Doanh nghiệp Hà Tĩnh tích cực chuyển đổi số
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa quy trình, tiếp cận tốt khách hàng và mở ra những cơ hội kinh doanh mới.
Tự động hóa giúp, tăng hiệu quả kinh doanh
Ngày 2/7, ông Đặng Văn Đức, Trưởng phòng Chuyển đổi số, Sở Khoa học & Công nghệ Hà Tĩnh cho biết: "Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng phần mềm để xử lý và vận hành công việc, nhằm tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí và tăng khả năng quản lý. Đồng thời, cung cấp dữ liệu và phân tích chính xác về khách hàng, giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh hiệu quả".

Nâng cao kỹ năng ứng dụng AI cho doanh nghiệp Hà Tĩnh.
Theo rà soát, hệ thống CRM, ERF được các doanh nghiệp sử dụng rộng rãi. Trong đó, CRM là phần mềm giúp tự động hóa các quy trình bán hàng, tiếp thị và hỗ trợ khách hàng, giúp doanh nghiệp xác định và tập trung nguồn lực vào khách hàng tiềm năng, tiết kiệm chi phí marketing.
Chia sẻ với phóng viên, anh Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh Công ty bảo hộ lao động HaNa cho biết: "Chúng tôi sử dụng CRM tự động gửi email marketing đến khách hàng có khả năng mua sản phẩm mới, thay vì gửi tất cả khách hàng. Nhờ phần mềm quản lý, chúng tôi sàng lọc khách hàng Vip, có khả năng mua hàng cao để tiếp cận và chăm sóc thường xuyên".
Ứng dụng phần mềm ERP tích hợp các quy trình kinh doanh khác nhau, giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả hơn từ tài chính, kho bãi đến sản xuất, bán hàng. Tự động hóa các tác vụ, giảm phụ thuộc vào lao động thủ công, giúp giảm chi phí nhân sự và sai sót trong quá trình xử lý. Đồng thời, cung cấp tổng quan về toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, giúp lãnh đạo nắm bắt tình hình và đưa ra quyết định kịp thời.
Chị Trần Thu Hà, quản lý Công ty sản xuất VLXD Hà An chia sẻ: "Hiện nay, chúng tôi sử dụng ERP để theo dõi số lượng hàng tồn kho, tự động đặt hàng khi hàng sắp hết, giúp tránh tình trạng thiếu hàng hoặc tồn kho quá nhiều. Từ khi sử dụng phần mềm quản lý này, chúng tôi tiết kiệm nhiều chi phí, giảm bớt nhân sự, sản xuất kinh doanh hiệu quả, chuyên nghiệp hơn".
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xây dựng website và thương mại điện tử, sử dụng mạng xã hội và các kênh truyền thông số tạo nền tảng trực tuyến để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và bán hàng, tiếp cận khách hàng trên phạm vi rộng hơn. Tăng cường tương tác với khách hàng, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, dịch vụ hiệu quả hơn.
Ông Lê Đức Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh chia sẻ: "Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả và năng suất thông qua tự động hóa các quy trình kinh doanh, giảm thiểu sai sót. Cung cấp dịch vụ cá nhân hóa và tương tác tốt hơn với khách hàng, từ đó cải thiện trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng, giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế cạnh tranh thông qua việc áp dụng các công nghệ mới nhất. Đồng thời, chuyển đổi số cho phép doanh nghiệp thu thập và phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định kinh doanh hiệu quả".
Chuyển đổi số về tận nông thôn

Cán bộ Viện Quy hoạch Hà Tĩnh sử dụng phần mềm BIM để điều hành công việc.
Hà Tĩnh là địa phương đi đầu ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ như mã QR code để minh bạch hóa thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất và chất lượng của sản phẩm. Nhờ dễ dàng kiểm tra thông tin sản phẩm bằng điện thoại thông minh nên người tiêu dùng an tâm khi lựa chọn sản phẩm, giúp các hợp tác xã nông nghiệp Hà Tĩnh nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới phát triển bền vững.
Ông Ngô Đình Long, Phó chánh văn phòng điều phối nông thôn mới cho biết: Phần mềm "Dữ liệu số NTM Hà Tĩnh" đã cập nhật được kết quả thực hiện nông thôn mới các cấp như: Đánh dấu tọa độ địa lý, hạ tầng nông thôn mới, trụ sở UBND, nhà văn hóa thôn, khu di tích, vườn mẫu… Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay đến cộng đồng. Thông qua các mô hình số nhằm giúp người dân quản lý quy trình sản xuất sản phẩm. Đây là diễn đàn mở giúp người dân cung cấp thông tin, số lượng sản phẩm để kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm…".
Từ đầu năm 2024, nhằm phục vụ công tác kiểm soát sản lượng khai thác và truy xuất nguồn gốc thủy sản - yếu tố quan trọng hàng đầu để gỡ "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu (EC), Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ NN&MT) đã chính thức triển khai "Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN)".
Được biết, hiện nay Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh đã cấp 3.981 tài khoản cho các tàu cá tham gia khai thác; đồng thời thiết lập tài khoản quản trị cho các đơn vị đầu mối trong chuỗi quản lý như Chi cục Thủy sản tỉnh (5 tài khoản), Các cảng cá và Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá (5 tài khoản) và Bộ đội Biên phòng tỉnh (1 tài khoản).
Theo ông Nguyễn Hữu Toàn, Trưởng phòng Quản lý Khai thác thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh), việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử là bước tiến quan trọng trong nỗ lực gỡ bỏ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC. Qua đánh giá, công cụ này mang lại nhiều ưu điểm, vừa tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản khai thác, vừa tạo thuận lợi cho ngư dân trên địa bàn tỉnh.
Hoàn thiện hệ thống dữ liệu ngành Xây dựng
Hiện nay, ngành Xây dựng Hà Tĩnh đang đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ, dây chuyền thi công ứng dụng kỹ thuật mới trong xây dựng hiện đại như: thi công công trình nhịp lớn, nhà cao tầng; xử lý nền đất yếu; kết cấu bằng vật liệu sàn rỗng vượt nhịp TBOX, sàn xốp VRO, ứng dụng rộng rãi công nghệ đổ bê tông mặt đường bằng ván khuôn trượt; ứng dụng máy móc thiết bị mới trong duy tu, bảo dưỡng đường giao thông...
Công nghệ quản lý xây dựng như mô hình thông tin công trình (BIM), công nghệ bản đồ đô thị nền tảng (GIS), công nghệ thực tế tăng cường AR, công nghệ in 3D bê tông... góp phần giải quyết các thách thức, tạo những thay đổi mang tính cách mạng cho ngành Xây dựng.
Đồng thời, sử dụng phần mềm để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong hoạt động quản lý nhà nước về giao thông vận tải như: Hệ thống nghiệp vụ quản lý vận tải đường bộ, quản lý giáo viên dạy thực hành, quản lý giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe…
Bên cạnh đó, các danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý số liệu các tuyến đường bộ tỉnh Hà Tĩnh, quản lý Giấy phép lái xe, về nhà ở và thị trường bất động sản và quy hoạch đô thị, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông... cũng được triển khai hiệu quả
Chia sẻ với phóng viên, Phó giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Sơn cho biết: "Dù đạt kết quả tích cực nhưng chuyển đổi số ngành Xây dựng vẫn ở giai đoạn hoàn thiện hệ thống dữ liệu và phát triển các công cụ quản lý.
Để chuyển đổi số ngành Xây dựng đáp ứng được yêu cầu cần xây dựng chính sách, khuyến khích chuyển giao công nghệ; cần có chính sách ưu đãi cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghệ cao, ưu tiên lĩnh vực công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng mới (như vật liệu nano, cát nhân tạo, panel bê tông khí chưng áp, các vật liệu tái chế, vật liệu tận dụng sau công nghiệp...) đảm bảo tiết kiệm chi phí, bền vững, thân thiện với môi trường".