Thời sự

Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục

01/07/2025, 11:27

Nhiều “siêu phường” sau sáp nhập tại Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai... vận hành trung tâm hành chính công. Người dân đến đông, phát sinh áp lực hồ sơ, nhầm lẫn chức năng, nhưng cán bộ làm việc nghiêm túc, nhịp nhàng.

Lào Cai: Trụ sở hành chính sáng đèn từ 6h30...

Từ sáng sớm 1/7, tại trụ sở hành chính mới của xã Việt Hồng tỉnh Lào Cai, không khí đã rộn ràng. Đó là ngày đầu tiên chính quyền địa phương vận hành theo mô hình hai cấp, sau khi ba xã sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới.

Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 1.
Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 2.
Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 3.
Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 4.

Người dân phấn khởi đến xã Việt Cường, tỉnh Lào Cai giải quyết thủ tục hành chính.

Không cờ hoa, không khẩu hiệu rình rang, nhưng từng bước chân, từng thao tác chỉnh sửa máy tính, từng lượt người dân đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công đều mang theo một cảm xúc đặc biệt: Hào hứng, hy vọng và một chút hồi hộp trước sự thay đổi lớn.

Ông Nguyễn Tiến Triển, Chủ tịch UBND xã Việt Cường cho biết, ngay trong ngày đầu tiên, toàn bộ cán bộ đã có mặt từ 6h30 sáng để rà soát máy móc, phần mềm, kiểm tra lại danh mục thủ tục hành chính và chuẩn bị đầy đủ bàn làm việc.

“Chúng tôi tiếp tục hoàn thiện các hạng mục hạ tầng như đường nội khu, nhà tiếp dân, hệ thống biển bảng để đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho cán bộ, cũng như tạo thuận lợi cho người dân đến giải quyết thủ tục” ông Triển nói.

Thái Nguyên: 100% xã ổn định bộ máy

Tại xã Tân Khánh (xã mới thành lập từ sáp nhập 3 xã Bàn Đạt, Đào Xá và Tân Khánh cũ của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), không khí làm việc diễn ra nghiêm túc. 

Ở trụ sở Trung tâm hành chính công của xã Tân Khánh, nhiều công dân đến thực hiện thủ tục hành chính ngay từ sớm. Ông Vũ Quốc Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hữu Sơn, đang làm thủ tục tại đây chia sẻ: "Sau khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính ngay tại xã, giảm đáng kể thời gian, chi phí".

Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 5.

Người dân xã Tân Khánh, tỉnh Thái Nguyên đến làm thủ tục rất đông ngay từ ngày đầu thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp.

Theo bà Trần Thị Tuyên, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh, xã đặc biệt chú trọng lựa chọn cán bộ cho Trung tâm hành chính công, ưu tiên những người có kinh nghiệm, kỹ năng, đồng thời đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, nhất là hệ thống viễn thông. 

"Đường truyền mạng nếu kém sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công việc nên chúng tôi phối hợp đơn vị viễn thông cử một cán bộ thường trực tại cơ quan để kịp thời xử lý mọi sự cố kỹ thuật phát sinh", bà Tuyên nói.

Không chỉ có xã Tân Khánh, việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đang được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh Thái Nguyên. Các xã sau sắp xếp đã nhanh chóng ổn định tổ chức, đưa Trung tâm hành chính công đi vào hoạt động hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. 

Theo Sở Nội vụ Thái Nguyên, đến hết ngày 1/7, 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đã bố trí xong đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Phường Nông Tiến (Tuyên Quang): Giải quyết thủ tục nhanh gọn

Ngày 1/7, cùng nhiều địa phương trên cả nước, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) bước vào ngày làm việc đầu tiên theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Ghi nhận tại Trung tâm hành chính công đặt tại trụ sở UBND phường, nhiều người dân đến thực hiện thủ tục từ sáng sớm. Tuy nhiên, lượng giao dịch ở mức bình thường, không xảy ra tình trạng quá tải.

Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 6.

Người dân làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công.

Bà Ma Thị Hồng, chuyên viên lĩnh vực tài nguyên môi trường cho biết, khối lượng công việc sẽ tăng, nhưng toàn thể cán bộ quyết tâm phục vụ người dân hiệu quả, thông suốt.

Theo ông Nguyễn Thế Anh, Phó giám đốc Trung tâm hành chính công, đơn vị đã xây dựng quy chế, phân công cụ thể cho từng cán bộ. Dù là phường mới, các thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết thuận lợi, giúp giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ.

Bà Nguyễn Thị Tâm (xóm Tràng Đà 6) cho hay, bà hài lòng khi thủ tục được giải quyết nhanh gọn, trung tâm bố trí hợp lý, hiện đại, có khu vực chờ và đội ngũ cán bộ nhiệt tình, chuyên nghiệp.

Phường Nông Tiến được thành lập trên cơ sở hợp nhất phường Nông Tiến, xã Tràng Đà và thôn Chanh 1 (xã Thái Bình), có diện tích gần 27 km², dân số hơn 15.000 người. Việc sắp xếp đơn vị hành chính kỳ vọng tạo thêm không gian phát triển mới cho địa phương và tỉnh Tuyên Quang.

Hà Tĩnh: Cán bộ tiếp dân nghiêm túc, công việc nhịp nhàng

Sáng 1/7, Trung tâm Hành chính công phường Thành Sen – đơn vị hành chính công 2 cấp đầu tiên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chính thức hoạt động. Trong ngày đầu tiên, trung tâm ghi nhận lượng người đến giao dịch khá đông, chủ yếu là thực hiện thủ tục liên quan lĩnh vực đất đai.

Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 7.

Trung tâm Hành chính công phường Thành Sen đóng tại số 11 đường Nguyễn Công Trứ.

Trung tâm Hành chính công Thành Sen tại số 11 đường Nguyễn Công Trứ (Hà Tĩnh) là nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cấp xã và một số lĩnh vực cấp huyện. Theo ghi nhận, phần mềm xử lý hồ sơ được vận hành tốt. Cán bộ tiếp dân thực hiện nghiêm túc, quy trình tiếp nhận xử lý hồ sơ được triển khai nhịp nhàng.

Chị Nguyễn Thị Huế chia sẻ: “Tôi đến làm thủ tục về tư pháp. Các cán bộ trực ở đây đều hướng dẫn, giải thích đầy đủ để hoàn thiện giấy tờ. Mặc dù người dân đến khá đông, mọi việc được xử lý khá trật tự”.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Hành chính công phường Thành Sen, lãnh đạo các cấp rất quan tâm, cán bộ tại trung tâm cũng làm việc trách nhiệm. Tuy nhiên, do ngày đầu triển khai, lại đúng thời điểm sau khi sáp nhập 9 xã, phường trên địa bàn, lượng người đến khá đông, gây áp lực tại các quầy giao dịch.

Một trong những bất cập trong ngày đầu là nhiều người dân ở phường, xã mới sáp nhập tưởng nhầm đây là Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh nên tìm đến giải quyết thủ tục. Sau khi được cán bộ giải thích, người dân quay về các trung tâm hành chính cấp xã/phường theo đúng thẩm quyền, gây mất thời gian đi lại.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thanh Hải, cơ quan thuế chưa bố trí cán bộ trực tại trung tâm, trong khi đây là nhóm thủ tục được nhiều người dân quan tâm. Do đó, không ít trường hợp phải quay lại cơ quan thuế để được hướng dẫn cụ thể.

Nhằm giảm tải áp lực, thời gian tới, Trung tâm Hành chính công phường Thành Sen sẽ bổ sung quầy giao dịch, đồng thời tiếp tục tuyên truyền để người dân nắm rõ thông tin, tránh nhầm lẫn khi đến làm thủ tục.

Tại Trung tâm hành chính công xã Lộc Hà (Hà Tĩnh), từ sáng sớm, hàng trăm người dân đến làm thủ tục, tập trung nhiều ở các lĩnh vực như khai sinh, chuyển đổi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Cách tổ chức bài bản, phục vụ tận tình và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân thuận tiện, dù vẫn còn một số lỗi kỹ thuật trong ngày đầu vận hành.

Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 8.

Người dân làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công xã Lộc Hà.

Chị Nguyễn Thị Hoài Thương (xã Lộc Hà) chia sẻ: "Trước đây phải đi lại nhiều lần giữa các cơ quan huyện, nay làm giấy tờ đất ngay tại xã, nhanh chóng, được hướng dẫn rõ ràng. Tôi thấy chính quyền đang thay đổi để phục vụ dân tốt hơn".

Theo ông Trần Công Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm, một số lỗi hệ thống và việc phân cấp tài khoản trên cổng dịch vụ công chưa hoàn thiện đã gây trở ngại trong tiếp nhận hồ sơ. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ mới điều chuyển sau sáp nhập đang làm quen quy trình, phần mềm.

Dù vậy, các bộ phận đã nhanh chóng điều chỉnh, khắc phục để không làm gián đoạn quá trình giao dịch. Theo anh Trần Đình Hội – cán bộ Trung tâm xã Mai Phụ, hiện các danh mục thủ tục đã được cập nhật, bước đầu hoạt động ổn định, chủ yếu tiếp nhận hồ sơ đất đai và khai sinh.

“Siêu phường” ở Thanh Hóa quá tải

Sau khi thành lập, phường Hạc Thành có diện tích tự nhiên hơn 24km2 với quy mô dân số lớn nhất tỉnh Thanh Hoá (trên 190.000 người). Đây được xem là "siêu phường" khi tiếp quản Trung tâm hành chính hiện đại của UBND TP Thanh Hóa (cũ) có diện tích hơn 42.000 m2, tổng vốn đầu tư trên 650 tỷ đồng.

Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 9.

Lực lượng công an phường hỗ trợ giúp người dân trong ngày đầu triển khai chính quyền 2 cấp tại phường Hạc Thành.

Sáng nay, người dân đến trung tâm hành chính công phường Hạc Thành từ sớm làm các thủ tục, hồ sơ rất nhiều. Để hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp, phường Hạc Thành huy động thêm lực lượng công an, tình nguyện viên tham gia hướng dẫn làm các thủ tục.

Bà Nguyễn Thị Lập (SN 1959) cho hay, khi mang hồ sơ đến, địa chỉ vẫn để tên phường cũ. Cán bộ trung tâm hướng dẫn phải về làm lại, ghi địa chỉ mới đúng quy định mới được tiếp nhận hồ sơ.

Ông Hoàng Đình Hùng, Phó giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hạc Thành thông tin, khi chưa sáp nhập, có 10 điểm giao dịch. Sau sáp nhập, chỉ có 1 điểm giao dịch nên lượng hồ sơ rất lớn. Để phục vụ gần 200.000 người, cán bộ, nhân viên sẽ phải cố gắng, nghiên cứu các quy định pháp luật, hướng dẫn cho người dân, tránh ùn tắc trong giao dịch, nhập hệ thống.

Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 10.

Trung tâm hành chính công phường Thành Vinh cũng đông người dân đến giao dịch.

Phường Thành Vinh (Nghệ An): Triển khai khoa học, công việc thông suốt

Phường Thành Vinh (Nghệ An) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 phường và 1 xã của TP Vinh cũ. 7h30 sáng, hàng trăm người dân đến Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thành Vinh làm thủ tục hành chính, khiến các sảnh chờ chật kín người. Nhờ tổ chức, triển khai khoa học, công việc thông suốt, không ùn ứ, ách tắc.

Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 11.

Người dân chờ đến lượt để làm thủ tục tại Trung tâm HCC Thành Vinh.

Để hỗ trợ, phường đã bố trí thêm cán bộ phường hướng dẫn người dân chọn mục thủ tục trước khi bấm lấy số thứ tự trên máy. Ngoài ra, bưu điện và VNPT tỉnh Nghệ An cũng bố trí nhiều cán bộ, thiết bị máy móc hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính online.

Ông Lương Văn Trung (72 tuổi) chia sẻ, biết hôm nay là ngày đầu tiên phường mới làm việc nên ông cũng lo cán bộ phải họp hành, triển khai công việc. Thế nhưng, 7h có mặt ở đây, ông đã thấy cán bộ ngồi vào bục làm việc, giải quyết thủ tục cho người dân.

Đà Nẵng: Ưu tiên vấn đề cấp bách của dân

Tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hòa Khánh (TP Đà Nẵng) sáng 1/7, trong ngày đầu triển khai mô hình chính quyền hai cấp, khá đông người dân đến làm thủ tục hành chính. Để phục vụ cho người dân, hạn chế ùn ứ, gián đoạn hồ sơ, phường Hoà Khánh bố trí cán bộ hướng dẫn, huy động lực lượng đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân lấy số thứ tự và thực hiện các thao tác trên thiết bị điện tử. Nhờ đó, quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ diễn ra thông suốt.

Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 12.

Người dân lấy số thứ tự trước khi vào ô tiếp dân làm thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn (trú phường Hòa Khánh) cho hay, sáng nay ông đến làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do không rành sử dụng điện thoại thông minh nên gặp khó khăn trong việc lấy số thứ tự điện tử. Ngay khi được nhờ, cán bộ phường Hòa Khánh hỗ trợ ông Tuấn lấy số, nhập dữ liệu... Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ phường, ông Tuấn nhanh chóng vào ô tiếp dân để nộp hồ sơ.

Theo ông Trần Văn Thể, Phó giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hòa Khánh, trung tâm bố trí bảy quầy tiếp nhận hồ sơ, trong đó có hai quầy của Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, còn lại là các thủ tục hành chính cấp phường. Do ngày đầu tiếp nhận toàn bộ hồ sơ hành chính từ quận chuyển về, lượng người dân đến làm thủ tục rất đông. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo từ trước, mọi việc diễn ra suôn sẻ.

Ông Thể cho biết thêm, hiện nay phường ưu tiên giải quyết trong ngày đối với các thủ tục thiết yếu như khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân… để tránh gián đoạn, gây phiền hà cho người dân.

Đến nay, Đà Nẵng hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính áp dụng trên địa bàn thành phố và cập nhật, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; điều chỉnh quy trình nội bộ, quy trình điện tử, dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn từ ngày 1/7.

Sau sắp xếp, TP Đà Nẵng mới có 94 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 23 phường, 70 xã và đặc khu Hoàng Sa.

Bộ phận một cửa Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng sáng cùng ngày cũng đón rất đông người dân. Theo ghi nhận, thủ tục hành chính tại đây được triển khai thông suốt, người dân không mất nhiều thời gian chờ đợi. Cán bộ hướng dẫn người dân các thao tác lấy số thứ tự điện tử rồi vào ngồi chờ đến lượt làm thủ tục.

Để phục vụ hoạt động công vụ, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công để chuẩn bị triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Đà Nẵng đã cập nhật cơ sở dữ liệu hơn 2.000 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành và các phường, xã trên địa bàn lên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm bảo đảm cho việc đồng bộ, liên thông, không gián đoạn thông tin, dữ liệu.

Quảng Ngãi: Luôn tay tiếp nhận hồ sơ ở xã đông dân nhất tỉnh

Sáng 1/7, tại xã Bình Sơn – xã đông dân nhất của tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập với hơn 89.000 người đã hoàn thành các cuộc họp quan trọng, ban hành các văn bản liên quan công tác tổ chức và cán bộ, quy chế làm việc. Bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục đối với người dân và doanh nghiệp tập trung cao độ, "luôn tay" tiếp nhận hồ sơ, không nghỉ. Ghi nhận trong buổi sáng, công tác hành chính tại đây được vận hành ổn định.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn Võ Văn Đồng cho biết, trong chiều nay, địa phương sẽ công bố tất cả quyết định về tổ chức và cán bộ, đồng thời tập trung xử lý hành chính, hồ sơ cho người dân, tổ chức liên quan.

Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 13.

Đông đảo người dân đến Trung tâm phục vụ hành chính công phường Cẩm Thành giao dịch ngày 1/7.

Tại phường Cẩm Thành - phường trung tâm của tỉnh Quảng Ngãi, đội ngũ cán bộ làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công đến nhiệm sở rất sớm, tập trung hiệu chỉnh thiết bị, rà soát tài liệu và vị trí đón tiếp để sẵn sàng phục vụ những người dân đầu tiên đến phường giải quyết thủ tục hành chính.

Chủ tịch UBND phường Cẩm Thành Nguyễn Văn Hưng cho hay, để công tác phục vụ người dân được hiệu quả nhất, địa phương chủ động chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng, công khai và niêm yết các bộ thủ tục, quy trình giải quyết liên quan.

"Chúng tôi cũng yêu cầu các bộ phận, công chức được phân công lĩnh vực rà soát, cập nhật ngay quy định thuộc lĩnh vực phụ trách, đặc biệt là các lĩnh vực quan trọng như xây dựng, đất đai, giao thông… cần thiết thì tham vấn chuyên môn cơ quan cấp tỉnh để kịp thời giải quyết các thủ tục mới được phân cấp đảm bảo kịp thời, hiệu quả", ông Hưng cho hay.

Ngày đầu làm việc chính thức, HĐND phường Nghĩa Lộ đã tổ chức kỳ họp thứ nhất. Đồng thời, bộ phận một cửa thuộc Trung tâm phục vụ hành chính công phường đã đón và tiếp nhận khá nhiều người dân đến tham quan, nộp hồ sơ.

Chủ tịch UBND phường Nghĩa Lộ Trần Đình Trường nói, toàn thể cán bộ, công chức phường đã sẵn sàng bắt tay vào công việc với tâm thế vui tươi, đầy năng lượng.

Theo Chủ tịch UBND xã Thiện Tín Phạm Quốc Vương, trong buổi đầu làm việc, người dân đến Trung tâm hành chính công xã rất đông, cán bộ tiếp nhận làm việc luôn tay, không nghỉ

Đồng Nai: Ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp ở "siêu phường" 200.000 dân

Phường Trấn Biên được xem là "siêu phường" của Đồng Nai với quy mô dân số gần 200.000 người. Từ sáng sớm 1/7, người dân đến liên hệ làm các thủ tục hành chính đông hơn thường lệ. Khu vực làm thủ tục đất đai, cấp giấy phép xây dựng, hộ tịch… được bố trí gọn gàng, có hướng dẫn để người dân giải quyết thủ tục thuận lợi.

Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 14.

Lãnh đạo phường quan tâm hỏi thăm, lắng nghe chia sẻ từ người dân đến làm hồ sơ.

Theo Bí thư Đảng ủy phường Trấn Biên Hồ Văn Nam, Trấn Biên xác định là phường trung tâm, nên việc lựa chọn địa điểm, bố trí cơ sở vật chất, cán bộ nhân sự, chuyên môn cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân. Về lâu dài, phường tiếp tục nâng cấp địa điểm làm việc, trình độ chuyên môn cán bộ để phục vụ người dân tốt hơn.

Qua quan sát, người dân đến liên hệ đều được các tổ tư vấn, bộ phận bưu điện hướng dẫn cẩn thận, tạo sự thuận lợi. Nhiều thủ tục được thực hiện trên nền dịch vụ công liên thông, phi địa giới hành chính, giúp rút ngắn thời gian, giảm chi phí đi lại.

Các quầy giải quyết hồ sơ đất đai số lượng người dân đến rất đông. Cán bộ địa chính cho biết đã chuẩn bị trước nhiều biểu mẫu, hồ sơ tham chiếu để hướng dẫn bà con chuẩn chỉnh hơn.

Trong ngày đầu, nhiều hồ sơ liên quan đất đai, phần lớn xác nhận quy hoạch, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng…, đều được xử lý ổn, không bị tắc nghẽn.

Video: Ngày đầu hoạt động chính quyền hai cấp tại "siêu phường" ở Đồng Nai

Người dân Tây Ninh hài lòng

Ghi nhận 8h sáng nay tại UBND phường Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh (mới), bộ phận tiếp công dân đã hoạt động, phục vụ người dân tới làm thủ tục hành chính.

Khoảng 7h30, ông Nguyễn Hoàng Hải đến UBND phường làm thủ tục về đất đai. Ông Hải cho hay, nhiều cán bộ đến trụ sở sớm để ổn định vị trí và bắt tay vào công việc. Người dân cũng không gặp khó khăn trong việc liên hệ làm thủ tục hành chính…

"Hôm nay, tôi đến UBND phường từ 7h30 sáng đã thấy cán bộ, viên chức có mặt đầy đủ. Mọi thủ tục hành chính diễn ra bình thường như mọi ngày. Các thủ tục được giải quyết nhanh chóng, cán bộ hướng dẫn tận tình và quy trình gọn nhẹ", bà Hồ Thị Thu - người dân đến phường làm thủ tục - chia sẻ.

Ngày đầu vận hành, các "siêu phường xã", đông người dân làm thủ tục- Ảnh 15.

Một người dân đang làm thủ tục tại trung tâm hành chính công tại phường Trảng Bàng, Tây Ninh.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày đầu vận hành chính thức mô hình chính quyền hai cấp, không khí làm việc ở phường Trảng Bàng khá nhộn nhịp. Ngay từ sáng sớm, cán bộ, công chức đã có mặt để bố trí nơi tiếp dân, bàn hướng dẫn đón tiếp dân. Các khu tiếp nhận hồ sơ gồm địa chính – xây dựng, văn hoá – xã hội, trả kết quả và kinh tế – tài chính được bố trí khoa học nhằm đảm bảo người dân đến giao dịch được thông suốt.

Trước đó, cán bộ, nhân viên đã được tập huấn chu đáo để phục vụ người dân tốt hơn. Lãnh đạo phường, xã cũng xác định nhiệm vụ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng nhất.