Ngành dệt may "dùng" 90 ngày vàng hoãn thuế để tái cấu trúc sản xuất
Các doanh nghiệp dệt may đã "dùng" 90 ngày vàng Mỹ hoãn thuế đối ứng để tái cấu trúc sản xuất, chuẩn bị thích ứng với biến động thương mại toàn cầu ra sao?
Đầu tư mạnh mẽ công nghệ sản xuất xanh
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam TP.HCM cho rằng, để vượt qua những thách thức, biến động, doanh nghiệp dệt may cần tập trung liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, tự động hóa và xanh hóa sản xuất.
Theo đó, ngành dệt may cần chuyển từ tăng trưởng nhanh sang phát triển bền vững đến năm 2030; từ năm 2031 - 2035 sẽ tiến tới phát triển hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tham gia vào các mắt xích có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành dệt may đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ sản xuất xanh. Ảnh Kim Oanh.
Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết: Quý I/2025 kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan với doanh thu hợp nhất 4.417 tỷ đồng, lợi nhuận 271 tỷ ( tăng 165,5% so với cùng kỳ). Trong đó, 35% doanh thu xuất khẩu của Vinatex đến từ thị trường Mỹ.
Năm 2024, ngành Dệt may Việt Nam đã xuất khẩu gần 44 tỷ USD hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu lên 104 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trước bối cảnh thị trường xuất khẩu lớn này có nguy cơ bị đánh thuế đối ứng cao, Vinatex đã chỉ đạo các doanh nghiệp trong tập đoàn áp dụng một số giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh như: Phân kỳ đầu tư từng phần, từng công đoạn, ưu tiên lựa chọn các công đoạn mang lại hiệu quả cao, giảm sử dụng lao động, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, lựa chọn đơn vị đầu tàu có tiềm lực mạnh làm mẫu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các thương hiệu lớn, tham gia chuỗi cung ứng của các hãng yêu cầu ESG (môi trường - xã hội - quản trị), nhận hỗ trợ kỹ thuật – tài chính; đào tạo và phát triển nhân lực trong cả lĩnh vực xanh – số...
"Đồng thời, xây dựng lộ trình số hóa rõ ràng từ chuyển đổi từng phần đến chuyển đổi tổng thể; tăng kết nối và quản lý toàn bộ tài nguyên của doanh nghiệp, từ nhân lực, tài chính, vật tư đến khách hàng và các bộ phận khác; giám sát, điều khiển và tối ưu hóa các hoạt động sản xuất tại mặt bằng nhà máy bằng AI; dạng hóa nguồn tài chính xanh với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế", ông Hiếu nói.
Xây dựng thương hiệu Việt - làm chủ thị trường
Năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu đạt 47- 48 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Hiện có khoảng 3.500 dự án FDI trong lĩnh vực dệt may với tổng vốn trên 37 tỷ USD, đóng góp khoảng 65% kim ngạch toàn ngành.
Các chuyên gia cho rằng, để trụ vững sau các cú sốc từ bên ngoài và khẳng định vị thế dài hạn, doanh nghiệp dệt may không thể tiếp tục vận hành theo mô hình gia công truyền thống. Thay vào đó, cần làm chủ thương hiệu, đăng ký bản quyền, phát triển nhãn hiệu hàng Việt tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và xem đây là một chiến lược.
Việc xây dựng thương hiệu "Made in Vietnam" một cách bài bản và có chiều sâu là chiến lược bắt buộc. Cùng với đó, cần xúc tiến đàm phán với phía Mỹ một cơ chế "đối tác tin cậy", cho phép miễn trừ thuế đối với các doanh nghiệp Việt có chuỗi cung ứng minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn ESG.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xác định việc đầu tư vào tiêu chuẩn ESG và chuyển đổi chuỗi cung ứng theo hướng xanh không chỉ là xu thế, mà sẽ trở thành "giấy thông hành" giúp doanh nghiệp giữ chân đối tác lớn, vượt qua các rào cản kỹ thuật và thuế quan ngày càng nghiêm ngặt.
Doanh nghiệp Việt buộc phải thay đổi tư duy sản xuất, từ chi phí thấp sang tạo giá trị cao. Xây dựng thương hiệu Việt Nam một cách bài bản, có chiến lược dài hạn. Từng bước làm chủ cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.
Đồng quan điểm trên, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết thêm, các doanh nghiệp cần giải quyết ba trụ cột chiến lược là đa dạng hóa toàn diện, làm chủ công nghệ và thích ứng chính sách thuế quan. Cùng với đó là làm chủ các kênh phân phối hiện đại. Nếu không chủ động, ngành dệt may Việt sẽ bị gạt ra ngoài cuộc chơi.
Linh hoạt các giải pháp ứng phó
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek) cho biết, thị trường Mỹ chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Do vậy, bất kỳ biến động chính sách nào từ thị trường này đều tác động đến toàn ngành. Nếu mức thuế đối ứng được thực thi lên tới 46% thì sẽ là "cú đánh" tới toàn ngành, bởi biên lợi nhuận trung bình hiện nay chỉ dao động 5-12%. Ước tính, nếu mức thuế cao được áp dụng, ngành dệt may có thể mất 20 - 30% đơn hàng từ thị trường Mỹ.
Không những thế, thị trường châu Âu đang siết chặt tiêu chuẩn đối với các sản phẩm tái chế và thân thiện với môi trường. Đây cũng vừa là áp lực, vừa là động lực để doanh nghiệp trong nước chủ động nâng cấp năng lực sản xuất và củng cố liên kết chuỗi.
Nhiều chuyên gia khẳng định, ngành dệt may không thể tiếp tục vận hành theo mô hình gia công truyền thống. Thay vào đó, cần làm chủ thương hiệu, phát triển nhãn hiệu hàng Việt tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và xem đây là một chiến lược quốc gia.
Ông Vũ Đức Giang cho rằng, hiện 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và có thể tăng lên 22 trong thời gian tới. Nền tảng pháp lý này sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường theo hướng bền vững, ít bị chi phối bởi biến động địa chính trị.
VITAS xác định trụ cột trong chiến lược xuất khẩu năm 2025 sẽ tập trung vào các thị trường trọng điểm như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Belarus và ASEAN và nội địa.