Những hiện vật hút khách tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam dịp 30/4
Bốn bảo vật quốc gia cùng những hiện vật lịch sử, ghi dấu khoảnh khắc non sông liền một dải vào ngày 30/4/1975, đang thu hút đông đảo khách tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, đặc biệt vào các ngày cuối tuần.
Bắt đầu từ ngày 11/4, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chính thức thu phí tham quan sau gần 6 tháng mở cửa miễn phí. Dù vậy, ghi nhận trong nhiều ngày liên tiếp cho thấy lượng khách tham quan vẫn duy trì ổn định, với sự gia tăng rõ rệt vào các ngày cuối tuần.
Bảo tàng mở cửa các ngày trong tuần (trừ thứ Hai và thứ Sáu), thời gian buổi sáng từ 8h30 - 11h30, buổi chiều từ 13h - 16h30. Dù thời tiết nắng nóng, ngày cuối tuần, tại khu vực cổng vào, các nhóm học sinh, sinh viên cùng du khách trong và ngoài nước vẫn trật tự xếp hàng mua vé, sẵn sàng khám phá những giá trị lịch sử tại bảo tàng.
Mức phí tham quan được áp dụng là 40.000 đồng/lượt, dành cho công dân Việt Nam và người nước ngoài. Bên cạnh đó, bảo tàng vẫn duy trì các chính sách miễn, giảm giá vé theo quy định. Những trường hợp giảm 50% giá vé: Người khuyết tật nặng; công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên; học sinh, sinh viên từ 16 tuổi trở lên có thẻ do các cơ sở giáo dục cấp. Trường hợp miễn phí vào tham quan là người dưới 16 tuổi; người từ 80 tuổi trở lên; thương binh, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động.
Không gian trưng bày của bảo tàng hiện lưu giữ hơn 150.000 hiện vật có giá trị lịch sử, nổi bật trong đó là bốn bảo vật quốc gia - những biểu tượng tiêu biểu cho cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước: Hai máy bay MIG-21 (số hiệu 4324, 5121); xe tăng T54B số hiệu 843) và bản đồ Quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Một trong những hiện vật gây ấn tượng mạnh là chiếc máy bay MiG-21 F-96, số hiệu 5121, được sản xuất tại Liên Xô, thuộc Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371. Máy bay này đã tham gia bảo vệ vùng trời miền Bắc Việt Nam từ tháng 7/1972 đến tháng 12/1972, bắn rơi 5 máy bay Mỹ, trong đó có một máy bay B-52 do phi công Phạm Tuân bắn rơi vào đêm 27/12/1972.
Chiếc máy bay này được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia tháng 10/2012. Có 3 phi công từng sử dụng chiếc MiG này là: Đinh Tôn, Vũ Đình Rạng, Phạm Tuân. Khoảng 21h ngày 27/12/1972 phi công Phạm Tuân nhận lệnh lái MiG xuất kích từ sân bay Yên Bái. Được sở chỉ huy dẫn đường, đồng chí phát hiện 2 chiếc B-52 ("pháo đài bay" bất khả xâm phạm của không quân Mỹ) và một tốp F-4 hộ tống. Khi còn cách mục tiêu 2-3km, anh bình tĩnh kiểm tra đường ngắm và bắn liền 2 quả tên lửa K13. Khi nhìn thấy một quầng lửa đỏ rực rơi xuống, anh tắt tăng lực bật ngửa máy bay vòng trái xuống độ cao 2.000m và hạ cánh an toàn.
Ngoài ra, chiếc xe tăng T54B số hiệu 843 cũng thu hút sự chú ý của đông đảo khách tham quan. Xe tăng này do Liên Xô sản xuất và thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203. Ngày 30/4/1975, dưới sự chỉ huy của Trung úy Bùi Quang Thận xe tăng 843 tiến về Dinh Độc Lập, bắn cháy 3 xe tăng và bọc thép của địch trên đường đi, húc đổ cổng phụ của Dinh Độc Lập. Từ trên xe Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhảy xuống nhanh chóng chạy lên nóc Dinh Độc Lập cắm lá cờ đỏ sao vàng của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc.
Đây là chiếc xe tăng 390, chiếc xe nối sau xe 843 xông lên húc đổ cổng chính tiến vào Dinh Độc Lập. Đây là đích đến của một hành trình dài với biết bao xương máu của đồng bào, đồng đội. Trưởng xe tăng 390 Vũ Đăng Toàn là người ôm AK chạy theo đồng chí Bùi Quang Thận, chi viện yểm trợ cho đồng đội với tinh thần "dù có hi sinh cũng phải cắm cờ giải phóng".
Bảo vật quốc gia là xe Jeep số hiệu 15770, vốn thuộc Lữ đoàn dù ngụy, bị bộ đội ta thu giữ tại sân bay Đà Nẵng. Chiếc xe này đã được Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 cùng đồng đội sử dụng để tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 và bắt Tổng thống Dương Văn Minh sang Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Trên chiếc xe này, Đại úy Phạm Xuân Thệ và đồng đội đã dùng thân mình làm lá chắn với lời cam kết: "Sài Gòn đã giải phóng, chúng tôi bảo đảm an toàn cho các anh".
Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh, một trong bốn bảo vật quốc gia được trưng bày, cũng thu hút sự chú ý của du khách. Bản đồ được các cán bộ Phòng Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam phối hợp với Bộ Tổng tham mưu trên nền bản đồ miền Nam Việt Nam từ ngày 15/4/1975 đến 21/4/1975, tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đóng tại Tà Thiết, Lộc Ninh, Tây Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Những hình vẽ mũi tên màu đỏ thể hiện mũi tiến công của các cánh quân tiến về Sài Gòn.
"Thật sự xúc động. Mỗi hiện vật ở đây đều mang theo một câu chuyện, không chỉ là hiện vật, mà là cả một ký ức sống động về quá khứ. Nhìn tận mắt, mình mới cảm nhận được rõ ràng sự hy sinh lớn lao của thế hệ đi trước", chị H.N (29 tuổi, Hà Nội) chia sẻ khi chiêm ngưỡng những hiện vật gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc.
Một gia đình mặc áo in dòng chữ "Độc lập - Tự do" chụp ảnh lưu giữ khoảnh khắc ý nghĩa bên bảo vật quốc gia tại bảo tàng trước thềm kỷ niệm 30/4.
Ngoài bốn bảo vật quốc gia, bảo tàng cũng đang trưng bày nhiều hiện vật quý giá, gắn bó trực tiếp với các nhân vật và thời khắc lịch sử trọng đại. Đây là lá cờ được treo tại Bộ Tổng tham mưu ngụy ngày 30/4/1975.
La bàn do Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền sử dụng trong chỉ huy tác chiến là một trong những hiện vật quý giá tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Tham mưu trưởng Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã trực tiếp chỉ đạo và giám sát các hoạt động tác chiến trong chiến dịch lịch sử này. La bàn không chỉ là công cụ hỗ trợ trong việc xác định phương hướng mà còn là biểu tượng cho sự chính xác và quyết đoán trong từng bước đi của chiến dịch.
Máy ghi âm được Cục II - Bộ Tổng tham mưu trang bị cho Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, là hiện vật phản ánh phương tiện tác chiến hiện đại thời bấy giờ. Đại tướng Văn Tiến Dũng đã sử dụng máy ghi âm để thu thập và phân tích thông tin tình báo, góp phần quan trọng trong việc xây dựng chiến lược và chỉ đạo tác chiến trong suốt chiến dịch.
Áo của Thiếu tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4 mặc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, là minh chứng cho sự hy sinh và cống hiến của các chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thiếu tướng Hoàng Cầm đã chỉ huy các lực lượng quân đội trong nhiều trận đánh quan trọng, góp phần vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Bản đồ Sài Gòn, do bà Má Sáu Ngẫu ở Thủ Dầu Một cung cấp cho Trung đoàn 27, Sư đoàn 320, đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tuyến đường từ Lái Thiêu tiến vào Sài Gòn đêm 29/4/1975. Với sự chỉ dẫn chi tiết và cụ thể của tấm bản đồ, Trung đoàn 27 đã có thể tiến vào Sài Gòn một cách nhanh chóng và thuận lợi, góp phần quyết định vào chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam.
Du khách say mê chiêm ngưỡng những hiện vật tại Bảo tàng Lịch sử Quân đội, không chỉ vì giá trị lịch sử mà còn vì những hiện vật này tượng trưng cho tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng độc lập, thống nhất, góp phần bồi đắp lòng tự hào dân tộc.
Nhiều bạn trẻ còn mang theo quốc kỳ để thể hiện niềm tự hào khi check-in cùng các hiện vật lịch sử trước dịp 30/4.
Với không khí trang nghiêm và những hiện vật lịch sử đậm tính giáo dục, Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút đông đảo du khách dịp lễ 30/4. Những câu chuyện được kể qua các hiện vật sẽ luôn sống mãi trong lòng người Việt, góp phần bồi đắp niềm tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ giá trị lịch sử qua các thế hệ.