Nghề gốm trải qua 4 thế kỷ ở Quảng Ngãi được công nhận di sản văn hóa phi vật thể
Nghề gốm Mỹ Thiện ở Quảng Ngãi bên dòng sông Châu Ổ trải qua 4 thể kỷ tồn tại vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 14/7, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch vừa công nhận nghề gốm Mỹ Thiện (Châu Ổ, Bình Sơn) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề gốm Mỹ Thiện vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, nghề gốm Mỹ Thiện được xếp vào loại hình “Nghề thủ công truyền thống” và chính thức trở thành một phần trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời, gắn liền với đời sống văn hóa và sinh kế của người dân địa phương.
Việc công nhận này không chỉ ghi nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của làng nghề mà còn mở ra cơ hội phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch và kinh tế cộng đồng.
Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao UBND tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan quản lý văn hóa của tỉnh, cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị của di sản theo đúng quy định pháp luật về di sản văn hóa.
Nghề gốm Mỹ Thiện được hình thành từ thế kỷ XVII, nổi bật với các sản phẩm gốm gia dụng, gốm thờ cúng và vật liệu xây dựng truyền thống, được chế tác hoàn toàn thủ công bằng tay, nung bằng lò củi, thể hiện kỹ thuật tinh xảo và bản sắc riêng biệt của vùng đất Quảng Ngãi. Việc nghề gốm này được công nhận là di sản quốc gia một lần nữa khẳng định vai trò của văn hóa truyền thống trong phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc dân tộc.