Lào Cai: Hơn 400 hộ dân phải di dời do mưa lớn, nguy cơ sạt lở và ngập úng
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai, đến chiều 24/7, mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở cao khiến 425 hộ dân buộc phải di dời. Toàn tỉnh có 62 ngôi nhà bị ảnh hưởng, gồm 10 nhà sạt lở, 32 nhà ngập nước và nhiều nhà bị tốc mái.
Sơ tán khẩn 69 hộ dân
Rạng sáng 25/7, người dân xã Châu Quế (Lào Cai) tất bật rời nhà đi sơ tán. Họ lặng lẽ dắt díu nhau đến nơi an toàn, mang theo quần áo, chăn mỏng. Trẻ con ngủ gật trên lưng mẹ, người lớn ánh mắt nặng trĩu lo âu khi phía sau là ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh dưới chân ta luy dương vừa xuất hiện vết nứt mới.




Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai được lực lượng chức năng giúp đỡ di chuyển trong đêm nhằm tránh sạt lở đất gây ra.
Ông Lê Quang Đạo, Chủ tịch UBND xã Châu Quế (Lào Cai), cho biết: "Đêm 24/7, sau nhiều giờ mưa lớn, xã đã họp khẩn và kích hoạt toàn bộ lực lượng ứng trực. Đến 8h sáng hôm sau, dù chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng, nhưng nguy cơ từ sạt lở phía sau nhà hai hộ dân đã trở thành dấu hiệu cảnh báo đỏ".
“Không thể chần chừ, ngay trong đêm, chúng tôi sơ tán khẩn cấp 69 hộ dân ở vùng có nguy cơ cao đến trường học, nhà văn hóa hoặc nhà người thân. Mọi người chỉ kịp mang theo vật dụng thiết yếu,” ông Đạo chia sẻ.
Toàn bộ lực lượng công an, quân sự xã, tổ xung kích thôn bản được huy động 100%. Đèn pin, loa tay, bộ đàm hoạt động suốt đêm, các trưởng thôn được giao nhiệm vụ không để sót bất kỳ hộ nào trong khu vực nguy hiểm.
Sẵn sàng ứng phó mọi tình huống
Không chỉ Châu Quế, các xã lân cận như Lương Thịnh và Sơn Lương cũng đang căng mình ứng phó mưa lũ.
Tại Lương Thịnh, đêm 23/7, 70 hộ dân thuộc 13 thôn đã được sơ tán. Theo ông Phạm Anh Đức, Chủ tịch UBND xã, mưa lớn khiến nước tràn vào nhà dân, gây hư hỏng tài sản, thiệt hại 5,9 ha hoa màu, một con trâu bị cuốn trôi. Ngoài ra, 4 cột điện bị đổ, nhiều công tơ điện bị ngập, tường rào trường học sập đổ. Quốc lộ 37 và đường giao thông nông thôn bị sạt lở ta luy dương, tiềm ẩn nguy cơ ách tắc nếu mưa tiếp diễn.
Tại Sơn Lương, mưa lớn kéo dài nhiều ngày. Chính quyền đã chủ động rà soát, cắm biển cảnh báo ven suối, khe ngòi và bố trí lực lượng trực 24/24h. Hơn 100 hộ dân ở vùng nguy cơ cao được vận động sơ tán sớm, không ai ngủ lại trong khu vực nguy hiểm.



Nhiều điểm tiềm ẩn do sạt lở ta luy trong mùa mưa vẫn còn hiện hữu trong mùa mưa.
Ông Phạm Nguyên Bình, Chủ tịch UBND xã Sơn Lương, cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền kỹ, đến từng hộ dân, chỉ rõ hiểm họa và vận động di dời. Bà con đồng thuận vì được truyền thông và cảnh báo từ sớm”.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai, đến chiều 24/7, toàn tỉnh có 425 hộ dân phải di dời. Mưa lớn gây ảnh hưởng đến 62 ngôi nhà (10 nhà sạt lở, 32 nhà ngập, còn lại bị tốc mái), thiệt hại hơn 88 ha cây trồng. Sạt lở xảy ra tại 8 vị trí trên quốc lộ và 77 điểm tại tỉnh lộ, với hơn 7.000 m³ đất đá tràn xuống đường. Một cây cầu bê tông bị sập, nhiều tuyến đường bị ngập, giao thông chia cắt tạm thời. Thiệt hại tài sản ước khoảng 2,9 tỷ đồng.
Dù con số chưa lớn, nhưng cho thấy rõ mức độ nguy hiểm nếu không ứng phó kịp thời. Điều đáng mừng là ý thức phòng chống thiên tai của người dân vùng cao đã được nâng lên. Không còn cảnh “giữ nhà”, nhiều hộ chủ động di dời khi thấy mưa lớn hoặc có dấu hiệu sạt lở. Trường học, hội trường thôn trở thành nơi tạm cư an toàn, lực lượng dân quân, tổ xung kích luôn sát cánh cùng dân. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân và chính quyền, thiệt hại về người được hạn chế tối đa.
Dự báo mưa vẫn còn kéo dài trong những ngày tới. Chính quyền các xã tiếp tục duy trì ứng trực 24/24h, kiểm tra các điểm xung yếu, bổ sung vật tư, nhu yếu phẩm, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.