Nữ chuyên gia 5 năm làm cầu cho động vật qua đường
Mỗi năm, hàng trăm triệu động vật bị xe cộ tông chết ở Brazil, quốc gia có phần lớn diện tích rừng rậm lớn nhất thế giới Amazon. Xót xa trước cảnh này, nữ chuyên gia sinh vật học Fernanda Abra đã thành lập dự án làm cầu cho động vật qua đường.
Hơn 475 triệu động vật bị xe tông mỗi năm
Dự án làm cầu cho động vật mang tên Reconecta do bà Fernanda Abra, chuyên gia tại Trung tâm Bảo tồn và Phát triển bền vững Smithsonian khởi xướng vào năm 2021 với mục tiêu dựng cầu giúp cho những loài động vật băng qua đường an toàn.

Nữ chuyên gia sinh vật học Fernanda Abra đã hợp tác với nhiều đối tác địa phương để hoàn thành cầu.
Bà Abre lóe lên ý tưởng từ cách đây vài năm, khi nhìn thấy một chú khỉ Titi Groves, một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, đang đứng chơi vơi ngay bên đường, hoàn toàn có thể bị xe cộ qua lại đâm tử vong.
Trong khi đó, tại Brazil, quốc gia bà sinh sống, mỗi năm có tới hơn 475 triệu động vật bị xe cộ đâm chết.
Quốc gia này cũng sở hữu mạng lưới đường bộ lớn thứ 4 trên thế giới và nhiều tuyến đường đi cắt qua môi trường tự nhiên của sinh vật.
Những số liệu, hình ảnh đáng báo động này đã thôi thúc bà phát triển sáng kiến hỗ trợ bảo tồn những loài động vật trong tự nhiên khỏi nguy hiểm từ hoạt động giao thông của con người.
Để hiện thực hóa mục tiêu dựng những cây cầu cho động vật qua đường, thông qua dự án Reconecta, bà đã hợp tác với nhiều đối tác địa phương, bao gồm người bản địa Waimiri-Atroari sinh sống ở các bang Amazonas và Roraima (Brazil), nơi nằm trong phạm vi của rừng rậm Amazon. Đây là những người hiểu biết sâu rộng về động vật hoang dã trên vùng đất nơi họ sinh sống.
Hiệu quả tích cực
Tính đến đầu năm 2025, dự án Reconecta đã xây dựng hơn 30 lối băng qua tán cây, bắc ngang cao tốc BR-174, tuyến đường dài 3.300km cắt qua rừng rậm Amazon.

Cây cầu do bà Fernanda Abra cùng đội ngũ Smithsonian thực hiện mới hoàn thành.
Mỗi cây cầu đều được trang bị camera để ghi lại hình ảnh những con vật sử dụng hoặc tiếp cận cầu. Dữ liệu camera giúp các nhà nghiên cứu điều chỉnh thiết kế nhằm khuyến khích động vật hoang dã băng qua cầu nhiều hơn.
"Khi xem video những con khỉ sử dụng cây cầu của mình, tôi cảm thấy thật tuyệt vời vì chúng tôi đã giúp những con vật nhỏ bé tránh khỏi nguy cơ gặp nạn trên đường bộ", bà Abra chia sẻ và kỳ vọng loạt công trình này sẽ bảo vệ nhiều loài động vật dễ bị tổn thương, có nguy cơ tuyệt chủng như khỉ Titi Groves, khỉ đuôi sóc Schneider và khỉ nhện Guiana.
Theo các chuyên gia, dự án Reconecta giúp kết nối những mảnh rừng bị chia cắt do cơ sở hạ tầng của con người, mang lại nhiều lợi ích như giúp động vật tiếp cận nhiều nguồn thức ăn, thúc đẩy quá trình giao phối.
Đặt trong bối cảnh quốc gia đang đẩy mạnh phát triển đường bộ như Brazil, dự án lại càng có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn động vật.
Hiện tại, dự án Reconecta của bà Abra đang có kế hoạch xây dựng thêm những công trình tương tự tại Alta Floresta, một thành phố nằm ở phía tây bang Mato Grosso. Tại đây, bà huy động nguồn lực từ cơ quan chức năng và đại diện từ các tổ chức phi lợi nhuận, trường đại học.
Chuyên gia Abra cũng bổ sung thêm nhiều biện pháp an toàn khác, như lắp đặt gờ giảm tốc để làm chậm tốc độ giao thông và biển cảnh báo động vật hoang dã để cảnh báo người lái xe.
"Tôi luôn tự hào về sự đa dạng sinh học của Brazil. Tôi sẽ làm tất cả trong khả năng của mình với tư cách là một người dân, một chuyên gia, một nhà bảo tồn và nhà nghiên cứu để bảo vệ sự đa dạng sinh học phong phú này", bà Abra chia sẻ.
Thực tế, những công trình xây cầu cho động vật tự nhiên băng qua đường đã được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới. Điển hình như tại bang California (Mỹ), một cây cầu vượt được xây dựng trên tuyến đường cao tốc 10 làn xe chạy, dự kiến tạo ra lối đi an toàn cho các loài động vật như sư tử núi, chó sói đồng cỏ và mèo rừng.
Tương tự, đường cao tốc xuyên Canada cắt qua công viên quốc gia Banff của Canada, gây chia cắt môi trường sống. Tuy nhiên, nhờ có hệ thống đường hầm và cầu vượt dành cho động vật hoang dã, số vụ tai nạn giao thông làm chết động vật đã giảm hơn 80%.
Tại đảo Christmas (Australia), cứ vào mỗi mùa thu, 40 - 50 triệu con cua đỏ bò ra khỏi khu rừng để giao phối. Nhằm bảo vệ đàn cua đỏ khỏi những nguy hiểm khi bò qua đường giao thông, công viên quốc gia Đảo Christmas đã xây dựng 31 đường hầm, cũng như cây cầu phục vụ riêng cho những con cua.