Hạ tầng

Gỡ vướng quản lý cấp, thoát nước

16/05/2025, 07:32

Việc cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, thoát nước chống ngập liên quan trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống của con người và phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, hiện chưa có luật chuyên ngành liên quan lĩnh vực này mà chỉ có các nghị định đã ban hành từ nhiều năm trước.

Thêm kênh huy động nguồn lực đầu tư

Theo ông Phạm Quang Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, hiện nay, do chưa có luật nên việc thực hiện theo các nghị định liên quan còn nhiều vướng mắc.

Gỡ vướng quản lý cấp, thoát nước- Ảnh 1.

Việc cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, thoát nước chống ngập liên quan trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống của con người (ảnh minh họa).

Cụ thể, tại Nghị định số 32/2019 quy định "dịch vụ thoát nước đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung" thuộc danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng, tại hồ sơ mời thầu, công ty không tiên lượng được hết các hạng mục công việc. Một số hạng mục không có khối lượng cụ thể như ga sập, cống hỏng, thiết bị bơm gặp sự cố đột xuất…

"Do đó, trong một số trường hợp, công việc đột xuất cần cho phép đặt hàng hoặc chỉ định thầu", ông Quỳnh kiến nghị.

Trước việc Luật Cấp, thoát nước đang được tổ chức lấy ý kiến để trình Quốc hội thông qua, ông Quỳnh bày tỏ: "Đây là điều rất cần thiết trong thời điểm hiện nay".

Ngày 8/6/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trong đó, Luật Cấp, thoát nước và Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ được Quốc hội lấy ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 và thông qua vào Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV.

Tuy nhiên, theo ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kết cấu hạ tầng xây dựng (Bộ Xây dựng), do thời điểm sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị hành chính, trước là 3 cấp, nay còn 2 cấp, nên việc xây dựng, hoàn thiện 2 dự án Luật cần có thêm thời gian triển khai.

Về những điểm mới của dự thảo, ông Quỳnh cho biết, dự thảo đã bổ sung thêm các quy định về huy động nguồn lực đầu tư thông qua PPP, BT; bổ sung các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; quy định rõ về thẩm quyền của các cấp chính quyền trong việc lập, phê duyệt quy hoạch cấp thoát nước.

"Ngoài việc luật hóa các quy định liên quan, khắc phục các bất cập, cần có các văn bản dưới luật, quy định cụ thể các điều khoản, hướng dẫn các đơn vị, tỉnh thành thực hiện đồng bộ. Có thể xây dựng các khuôn mẫu cụ thể để các tỉnh, thành áp dụng và có phần bổ sung thêm cho phù hợp", ông Quỳnh đề xuất.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Cấp, thoát nước là lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành, giống như thủy lợi, giao thông, các công trình phòng chống thiên tai hay liên quan đến tài nguyên nước.

Hiện nay, các quy định liên quan đến cấp, thoát nước tại Việt Nam mới ở mức nghị định, trong khi đó, nhiều lĩnh vực chuyên ngành không còn hiệu lực. "Nếu tiếp tục chậm trễ ban hành luật, việc quản lý điều hành sẽ gặp nhiều khó khăn", ông Tiến nói.

Tạo hành lang pháp lý đồng bộ

Theo Cục Kết cấu hạ tầng xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay pháp luật liên quan đến lĩnh vực cấp, thoát nước chưa tương xứng với vai trò, tầm quan trọng của dịch vụ cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải.

Việc cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, thoát nước chống ngập liên quan trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống của con người và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện chưa có luật chuyên ngành liên quan lĩnh vực này, hầu hết thực hiện theo các nghị định được ban hành từ lâu.

Các nghị định này đều chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của việc cấp, thoát nước và đang bị chi phối bởi nhiều luật khác có liên quan. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đầu tư, vận hành, hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ và kiểm soát rủi ro...

Khẳng định tầm quan trọng của Luật Cấp, thoát nước, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam cho biết: "Với nhiều điểm mới, việc ban hành luật sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững hệ thống cấp thoát nước, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường".

Ông Huy cũng cho biết, Sở đã có ý kiến góp ý gửi Cục Kết cấu hạ tầng xây dựng (Bộ Xây dựng), trong đó nêu rõ việc ban hành luật là cấp thiết, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư, phát triển các khu đô thị, hạ tầng khu công nghiệp như hiện nay.

Theo Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ được ban hành giữa tháng 3/2025, Thường trực Chính phủ thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Cấp, Thoát nước với mục tiêu khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến lĩnh vực cấp, thoát nước.

Thường trực Chính phủ lưu ý, dự thảo cần ngắn gọn, chỉ quy định các nội dung chính sách có tính nguyên tắc, ổn định, có giá trị lâu dài định hướng thuộc thẩm quyền của Quốc hội; các nội dung mang tính kỹ thuật, cụ thể, biến động thì giao Chính phủ, bộ trưởng các bộ, ngành quy định chi tiết để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong quá trình thi hành.

Nghiên cứu bổ sung quy định về huy động nguồn lực đầu tư lĩnh vực cấp, thoát nước

Trong đó chú trọng rà soát, nghiên cứu bổ sung các quy định về huy động nguồn lực đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT, PPP...).

Tiếp tục rà soát cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giấy phép không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, đặc biệt địa phương (tăng quyền tự quyết các địa phương).