Y tế

Giảm thiểu chấn thương khi chạy marathon, lưu ý điều gì?

08/04/2025, 20:39

Trong những năm gần đây, hàng trăm giải chạy marathon lớn nhỏ được tổ chức, thu hút sự hưởng ứng của nhiều người, đủ các lứa tuổi. Tuy nhiên, không ít người tham gia môn thể thao này đã gặp chấn thương, thậm chí tử vong.

Nguy cơ chấn thương, thậm chí tử vong khi chạy marathon

Mới đây, một phụ nữ 53 tuổi (trú tại TP Huế) đã ngừng tim, ngừng thở khi đang tham gia giải chạy marathon. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, hô hấp và đã tử vong sau đó. Nguyên nhân tử vong được xác định là vỡ phình mạch não có từ trước, tổn thương não lan tỏa do ngừng tim kéo dài.

Giảm thiểu chấn thương khi chạy marathon, lưu ý điều gì?- Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 từng tiếp nhận bệnh nhân sốc nhiệt khi tham gia giải chạy marathon.

Trước trường hợp này, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) chia sẻ: Nguyên nhân đầu tiên được nhắc đến là tình trạng thiểu năng động mạch vành, gây thiếu máu nuôi cơ tim, dẫn đến rối loạn nhịp rồi ngừng tim, hoặc thiểu năng vành dẫn đến nhồi máu cơ tim. Căn nguyên sâu xa là do xơ vữa mạch vành. 

Thứ hai là, rối loạn nhịp tim, có thể là bẩm sinh (hội chứng Brugada, hội chứng WPW, hội chứng khoảng QT kéo dài...) hoặc mắc phải, như rung thất, nhịp nhanh thất, block nhĩ-thất... mà nguyên nhân có thể do bệnh van tim, do dùng thuốc, do rối loạn điện giải. 

Thứ ba là các bệnh cơ tim: bệnh cơ tim thể giãn, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim do nghiện rượu... Suy tim mạn tính do mọi nguyên nhân, cũng có thể dẫn tới ngừng tim. Ngoài ra, có thể có một số nguyên nhân khác ngoài tim như chấn thương ngực, thuyên tắc phổi, sử dụng một số chất kích thích...

Trước đó, tại một giải chạy marathon ở Hà Nội, các bác sĩ BV Trung ương Quân đội 108 cũng tiếp nhận cấp cứu nhiều người choáng, sốc nhiệt sau khi tham gia chạy. 6 bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiệt rối loạn ý thức lơ mơ, yếu cơ tứ chi, hạ huyết áp, da khô, thiểu niệu; xét nghiệm có tình trạng tăng men cơ, suy giảm chức năng thận. Sau đó, các bệnh nhân này được chuyển sang Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc và khoa Nội thận lọc máu điều trị.

Theo BSCK2 Nguyễn Thái Cường, Chủ nhiệm Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong vài năm gần đây tình trạng sốc nhiệt khi tham gia các giải chạy marathon và thể thao đường dài gia tăng. Sốc nhiệt do gắng sức hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh, xảy ra sau phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục hay gắng sức và đặc biệt là những vận động viên không chuyên khi tham gia các giải chạy marathon.

Chạy an toàn cần lưu ý gì?

BS Thái Cường lưu ý, sốc nhiệt làm tổn thương đa cơ quan bao gồm hệ thần kinh trung ương, hô hấp, tuần hoàn, gan, thận và huyết học, gây ra tình trạng suy đa tạng nhanh chóng nếu không được xử trí y tế kịp thời, thậm chí tử vong. Vì vậy, việc hiểu biết kiến thức về sốc nhiệt, dấu hiệu nhận biết sớm, cấp cứu kịp thời cũng như dự phòng sốc nhiệt là hết sức quan trọng, giúp chúng ta giảm được tỉ lệ bệnh tật và tử vong.

Giảm thiểu chấn thương khi chạy marathon, lưu ý điều gì?- Ảnh 2.

Cần kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia các giải chạy marathon.

Theo đó, người chạy cố gắng chọn thời gian mát mẻ trong ngày để luyện tập khi thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, tránh luyện tập trong thời gian dài liên tục và nên có nhiều lượt nghỉ đan xen, ít nhất nên nghỉ sau mỗi 30 phút luyện tập...

BS Cường nhấn mạnh, người chạy nên dừng lại khi cơ thể thấy không khỏe. Lắng nghe cơ thể và có những phản ứng kịp thời chính là một giải pháp vô cùng quan trọng để tránh sốc nhiệt xảy ra; Đảm bảo cơ thể luôn được bù nước. Những thức uống giúp bù nước hiệu quả thường có chứa đường và 0.1-0.2% muối ăn (40mg - 80mg Natri / 100ml). Thức uống có chứa 4-8% đường nên được uống sau khi luyện tập từ 1 giờ trở lên. Lý tưởng nhất là khi bạn có thể thay thế lượng nước trong cơ thể mất đi khi đổ mồ hôi. Bằng việc đo cân nặng của bạn trước và sau luyện tập, bạn có thể thấy được lượng nước mất đi khi bạn đổ mồ hôi.

Còn theo BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, các trường hợp tử vong, ngừng tim khi chạy bộ có thể do có vấn đề tim mạch trước đó. Khi chạy bộ, nhịp tim thay đổi, tim đập nhanh hơn; nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến nhịp tim, huyết áp tăng nhanh và xuất hiện các cơn thiếu máu lên não, ngừng tuần hoàn.

ThS.Bs Đoàn Dư Mạnh cũng cảnh báo, với các vận động viên nghiệp dư, khi tham gia giải chạy phong trào sẽ rất nguy hiểm nếu như họ không kiểm tra sức khỏe tim mạch chặt chẽ. Đặc biệt, trong quá trình chạy, người bị tăng huyết áp rất khó phát hiện những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho cơ thể. Khi vận động cường độ cao, cơ thể sẽ tiết ra chất endorphin, giúp cho cơ thể cảm thấy sảng khoái, dễ chịu. Do vậy, đôi khi người chạy khó kiểm soát được bản thân, để huyết áp tăng cao nên dễ đối mặt với mối đe dọa cho sức khỏe.

"Trước khi chạy bộ đường dài, mỗi người tham gia cần tầm soát sức khỏe tim mạch. Ban tổ chức các giải chạy cũng cần bắt buộc người tham gia tầm soát sức khỏe tim mạch. Với những người có vấn đề về tăng huyết áp không nên tham gia môn thể thao này. Những người có bệnh về tim mạch, huyết áp chỉ nên tham gia các bộ môn thể thao như: Đi bộ, bơi, tập thể dục nhẹ nhàng, khi mệt nên dừng tập", BS Mạnh nói.