Văn hóa - Giải Trí

Mạng xã hội phát triển càng khó xử lý xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu

16/04/2025, 20:05

"Quy mô nền tảng mạng xã hội và người dùng lớn như hiện nay, việc giám sát, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả, quyền liên quan là rất khó khăn", Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền Việt Nam nhấn mạnh.

Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện nâng cao nhận thức bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, trọng tâm là trên lĩnh vực âm nhạc tại TP.HCM.

Mạng xã hội phát triển càng khó xử lý xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Cương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả.

Trong đó có chương trình "Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ" và Tọa đàm về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc với chủ đề "Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc" diễn ra ngày 20/4.

Đây cũng là chương trình kỷ niệm ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, dịp để cộng đồng quốc tế cùng nhìn nhận, đánh giá và tôn vinh những thành tựu mà hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) và nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế toàn diện, kinh tế sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới, với âm nhạc, nghệ thuật cũng được xem là một ngành công nghiệp văn hóa trọng yếu.

Hiện nay, sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số đã tạo cơ hội mới cho nghệ sĩ trẻ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc đưa tác phẩm đến công chúng nhanh hơn, hiệu quả hơn và mang lại nhiều giá trị kinh tế hơn.

Tuy nhiên, song hành với đó là những thách thức về xâm phạm bản quyền, sao chép trái phép, thu lợi bất hợp pháp từ nền tảng số.

Mạng xã hội phát triển càng khó xử lý xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu- Ảnh 2.

Ảnh WIPO

Trong hệ thống SHTT, quyền tác giả, quyền liên quan là công cụ pháp lý quan trọng để: Bảo vệ tác phẩm âm nhạc khỏi việc sử dụng trái phép; Đảm bảo thu nhập công bằng cho nghệ sĩ, nhà sản xuất, đơn vị phát hành; Khuyến khích đầu tư vào sáng tạo, sản xuất và phân phối nội dung có bản quyền.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Xây dựng về việc nhiều năm qua, nhiều nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, Trần Thanh Tùng, Giáng Son, Ngọc Thịnh, Bảo Chấn cũng rơi vào tình huống bị xâm phạm quyền lợi tác giả, thậm chí bị vô hiệu hoá quyền quyền tác giả tại các nền tảng mạng xã hội, để bảo vệ quyền lợi cá nhân, tổ chức sở hữu âm nhạc bị xâm phạm thì Luật SHTT cũng như Trung tâm Bảo vệ bản quyền Việt Nam có phương án nào xử lý triệt để các hành vi vi phạm, xâm phạm bản quyền hay không?

Ông Nguyễn Văn Cương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả cho biết, hiện nay có nhiều vụ việc xâm phạm sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đã được các cơ quan công an các cấp thụ lý giải quyết, có vụ việc đang trong quá trình điều tra, xét xử, có vụ việc đã được xét xử hình sự năm 2024 cho thấy việc vi phạm về bản quyền không chỉ được xử lý ở khía cạnh thương lượng, tố tụng dân sự mà còn cả xử lý hình sự.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về quy mô và tác động kinh tế của ngành công nghiệp sáng tạo (CCls) trên toàn cầu cho thấy lĩnh vực này tạo ra khoảng 2,25 nghìn tỷ USD mỗi năm, đóng góp vào nền kinh tế và sử dụng hơn 30 triệu lao động trên toàn thế giới.

Năm 2022, xuất khẩu dịch vụ sáng tạo toàn cầu đạt 1,4 nghìn tỷ USD, tăng 29% so với năm 2017. Đáng chú ý, tổng thu nhập của các nhà sáng tạo toàn cầu tăng 7,6% vào năm 2023, thiết lập kỷ lục mới.

Về mặt pháp lý, về cơ bản đã có quy định khá là cụ thể về chế tài xử lý đối với các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ có thể bị xử lý hình sự hoặc hành chính, cụ thể tại Điều 199, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành quy định: Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, ­­có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định 02 tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đó là: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225) và Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226)

Ông Cương cho biết thêm, về mặt quản lý nhà nước, về thể chế, chế tài đã có khung quy định khá rõ ràng để xử lý cá nhân và tổ chức có hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, với quy mô nền tảng mạng xã hội lớn như hiện nay, quy mô người dùng quá lớn như hiện nay thì việc giám sát, ngăn ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả, quyền liên quan là rất khó khăn.

Do vậy, việc thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội trong việc tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ vẫn là biện pháp căn cơ nhất, bởi chỉ khi nhận thức được thay đổi, thì hành vi mới thay đổi được.

Mặt khác, các tác giả, chủ sở hữu về quyền tác giả, quyền liên quan cần quan tâm hơn nữa đến việc đăng ký chứng nhận quyền tác giả, quyền liên quan (được xem như là biện pháp công bố bản quyền) và quản lý các sản phẩm sáng tạo của mình, nhất là trong việc sử dụng, chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội.

Việt Nam đã tham gia 8 điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan như Công ước Berne, Hiệp ước WCT, WPPT, Marrakesh, Hiệp định TRIPS… và nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP… và đang tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện pháp luật để bắt kịp xu thế mới.