Phát triển sản phẩm bảo mật phân biệt link lừa đảo qua tin nhắn
VNPT đang hợp tác với doanh nghiệp Séc phát triển sản phẩm bảo mật, giúp người dùng phân biệt đường link giả mạo, tránh bị lừa đảo qua tin nhắn, Zalo, Facebook... Đó là thông tin được cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Séc chiều nay 22/4.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Hưng, Phó giám đốc Công ty phát triển dịch vụ giá trị gia tăng VNPT cho biết: VNPT đang hợp tác với doanh nghiệp Séc về sản phẩm liên quan đến bảo mật với hy vọng sau khi hợp tác thì người dùng tại Việt Nam có thể tiếp cận được công nghệ bảo mật mới nhất. "Ví dụ trong tin nhắn, Zalo, hoặc đường link vào Facebook, chúng ta không biết trang nào đáng tin cậy. Khi có công nghệ mới, chúng ta sẽ biết trang nào đáng tin cậy, người dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn", ông Hưng nói.

Tại Diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng giữa Công ty TNHH Whalebone Séc và đối tác Việt Nam dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam và Cộng hòa Séc.
Trong tương lai, VNPT dự kiến sẽ có nhiều hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ của Séc. Bởi theo ông Hưng, những kinh nghiệm của các doanh nghiệp Séc giúp các tập đoàn công nghệ Việt Nam tiếp cận và tiên phong nhất định trong việc cung cấp các giải pháp đến người dùng bao gồm cả người dùng cá nhân và tổ chức tại Việt Nam.
Những lĩnh vực ưu tiên của VNPT sẽ hợp tác với Séc trong thời gian tới gồm: Lĩnh vực big data xử lý dữ liệu, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI,5G 6G…
Việt Nam hiện là đối tác thương mại quan trọng của Cộng hòa Séc tại khu vực Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại song phương đã vượt mốc 4 tỷ USD trong năm qua và tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình kết hợp đầu tư với Séc, ông Hưng cho rằng, vai trò, thế mạnh của VNPT và các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể hướng đến các giải pháp cho doanh nghiệp của Séc nhiều hơn là hướng đến thị trường cá nhân. Vì VNPT và các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh về nhân công có trình độ cao, chi phí đầu vào rẻ nên sản phẩm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.
Tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề xuất một số lĩnh vực ưu tiên để tăng cường hợp tác doanh nghiệp giữa hai nước gồm: lĩnh vực công nghiệp và giao thông vận tải; năng lượng và môi trường; nông nghiệp và công nghệ thực phẩm; khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; hợp tác giáo dục và đào tạo nghề.
Cộng hòa Séc hiện có 41 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 90 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực thiết thực như: Năng lượng, công nghệ, giao thông đường sắt, máy móc nông nghiệp và thiết bị tưới tiêu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Phương kỳ vọng Diễn đàn sẽ là cơ hội để hai bên thảo luận, đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác tài chính, quản lý tài chính công, phát triển thị trường vốn, đầu tư vào công nghệ tài chính và các giải pháp tài trợ cho chuyển đổi xanh.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, Thứ trưởng Phương đề xuất tăng cường trao đổi thông tin về môi trường đầu tư minh bạch, chính sách tài chính, thị trường vốn và các chính sách ưu đãi đầu tư của hai nước; tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, hội thảo chuyên đề để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cơ hội và môi trường đầu tư.
Đại diện Bộ Tài chính Việt Nam cũng đề xuất thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực tài chính, bao gồm trao đổi chuyên gia và tổ chức các khóa học quản lý tài chính hiện đại nhằm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ hợp tác song phương. Đồng thời, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Séc hoạt động kinh doanh thành công và bền vững tại Việt Nam.