Những dự án giao thông tạo động lực cho Cà Mau mới bứt phá
Nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm đã và đang triển khai như: Cao tốc, cảng hàng không, cầu Gành Hào, trục Đông - Tây... tạo động lực cho tỉnh Cà Mau mới phát triển.
Việc hợp nhất hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau thành tỉnh Cà Mau (mới) mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh ở vùng cực Nam của Tổ quốc.
Nhiều công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành, cùng các công trình đang được đẩy nhanh tiến độ tạo liên kết chặt chẽ, hoàn chỉnh, thông suốt, tạo nền tảng, động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau.
Hoàn chỉnh hạ tầng, tạo động lực bứt phá
Điển hình là việc thông xe kỹ thuật cầu Gành Hào hồi tháng 4/2025, cầu Sông Ông Đốc và tuyến đường trục Ðông - Tây dài khoảng 67km chạy xuyên ngang quốc lộ 1, tạo thành trục giao thông liên hoàn từ biển Tây (cửa biển Sông Ðốc) sang biển Ðông (cửa biển Gành Hào), tạo điều kiện phát triển mạnh về kinh tế biển.
Cùng với đó là tuyến tránh quốc lộ 1 qua Cà Mau đã được thông xe kỹ thuật vào tháng 12/2023, mở ra không gian đô thị, rút ngắn thời gian di chuyển từ Cần Thơ đi Đất Mũi Cà Mau hơn 30 phút.
Hay như tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành và thông xe vào tháng 12/2025, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau; xây dựng tuyến đường Cà Mau - Ðầm Dơi; mở rộng và cải tạo đường Vàm Ðình - Cái Ðôi Vàm…
Không chỉ vậy, hiện nay người dân ở vùng cực Nam của Tổ quốc đang trông chờ đến ngày khởi công tuyến cao tốc Cà Mau - Ðất Mũi (dự kiến tháng 8/2025) kết nối với cụm cảng biển tổng hợp Hòn Khoai trong tương lai gần, hứa hẹn sẽ là trụ cột phát triển kinh tế biển cho Cà Mau bứt phá, vươn lên.

Trục đường Đông - Tây nối liền hai cửa biển lớn nhất của tỉnh Cà Mau là cửa biển Gành Hào và cửa biển Sông Đốc, mở ra không gian phát triển kinh tế biển, thúc đẩy phát triển du lịch.
Ông Lâm Thành Trung (ngụ xã Tân Thuận, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: "Việc sáp nhập hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau mang ý nghĩa lịch sử, tôi đồng thuận chủ trương này.
Hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông được xây dựng hoàn chỉnh, người dân dần thoát khỏi cảnh qua sông phải lụy đò.
Tôi tin tưởng rằng, lãnh đạo tỉnh mới sẽ có cái nhìn mới, có những định hướng đúng đắn để đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, mạnh và vực dậy tiềm năng kinh tế biển của tỉnh".
Anh Nguyễn Minh Triệu (ngụ xã Gành Hào, tỉnh Cà Mau), đại diện một doanh nghiệp chuyên thu mua tôm chia sẻ: "Ngày nay, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí hàng chục triệu đồng mỗi năm so với đi qua đò, phà như trước đây".
Theo ông Nguyễn Hồ Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, sau chia tách từ tỉnh Minh Hải (1997), cả hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đều có xuất phát điểm thấp.
Tuy nhiên, nhờ tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó, hai địa phương đã vươn lên mạnh mẽ, thu hẹp khoảng cách với khu vực và đang theo kịp đà phát triển chung của cả nước.
"Hiện, nhiều công trình trọng điểm như đường ô tô đến 100% trung tâm xã, các tuyến kết nối liên vùng, cảng biển, sân bay… đang dần hoàn thiện.
Các ngành công nghiệp trọng yếu như điện gió, điện mặt trời, khí - điện - đạm phát triển nhanh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cải thiện", ông Hải nhấn mạnh.

Cầu sông Ông Đốc nối liền quốc lộ 1 với cửa biển Sông Đốc.
Phát triển ba trụ cột kinh tế
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải khẳng định, việc hợp nhất hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, không chỉ đơn thuần là sắp xếp tổ chức bộ máy, mà là bước ngoặt chiến lược nhằm mở rộng không gian phát triển, gia tăng quy mô kinh tế - hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối vùng.
Đây là điều kiện thuận lợi để Cà Mau phát triển mạnh mẽ hơn, đóng vai trò động lực trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau hợp nhất, tỉnh Cà Mau mới tiếp tục khẳng định vị thế là địa phương phát triển nhanh, bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, với ba trụ cột kinh tế (kinh tế biển, thủy sản công nghệ cao và năng lượng tái tạo).
Đặc biệt, tỉnh Cà Mau (mới) đóng vai trò đầu tàu trong phát triển năng lượng tái tạo, với lợi thế nổi bật ở điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và điện sinh khối - ngành kinh tế mũi nhọn trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển bền vững.
"Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên năm 2025 và 2 con số trong giai đoạn 2026-2030; đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng tốc các công trình trọng điểm; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, tăng cường cải cách hành chính để phục vụ nhân dân tốt hơn; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng", ông Hải nhấn mạnh.

Cầu Gành Hào được thông xe kỹ thuật hồi tháng 4/2025 thỏa niềm mong ước của người dân đôi bờ hơn 20 năm qua.
Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh xác định hạ tầng giao thông là nền tảng quan trọng để không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, mà còn đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Ông cho rằng, tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm.
"Hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng hoàn thiện, không chỉ giúp doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế, mà còn là nền tảng cho tỉnh thu hút đầu tư, mở ra không gian phát triển mới, tạo bước đột phá mạnh mẽ", ông Bi nhấn mạnh.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tính đến giữa tháng 6/2025, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 1.800 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, Cà Mau thu hút 7 dự án đầu tư mới với tổng vốn trên 324 tỷ đồng; có 302 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 1.900 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.