Khi kiến trúc sư và AI cùng kiến tạo vẻ đẹp không gian sống
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần khẳng định vị thế trong lĩnh vực kiến trúc với vai trò như một cộng sự sáng tạo. Tuy nhiên, AI không thay thế kiến trúc sư, mà cùng họ kiến tạo nên những không gian sống thông minh, nhân văn và đậm chất cá nhân.
AI - trợ thủ đắc lực trong thiết kế kiến trúc
Là một kiến trúc sư (KTS) trẻ tại Hà Nội, anh Mai Hồng Phong từng mất nhiều ngày vẽ phác thảo, bố trí mặt bằng và thiết kế phối cảnh 3D khi bắt đầu dự án. Từ đầu năm, anh bắt đầu sử dụng các công cụ AI như: Midjourney, D5 Render AI, ChatGPT… để hỗ trợ thiết kế.

AI đã giúp KTS Mai Hồng Phong tiết kiệm được 50-70% thời gian cho ý tưởng thiết kế.
Theo KTS Phong, khi khách hàng yêu cầu một thiết kế đòi hỏi sự sáng tạo và khác biệt, ứng dụng AI chính là công cụ hỗ trợ đắc lực để mô hình hóa ý tưởng thiết kế từ nội thất và ngoại thất.
Khi nhập các thông tin về mặt bằng bố trí, nhu cầu sử dụng, phong cách thiết kế; ứng dụng AI sẽ đưa ra các phương án bố cục không gian 3D khác nhau giúp khách hàng dễ hình dung hơn và là tiền đề đồng bộ mong muốn của khách hàng, giúp KTS triển khai nhanh hơn cho những công đoạn kế tiếp.
"AI đã giúp tôi tiết kiệm được 50-70% thời gian cho ý tưởng thiết kế, đồng thời có thêm nhiều gợi ý sáng tạo để chọn lựa phương án tối ưu", KTS Phong chia sẻ.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của AI, thời gian qua, Công ty CP Công nghệ Haizz đã cho ra đời ứng dụng giải pháp AI nội thất "Haizz AI". Đây là nền tảng công nghệ nội thất ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam, giúp người dùng có thể tự thiết kế không gian sống nhanh chóng, dễ dàng và sát với thực tế.
Ông Nguyễn Hoàng Long, đại diện công ty cho biết, giải pháp này không chỉ phục vụ cá nhân mà còn là công cụ mạnh mẽ cho các đơn vị thiết kế, showroom, nhà thầu nâng cao hiệu quả làm việc, giúp tiết kiệm thời gian với các nhu cầu cơ bản của khách hàng.
Theo ông Long, chỉ cần scan hoặc tải bản vẽ, chọn phong cách yêu thích, người dùng sẽ nhận ngay thiết kế cá nhân hóa cùng gợi ý sản phẩm decor, có thể mua trực tiếp trong ứng dụng, kể cả hàng nội địa và quốc tế.
"Với kinh nghiệm vận hành hàng nghìn dự án thiết kế, thi công, chúng tôi nhận thấy cần có một công cụ thông minh giúp con người, dù là cá nhân hay doanh nghiệp đều có thể dễ dàng thiết kế và hiện thực hóa không gian sống", ông Long chia sẻ.

Khi scan hoặc tải bản vẽ, chọn phong cách yêu thích, khách hàng sẽ nhận ngay thiết kế cá nhân hóa cùng gợi ý sản phẩm trang trí.
Thay đổi nhưng không thể thay thế
Ông Khổng Đức Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giáo dục NESA nhận định, sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật là xu hướng tất yếu gắn liền với bước tiến của nền văn minh nhân loại. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp, từ máy hơi nước, điện năng, máy tính cho đến AI đều không làm mất công việc của con người mà ngược lại, tạo ra nhiều cơ hội hơn, nâng cao năng suất và chất lượng sống cho chúng ta.
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, AI sẽ đóng vai trò ngày càng lớn. Dù không thể thay thế hoàn toàn KTS, vì cảm xúc, sáng tạo và sự tinh tế là điều công nghệ chưa thể làm được, nhưng AI chắc chắn sẽ thay thế nhiều bước trong quy trình, thậm chí có thể đảm nhiệm toàn bộ quá trình quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Sau một thời gian ứng dụng AI vào công việc thiết kế, KTS Mai Hồng Phong cũng cho rằng, AI giống như một cộng sự âm thầm, giúp KTS tiết kiệm thời gian để tập trung cho các công đoạn khác. Tuy nhiên, AI có thể thay đổi phương thức làm việc, nhưng không thể thay thế hoàn toàn con người.
"AI chỉ là công cụ hỗ trợ, còn chiều sâu và giá trị nghệ thuật của công trình vẫn cần sự tinh tế, nhãn quan và cảm xúc của người KTS", KTS Phong chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Long cũng khẳng định, AI không thay thế KTS, mà là sự bổ sung hoàn hảo cho người làm nghề. Tương lai của lĩnh vực kiến trúc không phải là AI hay con người, mà là con người đồng hành với AI cùng tạo ra những không gian sống tốt hơn, thông minh hơn và cá nhân hóa hơn cho mỗi gia đình.

AI không còn chỉ là một công nghệ mang tính hỗ trợ, mà đã trở thành một "trợ lý sáng tạo" đúng nghĩa trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc, nội thất
Cân bằng giữa công nghệ và nghệ thuật kiến trúc
Ông Khổng Đức Dũng cho biết, hiện nay, kiến trúc là lĩnh vực phát triển song hành với tiến trình văn minh hàng ngàn năm. Những công trình đặc biệt ngày nay không thể có được nếu thiếu công nghệ mô phỏng, phần mềm đồ hoạ, thiết kế 3D… Và AI chính là bước tiến tiếp theo, mở rộng khả năng sáng tạo của KTS lên một tầm cao mới.
Theo ông Dũng, AI sẽ không chỉ hỗ trợ mà còn tích hợp sâu vào quy trình làm việc của các KTS, nhà thầu và cả khách hàng. Những ai làm chủ được AI sẽ tăng tốc vượt trội. Ngược lại, ai chậm thích nghi có thể bị đào thải. Vì vậy, việc hiểu và ứng dụng AI ngay từ bây giờ là một lợi thế chiến lược, chứ không chỉ là trào lưu xu hướng nhất thời.
KTS Trần Huy Ánh cho rằng, trong thế giới hiện đại, nghệ thuật và công nghệ không phải là hai lĩnh vực tách biệt, mà đang ngày càng hòa quyện. Thiết kế kiến trúc là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này, công nghệ giúp mở rộng khả năng thực thi, còn nghệ thuật đảm bảo từng công trình đều mang bản sắc, cá tính và cảm xúc của con người.
"Để cân bằng giữa công nghệ và nghệ thuật, người KTS cần sử dụng AI như một công cụ tăng cường sáng tạo chứ không thay thế sáng tạo; phải giữ vai trò chủ đạo trong việc định hình ý tưởng, tinh thần của thiết kế; khai thác AI để thử nghiệm các hình thức mới, nhưng vẫn đảm bảo bản sắc và triết lý thiết kế", ông Ánh nhấn mạnh.