Tài chính

Du lịch bội thu nhờ hạ tầng giao thông chắp cánh

03/05/2025, 06:08

Hạ tầng giao thông phát triển, việc đi lại thuận lợi hơn nên du lịch hưởng lợi. Nhiều chuyên gia ví von hạ tầng giao thông không khác gì "đôi cánh" của ngành du lịch.

Thích đi chơi hơn vì đường thuận tiện

Đầu năm 2024, ông Trần Văn Hiện, Giám đốc Công ty Hải trình Di sản công bố kế hoạch khiến những người làm du lịch ở Cát Bà, Hải Phòng không khỏi sửng sốt: Tổ chức tour Hà Nội - Vịnh Lan Hạ trong ngày. Đó là điều chưa từng có tiền lệ, bởi di chuyển từ Hà Nội đến Cát Bà thường phải mất gần nửa ngày.

Du lịch bội thu nhờ hạ tầng giao thông chắp cánh- Ảnh 1.

Mạng lưới đường cao tốc trải dài khắp đất nước giúp du khách di chuyển thuận tiện hơn.

"Ban đầu mọi người bán tín, bán nghi, không biết tôi làm thế nào để tổ chức tour như vậy. Tuy nhiên, là đơn vị vận chuyển nhiều năm, chúng tôi tự tin có thể thành công vì đường sá bây giờ đi lại rất thuận tiện", ông Hiện chia sẻ.

Theo đó, xe của Hải trình Di sản xuất phát từ khu vực phố cổ Hà Nội lúc 5h sáng. Khoảng 8h30 là du khách đã có thể xuống tàu tham quan vịnh Lan Hạ. Để rút ngắn công đoạn chờ phà, công ty đưa hành khách ra đảo bằng tàu cao tốc. Khoảng 15h30 - 17h, du khách lên xe và có mặt tại Hà Nội vào lúc 20h - 20h30.

"Mỗi ngày, công ty đều đặn đưa 20-30 khách từ Hà Nội đi Cát Bà theo chương trình trên", ông Hiện thông tin.

Theo ông Bùi Quang Khả, thành viên HĐQT khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, nhờ có cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, việc di chuyển từ Hà Nội đi Quảng Ninh hoặc Hải Phòng hiện nay rất nhanh chóng.

"Du khách hiện nay chỉ mất khoảng 1,5 giờ để di chuyển từ Hà Nội đến Đồ Sơn, nên nhiều gia đình có thể đi về trong ngày. Việc đi lại thuận tiện là yếu tố quan trọng quyết định lựa chọn điểm đến", ông Khả nói.

Chị Nguyễn Thị Bích Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, tôi chỉ mất khoảng 2 giờ lái xe từ Hà Nội xuống Tuần Châu, từ đó xuống tàu thăm vịnh Hạ Long. Không chỉ nghỉ lễ, mỗi cuối tuần, gia đình tôi đều đi du lịch vì giờ đường đẹp, đi lại nhàn hơn, chúng tôi cũng thích đi chơi hơn".

Tương tự, du khách di chuyển bằng đường bộ từ TP.HCM đến Mũi Né, Bình Thuận trước đây thường phải mất 4-5 giờ theo quốc lộ 1A (cũ). Tuy nhiên, từ khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe ngày 29/4/2023, thời gian chỉ còn khoảng 2,5 giờ. Tuyến này trở thành tuyến huyết mạch thúc đẩy du lịch và kinh tế khu vực Bình Thuận.

Kết nối, tăng hấp dẫn cho các điểm đến

Một lãnh đạo ngành du lịch nhận xét: Chưa bao giờ chúng ta có được hạ tầng giao thông hiện đại như hiện nay, nhất là mạng lưới đường cao tốc ngày càng hoàn thiện. Điều này góp phần rất lớn thúc đẩy du lịch khi tăng tính kết nối, tăng sự hấp dẫn cho các điểm đến.

Du lịch bội thu nhờ hạ tầng giao thông chắp cánh- Ảnh 2.

Cảng khách quốc tế Hạ Long giúp Quảng Ninh đón hàng trăm tàu lớn đến thăm vịnh Hạ Long.

Thực tế, kể từ khi hoàn thiện năm 2018, đường cao tốc giúp rút ngắn quãng đường từ Hà Nội đi Hạ Long từ 180km xuống còn 130km, nâng tốc độ di chuyển từ 60-80km/h (đường cũ) lên 100-120km/h. Thời gian từ Hà Nội đi Móng Cái hiện nay chỉ khoảng 4 giờ thay vì 6-8 giờ.

Các tuyến đường hiện đại cũng hỗ trợ thuận tiện cho các đoàn khách lớn, đặc biệt trong mùa cao điểm. Cùng đó là cơ sở hạ tầng lưu trú, đặc biệt là hệ thống du thuyền nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long giúp du lịch Quảng Ninh bùng nổ trong năm 2024, đón 19 triệu lượt khách.

Cùng với trục Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, mạng lưới cao tốc phía Bắc có Hà Nội - Lào Cai, tuyến đường giúp điểm du lịch Sapa đón hơn 3,2 triệu lượt khách trong năm 2024 so với chỉ 720 nghìn lượt khách năm 2013, một năm trước khi đường cao tốc đi vào vận hành.

Tính chung, toàn tỉnh Lào Cai đón 8,5 triệu lượt khách năm ngoái so với chỉ 1,2 triệu lượt khách năm 2013.

Du lịch tại các địa phương trên trục giao thông này như Yên Bái, Tuyên Quang hay Hà Giang cũng cải thiện trông thấy. Năm 2013, Yên Bái đón 1 triệu lượt khách, nhưng năm 2024 đón hơn 2 triệu lượt. Hà Giang chỉ có 550 nghìn lượt khách năm 2013, sau khi có đường cao tốc là hơn 3,5 triệu lượt năm 2024…

Tương tự là trục đường từ Hà Nội đi các tỉnh Tây Bắc. Thời gian di chuyển từ Hà Nội đến bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) hiện chỉ còn khoảng 3 giờ. Trục đường này đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như: Tam Chúc (Hà Nam), Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình), Sầm Sơn, Hải Tiến (Thanh Hóa). Năm 2024, chỉ riêng Ninh Bình đón hơn 8,7 triệu lượt khách…

Hàng không tiếp sức

Đóng góp vào những con số ấn tượng của ngành du lịch năm 2024 không thể không kể đến vai trò của ngành hàng không. Trong số hơn 17,5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2024, có 14,8 triệu lượt khách đi bằng đường hàng không.

Tháng 8/2024, hãng hàng không non trẻ Vietravel Airlines khai thác chuyến bay charter (thuê chuyến) đầu tiên từ Đài Bắc (Trung Quốc) đến Phú Quốc, sau đó tăng tần suất trong các tháng cao điểm. Tham gia đường bay này còn có Vietnam Airlines và Vietjet Air. Đây chính là động lực giúp Phú Quốc đón khoảng 6 triệu lượt khách năm 2024, trong đó khách quốc tế đạt hơn 1 triệu lượt, tăng 73,4% so với năm 2023.

Cùng với Vietravel Airlines, Vietnam Airlines đã mở đường bay thẳng chặng Hà Nội - Thành Đô (Trung Quốc) vào cuối tháng 6/2024, kết nối Thủ đô với tỉnh Tứ Xuyên, một điểm đến văn hóa nổi tiếng của Trung Quốc. Đường bay này không chỉ phục vụ khách Trung Quốc đến Việt Nam mà còn khuyến khích du khách Việt khám phá Trung Quốc, tạo luồng giao lưu hai chiều.

Trong khi đó, đường bay Quý Dương - Hà Nội được khai thác thường xuyên hơn trong năm 2024 bởi các hãng như China Southern Airlines, với tần suất khoảng 190 chuyến/tuần. Sự kết nối này đã thúc đẩy lượng khách Trung Quốc đến Hà Nội và các điểm lân cận như vịnh Hạ Long.

Đường bay Hàng Châu - Đà Nẵng cũng bắt đầu tăng chuyến từ quý IV/2024, kết nối thành phố lớn của Trung Quốc với Đà Nẵng - trung tâm du lịch miền Trung Việt Nam.

Với các đường bay quốc tế tại Đà Nẵng được mở rộng trong năm 2024, các chuyến bay thẳng từ Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc giúp du khách dễ dàng tiếp cận các điểm du lịch nổi tiếng như Bà Nà Hills, phố cổ Hội An hay các bãi biển nổi tiếng ở khu vực miền Trung. Đây là yếu tố quan trọng góp phần đưa tổng lượt khách đến Đà Nẵng đạt khoảng 10,3 triệu lượt năm ngoái.

Bên cạnh các đường bay quốc tế, các hãng hàng không cũng tăng tần suất các chuyến bay nội địa, kết nối các trung tâm du lịch như Hà Nội - Điện Biên hay TP.HCM - Côn Đảo...

"Hạ tầng giao thông ví như "đôi cánh", đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của ngành du lịch", TS Phạm Hà - CEO LuxGroup đánh giá.

Theo thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2025, ngành du lịch đón tổng số khách nội địa đạt 35,5 triệu lượt, khách quốc tế đến đạt trên 6 triệu lượt, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là số lượng khách quốc tế trong một quý cao nhất từ trước đến nay. Riêng tháng 3, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt mốc 2 triệu lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái.