MC Quyền Linh thu thập chứng cứ gửi cơ quan chức năng vì bị gán ghép quảng cáo sữa giả
MC Quyền Linh cho biết thời gian gần đây xuất hiện một số nội dung sai lệch, cố tình gán ghép hình ảnh của anh vào vụ việc gần 573 loại sữa bột giả vừa bị phát hiện và xử lý.
Chiều 16/4, qua trang cá nhân, MC Quyền Linh cho biết thời gian gần đây xuất hiện một số nội dung sai lệch, cố tình gán ghép hình ảnh của anh vào vụ việc gần 573 loại sữa bột giả bị phát hiện và xử lý.
"Hiện tại, tôi hoàn toàn không liên quan đến bất kỳ sản phẩm nào trong vụ việc này. Những thông tin đang lan truyền là sai sự thật", Quyền Linh khẳng định.
Nam MC nói thêm, để bảo vệ uy tín, quyền lợi chính đáng, anh đã thực hiện các bước theo đúng quy định pháp luật như thu thập chứng cứ, lập vi bằng các nội dung sai sự thật để hoàn thiện hồ sơ, gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để được xem xét, xử lý.

Quyền Linh từng quảng cáo cho 2 loại sữa.
Theo Quyền Linh, vào năm 2022, anh từng hợp tác giới thiệu 2 sản phẩm sữa, hợp đồng đã kết thúc từ lâu.
Nam MC cho rằng nhiều đối tượng đã tự ý cắt ghép âm thanh từ các clip cũ để quảng bá sản phẩm thuốc, thực phẩm không rõ nguồn gốc, gây hiểu lầm.
"Từ năm 2023, tôi đã ghim cảnh báo ở đầu trang về việc bị mạo danh quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc. Cũng chính vì lý do đó, tôi đã chủ động ngưng tất cả hợp tác liên quan", anh nhấn mạnh.
"Mong mọi người tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, tránh bị dẫn dắt bởi những nội dung bịa đặt", Quyền Linh chia sẻ.
Hôm 15/4, khán giả cũng thắc mắc rằng anh có quảng cáo các loại sữa giả đang gây xôn xao dư luận hay không.
Bên dưới bài viết trên trang cá nhân, anh khẳng định không liên quan đến 573 loại sữa giả.
Nam MC nhấn mạnh rằng anh là "nạn nhân" trong nhiều năm qua, khi hình ảnh và giọng nói của anh từ các chương trình truyền hình bị nhiều nhãn hàng lấy trái phép, cắt ghép để quảng cáo sản phẩm, gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng.

MC Quyền Linh.
Cùng lời giải thích trên, Quyền Linh cũng đăng ảnh chụp màn hình một bài viết của anh từ tháng 2/2023.
Trong bài đăng, nam MC nêu rõ: "Tôi chưa bao giờ ký hợp đồng quảng cáo cho bất kỳ loại thuốc xương khớp, ung thư, gan thận, trĩ, hạ đường huyết, hôi nách, yếu sinh lý, nhỏ mắt hay các loại thuốc của bà Sáu, bà Bảy nào đó và đặc biệt loại thuốc tiểu đường nguy hiểm.
Họ có thể ghép hình ảnh, tiếng nói của tôi từ các chương trình sức khỏe của đài truyền hình. Hoặc tôi quảng cáo một sản phẩm có xác nhận uy tín đàng hoàng, họ sử dụng hình ảnh đó nhưng thay bằng loại thuốc của họ, lồng ghép thêm công dụng.
Chúng tôi vẫn đang thu thập tất cả bằng chứng liên quan để đưa họ ra luật pháp. Tuy nhiên, hành trình đưa họ ra ánh sáng cũng phức tạp".
Ngày 11/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) công bố triệt phá vụ án sản xuất và buôn bán sữa giả quy mô lớn, liên quan đến Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group tại Hà Nội.
Hai công ty bị cáo buộc sản xuất gần 573 nhãn hiệu sữa giả dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai, gây hoang mang dư luận.
Ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) gửi văn bản đến Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cùng Cục Văn hóa cơ sở, đề nghị phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm.
Cục yêu cầu kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo vi phạm trên mạng xã hội, đặc biệt liên quan đến người nổi tiếng và báo cáo kết quả để tổng hợp.