Giám định chất lượng

Những lưu ý về công nhận thử nghiệm quốc tế khi nhập khẩu thang máy

14/07/2025, 16:14

Nếu thang máy và thiết bị an toàn có chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn tại các phòng thử nghiệm quốc tế được thừa nhận sẽ không cần phải tiến hành thử nghiệm lại tại Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của thang máy và thiết bị an toàn, ông Vũ Tiến Thành, đại diện Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết, theo quy định hiện hành, thang máy nguyên chiếc, các thiết bị an toàn của thang máy quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BLĐTBXH được xem là sản phẩm hoàn chỉnh để kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.

Những lưu ý về công nhận thử nghiệm quốc tế khi nhập khẩu thang máy- Ảnh 1.

Kết quả thử nghiệm thiết bị an toàn thang máy muốn được công nhận quốc tế và ở Việt Nam cần thỏa mãn ba điều kiện.

Theo ông Thành, nếu thang máy nguyên chiếc hoặc các thiết bị này đã được chứng nhận sự phù hợp với các tiêu chuẩn (EN 81 hoặc TCVN 6396) và được thực hiện tại các phòng thử nghiệm, được thừa nhận hoặc chỉ định thì sẽ không cần phải tiến hành thử nghiệm lại.

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Tiến, Tổng thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) nhấn mạnh, không phải phòng thử nghiệm hay kết quả thử nghiệm thiết bị thang máy nào cũng đều có giá trị toàn cầu. Để một kết quả thử nghiệm thiết bị an toàn thang máy được công nhận quốc tế và được thừa nhận tại Việt Nam, cần thỏa mãn ba điều kiện cơ bản.

Thứ nhất, thiết bị an toàn thang máy phải được thử nghiệm phù hợp với TCVN 6396 (EN81) hoặc cao hơn.

Thứ hai, việc thử nghiệm phải được thực hiện tại phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, đây là tiêu chuẩn quốc tế về năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn.

Thứ ba, phòng thử nghiệm phải được công nhận bởi một trong những tổ chức - thành viên của các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau gồm: ILAC-MRA, thỏa thuận công nhận lẫn nhau của Hiệp hội Công nhận phòng thí nghiệm Quốc tế, dành cho các hoạt động như: thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định… và/hoặc IAF MLA, thỏa thuận công nhận đa phương của Diễn đàn Công nhận quốc tế, áp dụng cho các hoạt động chứng nhận hệ thống, sản phẩm và nhân sự.

Ngoài ra, ở cấp độ khu vực, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương còn có APAC-MRA, thỏa thuận công nhận lẫn nhau của Tổ chức Hợp tác công nhận khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).

"Nếu một phòng thử nghiệm được công nhận bởi một tổ chức công nhận tham gia các thỏa thuận ILAC-MRA, IAF MLA phù hợp với Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 thì kết quả thử nghiệm sẽ được công nhận rộng rãi tại hơn 100 quốc gia có ký kết. Đối với thỏa thuận APAC-MRA sẽ được công nhận giữa các thành viên thuộc APAC", ông Tiến cho biết.

Cũng theo ông Tiến, trên cơ sở danh sách đề xuất của doanh nghiệp, VNEA đang tổng hợp danh sách một số tổ chức chứng nhận/thử nghiệm nước ngoài đạt các yêu cầu nêu trên để tham mưu cho Cục Việc làm (Bộ Nội vụ).

Từ đó, cơ quan này sẽ có căn cứ để hướng dẫn các tổ chức chứng nhận trong nước chứng nhận hợp quy thang máy, nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp nhập khẩu thang máy và thiết bị an toàn thang máy.