Hoàn thành nông thôn mới để nâng cấp diện mạo mới
Huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định hiện đã có 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) về đích trước 1 năm. Vậy kinh nghiệm xây dựng NTM của huyện có gì khác biệt? Phóng viên Báo điện tử Xây đựng đã có cuộc trao đổi cùng Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Nhơn - Phạm Trương.
(Xây dựng) - Huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định hiện đã có 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) về đích trước 1 năm. Vậy kinh nghiệm xây dựng NTM của huyện có gì khác biệt? Phóng viên Báo điện tử Xây đựng đã có cuộc trao đổi cùng Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoài Nhơn - Phạm Trương.
|
PV: Hoài Nhơn bắt tay xây dựng NTM trên thực trạng thế nào thưa ông?
Ông Phạm Trương: Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Nhơn đã thống nhất thực hiện xây dựng NTM theo các nguyên tắc: Các tiêu chí dễ thì làm trước, khó thì làm sau; ít vốn làm trước, nhiều vốn làm sau; nơi nào được sự đồng thuận của nhân dân thì làm trước, chưa đồng thuận thì làm sau; không đầu tư dàn trải, triển khai thực hiện các nội dung, công việc theo thứ tự ưu tiên; các danh mục công trình, kế hoạch đầu tư phải phù hợp quy hoạch...
Ngoài thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh Bình Định, Huyện ủy Hoài Nhơn ban hành nhiều cơ chế như hỗ trợ các xã làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa thôn, trường học. Giai đoạn 2016 - 2018, toàn huyện huy động hơn 150 tỷ đồng để cứng hóa hơn 209km đường giao thông, bảo đảm cho nhân dân đi lại và sản xuất thuận tiện. Để giúp người dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất, huyện tập trung vốn xây dựng, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi, bảo đảm tưới chủ động cho 93% diện tích sản xuất. Chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng bằng hàng loạt chương trình như đầu tư 270 triệu đồng/năm để khuyến nông - lâm - ngư; đầu tư 1,5 tỷ đồng cho khoa học - công nghệ và gần 1,8 tỷ đồng để nông dân chuyển đổi cây trồng cạn. Các chính sách hỗ trợ đã giúp bà con chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở một số vùng đất trước đây hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, dược liệu, nhất là mở rộng diện tích cây đặc sản địa phương là dừa sáp, dừa xiêm. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đã tăng đáng kể. Năm 2017: 42,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2,1 triệu đồng so với năm 2016; năm 2018: 50 triệu đồng/người/năm, tăng 7,5 triệu đồng so với năm 2017.
Có được kết quả này không thể không kể đến sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân toàn huyện trong việc nỗ lực xây dựng NTM. Phong trào chung tay, góp sức xây dựng NTM đã và đang lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài địa phương tham gia, ủng hộ.
Các phong trào như: “Dân vận khéo gắn với xây dựng nông thôn mới”; “Tuổi trẻ Hoài Nhơn chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân phát huy nội lực để phát triển cộng đồng”; “Gia đình 5 không, 3 sạch”; “Tuyến đường tự quản”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, huy động trí tuệ, nguồn lực của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng chương trình đạt hiệu quả cao.
PV: Những định hướng sau khi cán đích NTM của chính quyền và nhân dân Hoài Nhơn là gì thưa ông?
Ông Phạm Trương: Thành công của chương trình NTM ở Hoài Nhơn là triển khai gắn với các chương trình, đề án trọng tâm của huyện: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình hành động về phát triển thủy sản, khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng đô thị... do đó được triển khai đồng bộ, tạo hiệu quả tích cực, toàn diện. Từ năm 2016 đến nay có thêm 10 xã hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, bộ mặt nông thôn được đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được đẩy mạnh; chất lượng giáo dục ngày càng tăng cao; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt kế hoạch.
Các công trình hạ tầng khang trang ở Hoài Nhơn.
Hiện Hoài Nhơn cơ bản hoàn thành 5 trong 9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ-TTg (ngày 5/4/2018) của Thủ tướng Chính phủ. Để đạt chuẩn huyện NTM, Hoài Nhơn cần phải hoàn thành bốn tiêu chí: Quy hoạch, môi trường, giao thông, văn hóa giáo dục và y tế. Chặng đường xây dựng NTM của huyện còn rất dài với những mục tiêu xa hơn, nhưng trên chặng đường dài ấy lại có những vạch đích cụ thể để chính quyền và nhân dân toàn huyện phấn đấu. Quá trình xây dựng NTM của huyện từ giai đoạn này trở đi sẽ tập trung vào việc thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và quá trình đô thị hóa; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với mục tiêu cao nhất: Phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.
Tuy nhiên tồn tại của chương trình NTM là chất lượng một số Đồ án quy hoạch chưa cao, định hướng, nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tế nên phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Đề án xây dựng NTM còn nặng về các tiêu chí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức đến các tiêu chí phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Công tác quy hoạch, lập kế hoạch tổ chức đấu giá đất, xử lý lấn, chiếm đất dự phòng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong khu dân cư tại các xã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc lập thủ tục, thẩm định, phê duyệt tiến độ chậm, kết quả chờ đợi kéo dài; thủ tục thu hồi đất, tổ chức đấu giá chưa thông thoáng.
Việc kêu gọi, huy động thu hút nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, vốn lồng ghép của cấp trên chưa được bố trí kịp thời. Phát triển sản xuất tuy có chuyển biến, nhưng chưa tháo gỡ những khó khăn về liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn chưa được giải quyết triệt để. Đây cũng là mục tiêu cần khắc phục khi huyện được nâng cấp lên đô thị loại IV theo Quy hoạch chung đô thị Hoài Nhơn đến năm 2035.