Xã hội

Hà Nội sẽ thu hồi gấp hàng loạt tài sản công bỏ hoang nhiều năm

01/05/2025, 14:53

Hà Nội tấc đất, tấc vàng - thế nhưng tại nhiều khu vực, trong đó có cả "đất vàng" giữa Thủ đô đang tồn tại tài sản công gồm nhà, đất, trụ sở bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách cần thu hồi gấp.

Lãng phí nghiêm trọng

Bên trong cánh cổng sắt hoen rỉ, căn biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lộ rõ vẻ hoang tàn. Tường nhà nứt nẻ, bong tróc. Cỏ và rác phủ đầy sân.

Căn nhà từng là biểu tượng cho sự giàu sang, hào nhoáng một thời giờ đã xuống cấp nghiêm trọng, trái ngược hẳn với sự sầm uất của khu "đất vàng" đắt đỏ nhất thủ đô.

Hà Nội sẽ thu hồi gấp hàng loạt tài sản công bỏ hoang nhiều năm- Ảnh 1.
Hà Nội sẽ thu hồi gấp hàng loạt tài sản công bỏ hoang nhiều năm- Ảnh 2.
Hà Nội sẽ thu hồi gấp hàng loạt tài sản công bỏ hoang nhiều năm- Ảnh 3.

Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa vẫn cửa đóng then cài suốt hơn 10 năm nay. Ảnh: Mai Thu.

Căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa có diện tích 410m2, được ông Hoàng Văn Nghiên, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội thuê lại từ năm 2001. Công trình này đã từng được ông Nghiên xin hóa giá nhưng không được phép do nằm trong nhóm hai, thuộc diện không được bán.

Cuối năm 2014, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chính thức trả lại căn biệt thự cho thành phố. Căn biệt thự bị bỏ hoang suốt hơn 10 năm nay.

Ông Nguyễn Quốc Hội, người dân phường Hàng Bài chia sẻ: "Sáng nào tôi đi tập thể dục qua cũng đều nhìn xem có gì thay đổi. Về giá trị thực tế, căn biệt thự này có thể lên tới nhiều trăm tỷ đồng. Về mặt văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc càng vô giá. Nhưng nếu cứ để hoang hóa, hư hỏng như thế này là một sự lãng phí rất lớn, rất đáng buồn".

Hà Nội sẽ thu hồi gấp hàng loạt tài sản công bỏ hoang nhiều năm- Ảnh 4.

Hàng loạt cửa hàng kinh doanh tại Khu nhà chuyên dùng 16 Tràng Thi đều đã trả mặt bằng. Ảnh: Mai Thu.

Cách đó không xa, khu nhà chuyên dùng, địa chỉ 16 Tràng Thi cũng đang trong tình trạng cửa đóng then cài. Trước đây, khu nhà này được chia thành các cửa hàng để cho thuê mặt bằng kinh doanh.

Sau khi rà soát cơ sở nhà, đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước đang cho thuê trái phép hoặc bỏ trống, chưa được khai thác hiệu quả, Hà Nội đã thu hồi cơ sở này. Song do chưa tiếp tục đưa vào khai thác, sử dụng, cơ sở này tiếp tục bị bỏ hoang, xuống cấp theo thời gian.

Tại Hà Đông, phố Tô Hiệu thường xuyên được nhắc đến như "phố trụ sở bỏ hoang" khi có tới 5 cơ sở nhà đất công bỏ hoang, hoặc có sử dụng nhưng không hiệu quả.

Theo báo cáo của UBND quận: Khu đất số 30 Tô Hiệu có diện tích hơn 1.300m2, trước đây do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây sử dụng; Cơ sở nhà đất tại 32 Tô Hiệu có diện tích khoảng 2.000m2, trước đây do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Tây sử dụng; Khu đất 55 Tô Hiệu trước đây do Cục Thống kê quản lý; Tòa nhà số 1 Quang Trung, sau khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông chuyển trụ sở hiện đang để trống; Cơ sở nhà đất công tại 16 đường Thanh Bình cũng chưa sử dụng lại.

Hà Nội sẽ thu hồi gấp hàng loạt tài sản công bỏ hoang nhiều năm- Ảnh 5.

Một trong ba trụ sở bỏ hoang trên phố Tô Hiệu, quận Hà Đông. Ảnh: Mai Thu.

Xử lý nghiêm trách nhiệm

Tháng 7/2024, báo cáo về việc sắp xếp, quản lý tài sản công, UBND TP Hà Nội cho biết trên địa bàn thành phố có hơn 6.000 cơ sở nhà, đất cần sắp xếp lại. Trong đó, khối sở, ban ngành là 1.000 cơ sở; khối quận, huyện, thị xã là 4.000 cơ sở; khối doanh nghiệp Nhà nước là 1.000 cơ sở. TP Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ hoàn thành việc sắp xếp, xử lý 100% cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Tuy nhiên đến nay, ngoài biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa sắp được bố trí làm trụ sở Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam (quyết định của Sở Xây dựng Hà Nội ngày 16/4 về việc thực hiện phương án bố trí các địa điểm phục vụ việc di dời các đơn vị để thực hiện phương án quy hoạch, cải tạo không gian khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm), vẫn chưa có thông tin cụ thể về phương án xử lý các trụ sở còn lại.

Trao đổi với Báo Xây dựng, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định: Các dự án trụ sở là tài sản công được xây dựng bằng tiền ngân sách Nhà nước, từ tiền của dân.

Nếu để hoang hóa, không sử dụng hoặc tự ý đem cho thuê thu lợi cá nhân hoặc sử dụng sai mục đích gây thất thoát, lãng phí là biểu hiện thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật, có tội với nhân dân.

Do đó, đối với các công trình, trụ sở, công sở, nhà xưởng bỏ hoang hoặc cho thuê trái pháp luật, cần phải kiểm tra, thanh tra lại việc quản lý, việc sử dụng từng dự án, từng công trình đầu tư xây dựng, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản hoặc tổ chức được giao quản lý hoặc sử dụng để quy trách nhiệm, xử lý theo quy định của pháp luật.

"Tùy mức độ thiệt hại để xem xét trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự của những cá nhân, tổ chức buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lãng phí này, làm bài học chung.

Trường hợp khai thác và sử dụng sai mục đích cần phải thu hồi lại nguồn lợi bất chính về ngân sách Nhà nước, xử lý tổ chức hoặc cá nhân có sai phạm, thậm chí khởi tố vì vi phạm pháp luật", ông Tuấn nhấn mạnh.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng nêu ý kiến: Những năm gần đây, vấn đề triệt để tận dụng và khai thác một cách hiệu quả tài sản công là nhà, đất, trụ sở làm việc vẫn còn nhiều hạn chế và lỗ hổng.

Đối với Hà Nội, một trong những thành phố đang khẩn trương sắp xếp tinh gọn bộ máy, vấn đề dôi dư trụ sở các cơ quan sẽ càng lớn hơn.

"Cần phải rút kinh nghiệm từ câu chuyện sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, đến nay vẫn còn một loạt nhà trụ sở chưa đưa vào sử dụng. Những chậm trễ này chính là sai sót, sai phạm, cần phải quy trách nhiệm.

Ngoài trách nhiệm về kinh tế, trách nhiệm chính trị, chúng ta cần nghiên cứu đưa vào Luật Phòng chống tham nhũng vấn đề lãng phí này. Thậm chí là phải xem xét trách nhiệm hình sự, chứ không chỉ xử lý hành chính", ông Cừ nói.

Cần thu hồi gấp

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ngày 23/4, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND nêu rõ: UBND thành phố giao giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị, chủ tịch UBND các cấp xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý và tổ chức xử lý tài sản công là nhà, đất (trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp) không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích thuộc phạm vi quản lý, xác định cụ thể tiến độ thực hiện từng khâu và trách nhiệm cụ thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan.

Như vậy, đến thời điểm này, việc xử lý các trụ sở bỏ hoang nêu trên vẫn đang "nằm trong kế hoạch" chứ chưa có phương án cụ thể nào được triển khai thực hiện.

Trao đổi với Báo Xây dựng, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Các trụ sở công quyền qua sáp nhập từ cấp tỉnh cho đến cấp quận, huyện hiện không sử dụng đến rất nhiều. Quỹ đất ngày càng hiếm. Nếu phá đi xây dựng lại thì sẽ để lại hậu quả về ô nhiễm môi trường rất khủng khiếp, nên xu hướng trên thế giới hiện nay là tái thiết kiến trúc và tái thiết đô thị.

"Theo tôi nên có ba hướng: Thứ nhất, dùng làm trung tâm hành chính vì hiện nay, ở cấp phường cũng phải có trung tâm hành chính công. Thứ hai, người ta có thể cải tạo làm trường học; tuy hơi khó nhưng để làm trường mẫu giáo, nhà trẻ cũng rất tốt. Thứ ba, có thể sử dụng làm nhà văn hóa của cụm hoặc khu dân cư; đối với những công sở có khuôn viên rộng, vườn hoa có thể sử dụng làm không gian công cộng hoặc bãi đỗ xe. Những việc này cần phải làm ngay", ông Tùng nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cũng đưa giải pháp ưu tiên các công sở này cho giáo dục, y tế, hoặc một số công năng khác để phát huy được lợi thế. "Với Hà Nội tấc đất tấc vàng, các trụ sở của phường, quận, của thành phố đều là tấc vàng. Các trụ sở sau khi đã phát huy công năng phục vụ lợi ích chung thì cần phải khẩn trương đấu giá. Tổ chức đấu giá tài sản thu về nguồn lợi tối đa cho ngân sách là rất thiết thực. Đây cũng là vấn đề nhân dân hết sức quan tâm. Nếu chúng ta làm tốt cũng là củng cố thêm lòng tin của dân".

"Trước mắt cứ phải thu hồi về đã, rồi có thể đưa ra đấu giá, tiền thu hồi đưa về ngân sách Nhà nước, còn tài sản đưa vào sử dụng cho các mục đích phục vụ nhân dân hiệu quả hơn. Cứ để hoang hóa như thế rất lãng phí, xót ruột. Bác Hồ từng nhấn mạnh: 'Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn'.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây trong bài viết của mình cũng đã nhấn mạnh một trong các giải pháp trọng tâm trong phòng, chống lãng phí là: Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Tôi rất đồng tình ý kiến chỉ đạo này, bởi tham nhũng thì khi phát hiện còn có thể thu hồi về được, chứ lãng phí thì không thể thu hồi", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ngày 23/4, Bộ Tài chính có Văn bản số 195 gửi các bí thư tỉnh ủy, thành ủy về rà soát, sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công và rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư chịu sự tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Theo đó, hiện có hơn 11.000 cơ sở nhà, đất công chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả do liên quan đến nhiều yếu tố như quy hoạch, đầu tư công, chức năng nhiệm vụ thay đổi sau khi sáp nhập địa bàn hành chính.

Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, xác định rõ danh mục tài sản dôi dư để có phương án xử lý cụ thể, ưu tiên cho giáo dục, y tế và phúc lợi công cộng.