một lần nữa, tôi chân thành xin lỗi những người tiêu dùng, những người đã vô tình xem được video quảng cáo cho sản phẩm có sự xuất hiện của tôi và từ đó bị ảnh hưởng trong sự việc không mong muốn này", Doãn Quốc Đam viết.

Diễn viên Doãn Quốc Đam.
Trong một video quảng cáo sữa Cilonmum Colos IQ Grow 24h cho trẻ từ 1-15 tuổi của Ranse Pharma, diễn viên Doãn Quốc Đam khẳng định, hai vợ chồng đã tìm hiểu rất kỹ sản phẩm sữa này mới cho con uống.
"Khi tìm hiểu, đây chính là dòng sữa hàng đầu. Điều đầu tiên đặc biệt gây ấn tượng với mình nhà máy sản xuất sữa này đạt chứng nhận FDA của USA về sản xuất an toàn.
Cilonmum đạt được rất nhiều thành tựu như công nghệ sản xuất vượt trội hơn, rồi quy trình sản xuất tiên tiến hơn và được phát minh mới nhất về công nghệ và khoa học", Doãn Quốc Đam nói.
Nam diễn viên còn bổ sung thêm rằng, sữa Cilonmum Colos IQ Grow 24h còn bổ sung rất nhiều thành phần đột phá như sữa non, 2'FL HMO (tăng cường miễn dịch, bảo vệ đường ruột), Aquamin F (canxi hữu cơ) và kết hợp với các loại hạt như hạt óc chó, hạt mắc ca và chiết xuất tổ yến.
Ngày 11/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) công bố triệt phá vụ án sản xuất và buôn bán sữa giả quy mô lớn, liên quan đến Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group tại Hà Nội.
Hai công ty bị cáo buộc sản xuất gần 573 nhãn hiệu sữa giả dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai, gây hoang mang dư luận.
Ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) gửi văn bản đến Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cùng Cục Văn hóa cơ sở, đề nghị phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm.
Cục yêu cầu kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo vi phạm trên mạng xã hội, đặc biệt liên quan đến người nổi tiếng và báo cáo kết quả để tổng hợp.