Ông Trump thất vọng về tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Nhật Bản
Ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ thất vọng với tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Nhật Bản đồng thời cho rằng việc Nhật Bản miễn cưỡng nhập khẩu gạo của Mỹ là biểu hiện cho thấy các nước đã quen được ưu ái từ Mỹ.
"Tôi rất tôn trọng Nhật Bản, nhưng họ không chịu nhập khẩu gạo của chúng ta, trong khi chính họ lại đang thiếu hụt gạo trầm trọng. Chúng tôi sẽ gửi cho họ một lá thư dù chúng tôi luôn trân trọng việc coi họ là đối tác thương mại suốt nhiều năm qua", hãng tin Reuters dẫn nội dung ông Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự thất vọng với tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Nhật Bản (Ảnh: Reuters).
Trước đó cùng ngày, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Trump cáo buộc Nhật Bản thực hiện hoạt động thương mại trong lĩnh vực ô tô một cách thiếu công bằng với Mỹ.
Đáp lại, trưởng đoàn đàm phán thương mại Nhật Bản Ryosei Akazawa tuyên bố Nhật Bản sẽ tiếp tục làm việc với Mỹ để hướng tới thỏa thuận thương mại song phương đồng thời vẫn bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Ông Akazawa cho hay đã nắm được các phát biểu của ông Trump liên quan tới ngành ô tô, đồng thời cảnh báo tiếp tục áp thuế 25% với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Nhật Bản.
Gần đây, ông Trump xác nhận Chính phủ Mỹ sẽ gửi thư thông báo tới một loạt quốc gia về việc điều chỉnh thuế suất trước ngày 9/7, thời điểm mà các mức thuế tạm thời 10% sẽ hết hiệu lực.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt thông tin ông Trump sẽ họp với nhóm phụ trách thương mại để ấn định mức thuế đối với các quốc gia nếu những nước này không thiện chí bước vào bàn đàm phán với Mỹ.
Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho hay chỉ ông Trump mới là người quyết định liệu có gia hạn các mức thuế tạm thời hay không.
Ông Bessent đồng thời dự đoán một loạt các thỏa thuận thương mại sẽ được Chính phủ Mỹ ký kết với các đối tác ngay trước hạn chót 9/7 dù nhấn mạnh Washington vẫn cần duy trì áp lực với các đối tác đó.
"Có một số quốc gia đàm phán thiện chí. Song họ cần hiểu rằng nếu đàm phán không thể đi đến thỏa thuận cụ thể xuất phát vì sự cứng rắn của họ thì mức thuế có thể quay lại như công bố ngày 2/4. Tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra", ông Bessent cảnh báo.
Ngoài Nhật Bản, một đối tác thương mại chủ chốt khác của Mỹ là Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng đạt thỏa thuận duy trì mức thuế 10% của Mỹ đối với hàng hóa EU.Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin cho hay EU vẫn mong muốn phía Mỹ cam kết giảm thuế trong các lĩnh vực then chốt như dược phẩm, rượu, chất bán dẫn và máy bay thương mại...
Vương quốc Anh trước đó đã đạt được thỏa thuận thương mại theo điều kiện tương tự, chấp nhận mức thuế 10% của Mỹ đối với nhiều mặt hàng, bao gồm ô tô, để đổi lấy quyền tiếp cận đặc biệt đối với động cơ máy bay và thịt bò có nguồn gốc từ Anh.