Nỗi ám ảnh khi môi giới gọi điện “khủng bố” mua nhà đất
Để rao bán nhà đất, nhiều môi giới bất động sản tìm mọi cách tiếp cận khách hàng, nhất là gọi điện thoại mời chào bất kể ngày, đêm. Hành động này khiến không ít người bị làm phiền, “ám ảnh” khi có những cuộc gọi từ số thuê bao lạ.
Bị gọi điện mời mua đất mỗi ngày
Anh Lê Văn Hòa (32 tuổi, TP.HCM) kể, anh từng đi xem nhà một lần tại huyện Bình Chánh năm ngoái. Từ đó đến nay, không hiểu vì sao thông tin của anh bị lộ, tuần nào cũng có vài môi giới gọi hỏi có còn nhu cầu mua đất không. "Có lúc đang họp, có lúc đang ngủ, tôi vẫn bị gọi", anh Hòa nói.
Những tin nhắn quen thuộc như: "Em chào anh/chị! Em đang có lô đất chính chủ giá rẻ khu vực Bình Chánh, pháp lý rõ ràng, ngân hàng hỗ trợ vay 70%…" đến mức anh Hòa không muốn đọc.
Không dừng lại ở đó, mỗi ngày, hàng loạt cuộc gọi điện thoại, zalo lạ, chào mời mua nhà, đất đều đặn xuất hiện như "nỗi ám ảnh".

Nhiều người cảm thấy phiền toái vì các số lạ gọi điện tới mời chào bất động sản, nhà đất hàng ngày.
Trường hợp như anh Hòa không hiếm. Nhiều người dù chưa từng giao dịch bất động sản, chỉ đơn giản là đăng ký sim mới, đăng ký tài khoản mạng xã hội hay app mua sắm cũng có thể trở thành "khách hàng tiềm năng" trong mắt đội ngũ sales.
Chị Nguyễn Thu Trang, 36 tuổi, giáo viên mầm non sống tại quận Gò Vấp (TP.HCM) chi hay, gần 2 tháng nay liên tục bị các số điện thoại lạ gọi đến.
"Lúc đầu, tôi tưởng ai nhầm số. Nhưng không, ngày nào cũng có người tự xưng là môi giới bất động sản hỏi có muốn đầu tư đất nền Long An, Bình Dương không. Có hôm đang họp, tôi phải đứng dậy xin ra ngoài nghe điện thoại vì sợ việc gấp, ai ngờ lại là môi giới", chị Trang nói.
Ban đầu, chị Trang lịch sự từ chối. Nhưng sau đó, tần suất cuộc gọi tăng lên, có cả tin nhắn zalo, facebook từ các tài khoản lạ gửi kèm ảnh dự án, bảng giá, lời mời góp vốn. Đỉnh điểm, có người còn gọi lúc 22h.
"Họ biết cả tên tôi, số điện thoại và nói tôi từng quan tâm đến một dự án đất nền nào đó, trong khi tôi chưa từng để lại thông tin ở đâu cả", chị Trang kể lại.
Dữ liệu cá nhân bị rò rỉ từ đâu?
Thực tế, gọi điện thoại quảng cáo là một trong những kênh bán hàng truyền thống và hiệu quả được nhiều ngành nghề áp dụng, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, nó lại gây phiền toái cho rất nhiều người.
Chị Thanh Hằng, một môi giới bất động sản tại quận 2 (TP.HCM) cho biết, không ít lần bốc máy gọi điện cho "khách hàng" tiềm năng mà chị có được số nhờ tìm kiếm trên mạng, đã bị mắng vì tội làm phiền và lạnh lùng cúp máy. "Mười cuộc, có đến quá nửa bị từ chối thẳng, vài cuộc từ chối khéo, may ra được 1-2 khách hàng đồng ý hẹn gặp", chị Thanh Hằng nói.
Chính vì vẫn có tỷ lệ nhỏ khách hàng được kết nối thông qua những cuộc gọi lạ, nên dù bị "ăn chửi" nhiều lần, chị Thanh Hằng vẫn duy trì sử dụng phương thức này. Chị chia sẻ, chỉ mất từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng, có thể mua được "data khách hàng" tùy chọn trên các hội nhóm mạng xã hội.
Tại một nhóm công khai có tên "Data bất động sản" thu hút gần 11.000 thành viên tham gia trên facebook, nhiều loại dữ liệu thông tin khách hàng về bất động sản, người từng mua các dự án cụ thể… được rao bán từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Một tài khoản có tên "Tina Le" thường xuyên rao bán các loại thông tin dữ liệu bất động sản, doanh nghiệp, du lịch… cho hay, giá các loại dữ liệu chỉ từ 300.000 đồng trở lên. Để tăng độ uy tín, người này sẽ gửi thông tin để khách kiểm tra và thử trước rồi mới trả tiền sau. Đáng nói, không chỉ tên, số điện thoại, mà các dữ liệu này còn có cả email, địa chỉ nhà riêng của nhiều người.
Thực tế, những dữ liệu này đã trở thành một "mặt hàng" không chính thức, được trao đổi, chia sẻ giữa các sàn bất động sản, nhóm bán hàng qua điện thoại. Còn người bị làm phiền gần như không biết và không được quyền từ chối.

Dữ liệu thông tin cá nhân về bất động sản được rao bán trên mạng xã hội.
Cần làm gì khi bị làm phiền quá mức?
Ông Phan Đình Phúc, CEO Seenee cho rằng, những cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo "khủng bố" hàng ngày mời chào bất động sản thường đến từ các bạn sinh viên được thuê để gọi, hoặc những môi giới chưa có kinh nghiệm.
Theo ông Phúc, thông tin dữ liệu đa phần được mua trên mạng và các nguồn tổng hợp. Vì theo dạng "đãi cát tìm vàng", tiềm năng tiếp cận được khách hàng rất thấp.
"Hiện nay, tôi thấy các sàn môi giới lớn làm rất chỉn chu, họ chấp nhận bỏ tiền ra quảng cáo, xây dựng hình ảnh, sàn để bán hàng. Không thực sự khuyến khích, nhưng cũng không bỏ qua cách tiếp cận gọi điện, nhắn tin", ông Phúc nhận định.
Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Phúc, cách tìm khách hàng tốt nhất là xây dựng thương hiệu cá nhân, cá nhân hóa sản phẩm, chia sẻ kiến thức và định vị là người tiêu dùng chủ chốt của phân khúc, sản phẩm, chủ đầu tư… Trong đó, cách tốt nhất hiện nay là làm Media.
Với những sàn giao dịch nhỏ, vẫn chuộng hình thức kết nối bằng gọi điện quảng cáo cũng cần linh động hơn trong cách tư vấn. Quan trọng hơn cả là kỹ năng gọi điện và lựa chọn dữ liệu khách hàng phù hợp. Không nên tiếp cận khách theo hình thức gọi điện một cách đại trà, phải tìm đúng những người thực sự quan tâm.
Một khảo sát mới đây từ Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARS IRE) cho thấy, 89% lực lượng môi giới bất động sản chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ đã hết hiệu lực, trong đó, 51,8% chưa có chứng chỉ và chưa từng qua đào tạo.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, điều này phản ánh thực trạng đáng lo ngại về tính pháp lý hành nghề và cũng đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa đội ngũ, tăng cường đào tạo và minh bạch hóa quy trình tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ.
Việc chuẩn hóa đội ngũ cũng sẽ giúp các nhân sự môi giới đạt chuẩn hơn, tiến tới sử dụng những phương thức tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn, thay vì sử dụng hình thức gọi điện thoại "khủng bố" khách hàng mua nhà đất.
Từ góc độ người bị làm phiền, luật sư Lê Minh Trường (Công ty luật Minh Khuê), cho biết, cá nhân có quyền gửi đơn yêu cầu giải quyết đến cơ quan công an, nơi công ty bất động sản đặt trụ sở, chi nhánh để đảm bảo quyền lợi và yên bình cho cộng đồng.
Theo luật sư Lê Minh Trường, Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác quy định gọi điện thoại quảng cáo được thực hiện một cách chi tiết và cụ thể, nhằm bảo vệ quyền lợi của người sử dụng và giữ gìn tính chính quy của các hoạt động quảng cáo.
Các hành vi vi phạm liên quan tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo chịu những mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Những hành vi này bao gồm: Không ngăn chặn tin nhắn rác giả mạo, không ngừng cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn khi khách hàng yêu cầu; thực hiện quá một cuộc gọi quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 8h đến 17h mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng…