Tài chính

Hút vốn ngoại từ cải cách đầu tư

07/07/2025, 13:58

FDI vào Việt Nam nửa đầu năm đạt hơn 21,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Chính sách ưu đãi, cải cách đơn giản hoá thủ tục và mô hình “một cửa” được kỳ vọng tiếp tục hút vốn ngoại trong thời gian tới.

Hà Nội dẫn đầu 3,66 tỷ USD, gấp gần 3 lần

Trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính).

Số vốn này bao gồm đăng ký mới, điều chỉnh tăng vốn và góp vốn, mua cổ phần, phân bổ tại 54 tỉnh, thành phố (tính trước khi sắp xếp lại đơn vị hành chính). Đáng chú ý, 6 địa phương đứng đầu đã chiếm gần 65% số dự án mới và 62,4% tổng vốn đầu tư cả nước.

Hà Nội là địa phương dẫn đầu, thu hút 3,66 tỷ USD vốn đăng ký, tương đương 17% tổng vốn cả nước, gấp gần 2,8 lần cùng kỳ năm ngoái. Bắc Ninh đứng thứ hai với gần 3,15 tỷ USD, tăng 7,1%, tiếp đến là TP.HCM với hơn 2,7 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi.

Hút vốn ngoại từ cải cách đầu tư- Ảnh 1.

FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm, giai đoạn (2021-2025).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các địa phương này tận dụng tốt lợi thế về hạ tầng, nguồn nhân lực ổn định, cải cách thủ tục hành chính và chủ động xúc tiến đầu tư.

Báo cáo cũng cho thấy số lượng dự án mới, lượt điều chỉnh vốn và giao dịch góp vốn, mua cổ phần đều tăng, phản ánh niềm tin ngày càng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Riêng tháng 6, hoạt động thu hút vốn đạt đỉnh trong nửa đầu năm, với 439 dự án cấp mới, 152 lượt điều chỉnh và 350 giao dịch góp vốn, mua cổ phần.

Các nhà đầu tư lớn nhất tiếp tục đến từ những đối tác truyền thống ở châu Á. 5 quốc gia đứng đầu là Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia, chiếm gần 63% số dự án mới và 65% tổng vốn đăng ký.

Ba chính sách đột phá

Tuy vậy, cơ quan quản lý cũng lưu ý một số rủi ro về địa chính trị và chính sách quốc tế vẫn hiện hữu. Chẳng hạn, chính sách thuế đối ứng của Mỹ có thể khiến một bộ phận nhà đầu tư thận trọng hơn, đặc biệt với các dự án quy mô lớn, dài hạn.

Hút vốn ngoại từ cải cách đầu tư- Ảnh 2.

Môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn liên tục được cải thiện, chính sách thu hút đầu tư ngày càng hấp dẫn (Ảnh minh hoạ).

Bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Thống kê công nghiệp xây dựng, Cục Thống kê cũng đánh giá, chính sách thuế mới của Mỹ có thể khiến chi phí gia tăng, hợp đồng xuất nhập khẩu giảm… Điều này ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI vào Việt Nam cũng như vốn FDI toàn cầu.

Tuy nhiên, theo bà Nga, đây là bối cảnh mới mà không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng cùng chịu. Vì thế, chúng ta cần tăng tính cạnh tranh, thu hút FDI vào lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam đang có lợi thế về thuế quan, hoặc đang được thúc đẩy bởi các FTA mà Việt Nam đã tham gia.

Bà Nga cũng khẳng định, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn liên tục được cải thiện, chính sách thu hút đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn cùng với nguồn nhân công giá rẻ, thuận lợi trong chuỗi cung ứng, tiếp tục là yếu tố quan trọng thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thường Lạng chỉ ra 3 chính sách giúp Việt Nam thu hút FDI thời gian tới, gồm: Ưu đãi đặc biệt theo Nghị định 19 năm 2025 hướng dẫn thủ tục cho các dự án chiến lược; đơn giản hóa thủ tục theo Luật Đầu tư sửa đổi, bỏ yêu cầu thẩm định phòng cháy chữa cháy, môi trường, xây dựng trước khi cấp phép với một số dự án.

Đặc biệt, mô hình "Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đầu tư một cửa tại chỗ" đang thí điểm ở một số tỉnh theo địa giới cũ là Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, sẽ hỗ trợ nhà đầu tư nhanh chóng, thuận tiện.