Công nghệ mới

Hội thảo SAGI 2025: Kết nối trí tuệ toàn cầu, chắp cánh cho khoa học Việt Nam

26/05/2025, 17:02

Hơn 40 đại biểu là các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên đến từ 6 quốc gia trên thế giới đã quy tụ về TP Quy Nhơn (Bình Định) tham dự Hội thảo quốc tế Vật lý Thiên văn SAGI 2025.

Ngày 26/5, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, Bình Định), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Trung tâm ICISE và Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) tổ chức khai mạc Hội thảo Vật lý Thiên văn SAGI 2025.

Hội thảo SAGI 2025: Kết nối trí tuệ toàn cầu, chắp cánh cho khoa học Việt Nam- Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo.

Diễn ra từ ngày 26 đến 30/5, hội thảo thu hút hơn 40 đại biểu là các nhà khoa học, nghiên cứu sinh và sinh viên đến từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ: Ấn Độ, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra, 16 nhà khoa học uy tín đến từ Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ và Hoa Kỳ cũng tham gia trình bày trực tuyến.

Hội thảo năm nay xoay quanh 43 bài trình bày tại phiên toàn thể, tập trung vào các chủ đề quan trọng như nghiên cứu khí, bụi và từ trường trong vũ trụ thông qua phân cực ánh sáng; sự hình thành và tiến hóa của các thiên thể; khai thác dữ liệu từ các kính thiên văn hàng đầu thế giới như: ALMA, JWST, JCMT, SOFIA và đặc biệt là kết nối giữa lý thuyết, mô phỏng và quan sát thực nghiệm.

Hội thảo SAGI 2025: Kết nối trí tuệ toàn cầu, chắp cánh cho khoa học Việt Nam- Ảnh 2.

PGS. TS. Phạm Ngọc Điệp, Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam (VNSC) chia sẻ tại hội thảo.

Trong đó, chủ đề trọng tâm của hội thảo là kết nối các nhà khoa học trong hai lĩnh vực: sự hình thành sao và vật lý bụi vũ trụ - hai lĩnh vực có mối liên hệ sâu sắc với nhau. Bên cạnh đó, mục tiêu chung của hội thảo là cùng nhau khám phá các kết quả quan sát mới nhất, các mô hình lý thuyết hiện đại và các kỹ thuật tính toán tiên tiến. Từ đó xác định những điểm giao thoa tiềm năng, giải quyết các thách thức còn tồn đọng và mở ra các hướng nghiên cứu đột phá.

PGS.TS Phạm Ngọc Điệp cho biết: Hội thảo năm nay là sự tiếp nối đầy tự hào của chuỗi hội thảo đã thành công trước đó như "Hội thảo về Vật lý Thiên văn SAGI 2022: Những hướng nghiên cứu tiên phong của Vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi" và "Hội thảo Vật lý Thiên văn SAGI 2023 về phân cực bụi và ứng dụng trong Vật lý Thiên văn", hội thảo lần này nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa lý thuyết và quan sát về nhiều chủ đề đang được quan tâm trong Vật lý Thiên văn.

Hội thảo SAGI 2025: Kết nối trí tuệ toàn cầu, chắp cánh cho khoa học Việt Nam- Ảnh 3.

SAGI 2025 là cơ hội quý báu cho các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam tiếp cận xu hướng nghiên cứu hiện đại.

"Thông qua hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia cùng nhau khám phá các kết quả quan sát mới nhất, các mô hình lý thuyết hiện đại, và các kỹ thuật tính toán tiên tiến, từ đó xác định những điểm giao thoa tiềm năng, giải quyết các thách thức còn tồn đọng, và mở ra các hướng nghiên cứu đột phá", PGS.TS Phạm Ngọc Điệp chia sẻ.

Không chỉ là sân chơi học thuật dành cho các nhà khoa học, SAGI 2025 còn mở ra cơ hội quý báu cho các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam tiếp cận xu hướng nghiên cứu hiện đại, từng bước hội nhập với cộng đồng khoa học quốc tế, từ đó phát triển tiềm lực khoa học trong nước một cách bền vững.

Bình Định đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo công nghệ cao của cả nướcBình Định đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo công nghệ cao của cả nước

Bình Định tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI, an toàn thông tin và an ninh mạng, nhằm hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao hàng đầu cả nước.