Xã hội

Hà Tĩnh: Đề xuất cấp kinh phí sửa chữa 44 công trình hồ, đập hư hỏng nặng

03/07/2025, 13:38

Thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh đã có công văn số 4479-UBND/NL gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất hỗ trợ kinh phí sửa chữa 44 công trình hồ chứa hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn cao.

Nhiều hồ đập xuống cấp, mất an toàn mùa mưa lũ

Ngày 3/7, ông Phạm Đăng Nhật, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh cho biết, qua rà soát, đánh giá, toàn tỉnh có 116 đập, hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, chưa có nguồn vốn sửa chữa. Trong đó, 44 công trình hồ chứa hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn cao, cần có giải pháp khắc phục xử lý khẩn cấp; nếu không xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ cao xảy ra sự cố công trình, ảnh hưởng an toàn tính mạng, tài sản nhân dân.

Hà Tĩnh: Đề xuất cấp kinh phí sửa chữa 44 công trình hồ, đập hư hỏng nặng- Ảnh 1.
Hà Tĩnh: Đề xuất cấp kinh phí sửa chữa 44 công trình hồ, đập hư hỏng nặng- Ảnh 2.

Hồ chứa nước Cha Chạm (xã Hương Phố) xuống cấp nghiêm trọng, đã được đơn vị quản lý khai thác công trình tháo cạn không tích nước.

Điển hình, hồ chứa nước Cha Chạm ở xã Hương Phố bị nứt, sạt trượt trên đỉnh và thân đập ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng người dân.

Ông Trần Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh) cho hay, công trình hồ chứa nước Cha Chạm có dung tích thiết kế 0,66 triệu m3 nước, cấp nước cho 38ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc xã Gia Phố và một phần diện tích thuộc kênh chính Khe Táy (huyện Hương Khê) cũ. Đập đất của hồ có chiều dài 121m, chiều rộng mặt đập 1,5 - 3,5m, chiều cao đập cao nhất là 9,4m…

Hồ được xây dựng gần 48 năm nên đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Thân đập yếu, mặt đập hẹp, mái đập thượng, hạ lưu có độ dốc lớn; không đảm bảo an toàn; thời gian qua, nhiều lần xuất hiện các sự cố nứt thân đập và sạt trượt mái thượng lưu đập.

Tháng 5/2024, đỉnh đập có xuất hiện 1 vết nứt chiều dài 4,2m, chiều sâu chỗ lớn nhất 35cm, chiều rộng đường nứt 1,5cm. Vị trí vết nứt này tiếp nối, nằm ngoài phạm vi đã được khắc phục tạm thời năm 2023, kéo dài ra giữa thân đập đất về phía vai trái tuyến đập.

Đến năm 2024 và 2025, đập tiếp tục bị sạt trượt với mức độ nặng hơn; tràn xả lũ: Tràn đất, chưa được kiên cố, hạ lưu tràn bị lấn chiếm trồng cây cối gây cản trở dòng chảy thoát lũ; cống lấy nước bị rò rỉ, không có cầu công tác, đóng mở bằng thủ công… Hiện nay, công trình đã được đơn vị quản lý khai thác công trình tháo cạn không tích nước.

Theo UBND xã Hương Phố, địa phương đã kiến nghị, đề xuất tỉnh, huyện và các sở, ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục, sửa chữa để đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ sắp tới.

"Lo lắng nhất là hiện nay, cách chân đập về phía hạ lưu khoảng 1km đang có hơn 500 hộ dân sinh sống tại các thôn Trung Hải, Đông Thịnh, Thượng Hải", lãnh đạo UBND xã Hương Phố cho hay.

Tại xã Tùng Lộc, sau hàng chục năm khai thác, sử dụng, dưới tác động của thiên tai, bão lũ, hồ chứa nước Cu Lây - Trường Lão (xã Thuần Thiện cũ) đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Tường bên trái dốc nước bị nghiêng, nứt nẻ, đoạn tường phía cuối bị gãy, đổ; đáy dốc nước có chỗ bị nứt nẻ; kênh dẫn hạ lưu bị xói lở nghiêm trọng, ăn sâu vào vùng đất 2 bên... Nguy cơ cao gây ra xói lở, sập đổ phần hạ lưu tràn xả lũ, sân sau tiêu năng và phần tiêu năng của công trình, nguy cơ mất an toàn công trình rất lớn.

Bên cạnh những công trình kể trên, còn có nhiều hồ chứa có nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn trong mùa mưa lũ năm 2025, nếu không sửa chữa kịp thời như: Hồ Khe Đá (xã Sơn Kim II, huyện Hương Sơn cũ); hồ Đập Bạng (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà cũ); hồ chứa nước Khe Sung (xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh cũ)…

Nâng cao chất lượng hồ, đập mùa mưa lũ

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Trần Đức Thịnh, địa bàn toàn tỉnh có 348 hồ chứa nước thủy lợi (324 hồ có dung tích từ 50.000m3 trở lên, hoặc có chiều cao đập trên 5m theo Nghị định 114/ND-CP), với tổng dung tích trên 1,6 tỷ m3.

Hệ thống hồ đập đã cung cấp nước tưới cho hơn 58.000ha đất trồng lúa và cây trồng cạn, cấp nước phục vụ công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản, cắt giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.

Hà Tĩnh: Đề xuất cấp kinh phí sửa chữa 44 công trình hồ, đập hư hỏng nặng- Ảnh 3.

Dự án nâng cấp, sửa chữa hồ Kẻ Gỗ (huyện Cẩm Xuyên cũ) với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng đã được triển khai nhằm đảm bảo an toàn hồ đập và tăng cường khả năng thoát lũ hạ du.

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn công trình đưa vào khai thác được 35 hồ chứa thủy lợi với tổng kinh phí hơn 350 tỷ đồng.

"Tuy nhiên, phần lớn hồ chứa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều được xây dựng cách nay 40 - 50 năm (đặc biệt là các hồ chứa nhỏ). Thời điểm đó, điều kiện thiết kế, thi công còn nhiều hạn chế, qua nhiều năm sử dụng chịu tác động của các yếu tố tự nhiên, thiên tai, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên đến nay nhiều công trình xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao", ông Thịnh chia sẻ thêm.

Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư nâng cấp, sửa chữa 44/116 công trình đập, hồ chứa bị hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn cao, với kinh phí dự kiến 559,3 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, số công trình còn lại địa phương sẽ huy động nguồn lực địa phương để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn.