Đồng Tháp: 20 ngày sau sáp nhập xử lý 25.000 hồ sơ, 98% đúng hạn
Thống kê sau 20 ngày sáp nhập, Đồng Tháp giải quyết hồ sơ tiếp nhận đạt trên 98%. Nhiều mô hình phục vụ hành chính công được địa phương vận dụng sáng tạo.
Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ vào ngày thứ bảy
Báo cáo tỉnh Đồng Tháp, sau thời gian sáp nhập tỉnh Tiền Giang cũ, lãnh đạo địa phương khẩn trương thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, triển khai ngay các thủ tục hành chính công (HCC), tăng cường công tác cải cách hành chính (CCHC) phục vụ người dân. Tỉnh xác định, công tác đạt kết quả tốt phải có sự hợp tác từ các ban, ngành.

Ông Trần Trí Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra Trung tâm phục vụ HCC phường Thới Sơn.
Từ ngày 5/7, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu tiếp nhận, giải quyết TTHC vào ngày thứ bảy. Tỉnh cũng triển khai Quyết định về việc giao cho Bưu điện tỉnh Đồng Tháp đảm nhận việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh; mô hình thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính thông qua dịch vụ Bưu chính công ích và dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp...
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 1 - 21/7, tỉnh tiếp nhận gần 37 ngàn hồ sơ; trong đó, hồ sơ trực tuyến gần 27 ngàn; trực tiếp, hồ sơ gởi qua Dịch vụ bưu chính công ích gần 10 ngàn hồ sơ. Tổng số hồ sơ đã giải quyết đúng và trước hạn gần 25 ngàn, đạt trên 98%; trong đó, cấp tỉnh đã tiếp nhận hơn 3000 đã giải quyết đúng và trước hạn là 1.382 hồ sơ đạt trên 99%.
Đối với xã, phường khó tiếp cận thông tin, địa phương thực hiện kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ ứng dụng e-DongThap đến Tổng đài 1022. Qua đó, đánh giá sự hài lòng của người dân qua kết quả phản hồi các phản ảnh, kiến nghị từ Tổng đài 1022; hoàn thiện các kênh tra cứu tiến độ hồ sơ giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân, tổ chức biết, sử dụng.
Tại Trung tâm Phục vụ HCC phường Hồng Ngự được bố trí trụ sở làm việc chung với Hội đồng nhân dân phường, trong khuôn viên của UBND phường. Trung tâm bố trí 9 quầy để thực hiện tiếp nhận và trả kết quả của các lĩnh vực.
Từ ngày 1 - 23/7, Trung tâm Phục vụ HCC phường Hồng Ngự đã tiếp nhận 285 hồ sơ thuộc các lĩnh vực: Chứng thực, hộ tịch, đất đai, giấy phép kinh doanh, bảo trợ xã hội giải quyết đúng hẹn cho người dân. Người dân lớn tuổi, không rành công nghệ, lãnh đạo Trung tâm cử cán bộ giải thích, hướng dẫn.
Sau 20 ngày sáp nhập, cấp xã, phường đã tiếp nhận hơn 33 ngàn hồ sơ; trong đó, trực tuyến hơn 24 ngàn, trực tiếp và qua Dịch vụ bưu chính công ích gần 9 ngàn hồ sơ. Nhờ nắm bắt thông tin kịp thời, xã, phường liên thông với tỉnh, tổng số hồ sơ đã giải quyết đúng và trước hạn hơn 23 ngàn hồ sơ, đạt trên 98%, số hồ sơ còn lại đang được xem xét, giải quyết theo quy định.
Trả và tiếp nhận hồ sơ lưu động
Trước áp lực những ngày đầu sáp nhập, nhiều trung tâm có sáng kiến giúp người dân. Từ ngày 15/7 đến ngày 30/8/2025, Trung tâm Phục vụ HCC công phường Thường Lạc thực hiện mô hình "Tiếp nhận và trả kết quả lưu động" nhằm đưa dịch vụ hành chính đến gần hơn với người dân, nhất là các khu vực xa trung tâm phường tránh quá tải hồ sơ, người dân chờ đợi.
Theo đó, hằng tuần vào các ngày thứ tư, thứ sáu, cán bộ, công chức tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại Ban Nhân dân ấp Bình Hòa Thượng. Các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, y tế, nội vụ... sẽ được tiếp nhận và trả kết quả ngay tại chỗ hoặc qua Bưu chính công ích.
Theo lãnh đạo địa phương, việc thực hiện mô hình trên giúp người dân thuận tiện hơn trong tiếp cận dịch vụ công, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện sự hài lòng và giảm áp lực cho phường trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động.

Từ ngày 5/7, các Trung tâm phục vụ HCC địa bàn tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận, giải quyết TTHC vào ngày thứ bảy.
Trước kết quả đạt được, ông Trần Trí Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kêu gọi xã, phường nhân rộng cách làm mới, hiệu quả trong CCHC để phục vụ người dân. Cuộc CCHC hiệu quả, cuối năm 2025, Đồng Tháp có một nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
"Kết quả thực hiện nhiệm vụ sẽ là thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực và hiệu quả công tác của tổ chức, cá nhân, gắn với bình xét thi đua, khen thưởng nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ", ông Quang nhấn mạnh.
Sau khi sáp nhập Đồng Tháp và Tiền Giang, tỉnh Đồng Tháp mới có 102 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 82 xã và 20 phường. Trung tâm chính trị hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang trước đây. Đồng Tháp mới có 12 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Tổng số công chức, viên chức có 2.748 công chức, viên chức cấp tỉnh của Đồng Tháp tiếp tục công tác sau khi sáp nhập tỉnh.