Du lịch

Phú Thọ phát triển du lịch trong không gian mới

12/07/2025, 14:13

Hợp nhất tỉnh Phú Thọ mở ra không gian mới, phát huy tối đa tiềm năng liên kết, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn vùng trung du miền núi Bắc Bộ.

Sau khi hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, bộ máy tinh gọn hơn, sự chỉ đạo xuyên suốt hơn là điều kiện cần để các ngành, lĩnh vực, trong đó có du lịch, được đầu tư phát triển bài bản, đồng bộ, bước vào giai đoạn tăng tốc mới với định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phú Thọ phát triển du lịch trong không gian mới- Ảnh 1.

Khu du lịch Flamingo Đại Lải là điểm đến của nhiều du khách.

Không gian mở rộng, tạo đà cho du lịch bứt phá

Vĩnh Phúc vốn nổi tiếng với Tam Đảo mờ sương, Đại Lải yên bình, khu danh thắng Tây Thiên - một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất cả nước, cùng các làng nghề, không gian văn hóa các dân tộc Dao, Cao Lan, Sán Dìu... phong phú.

Hòa Bình tự hào với hồ Hòa Bình, bản Mường, những cánh rừng nguyên sinh và di sản văn hóa Mường đặc sắc. Hay bản Lác, suối khoáng nóng Kim Bôi, Thung Nai... tạo nên những điểm nhấn đặc trưng. Hệ thống hang động kỳ vĩ, hệ sinh thái núi rừng, hồ thủy điện rộng lớn, kết hợp với ẩm thực dân tộc đang tạo đà phát triển.

Phú Thọ phát triển du lịch trong không gian mới- Ảnh 2.

Lễ hội Đền Hùng gắn với tín ngưỡng thờ cúng Tổ Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Phú Thọ, vùng đất Tổ, nơi cội nguồn dân tộc Việt Nam, với Khu di tích lịch sử Đền Hùng thiêng liêng, di sản hát Xoan, rừng quốc gia Xuân Sơn kỳ vĩ, hồ Ly, suối khoáng nóng Thanh Thủy...

Nếu trước đây, 3 tỉnh này phát triển du lịch còn thiếu liên kết chặt chẽ, thì nay, việc sáp nhập mở ra khả năng quy hoạch thành một "vành đai du lịch" đa dạng về sản phẩm, giàu tiềm năng kéo dài từ miền núi đến trung du, từ du lịch tâm linh, sinh thái đến nghỉ dưỡng cao cấp.

Không gian mở rộng cũng đồng nghĩa việc thu hút đầu tư vào du lịch sẽ thuận lợi hơn nhờ quy mô thị trường lớn, hạ tầng dùng chung được nâng cấp đồng bộ.

Để khai phá lợi thế mới, hạ tầng giao thông được xác định là yếu tố then chốt. Với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua Vĩnh Phúc (cũ), tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 32 qua Phú Thọ, quốc lộ 6 nối Hòa Bình (cũ) với Hà Nội, toàn vùng hình thành mạng lưới giao thông thuận lợi, liên thông các khu du lịch trọng điểm chỉ trong bán kính 100km.

Hệ thống đường tỉnh cũng sẽ được quy hoạch lại, gỡ nút thắt những điểm nghẽn, kết nối các bản làng, khu bảo tồn, di tích, điểm nghỉ dưỡng thành tour, tuyến bài bản. Việc nâng cấp các điểm dừng chân, bến bãi, dịch vụ phụ trợ cũng là một hướng đi để du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Tại Hội nghị phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2025 với thông điệp “Phú Thọ - Đến để yêu”, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới trong không gian du lịch mở rộng sau sáp nhập, ông Dương Hoàng Hương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, 65 năm qua, cùng sự lớn mạnh của ngành du lịch Việt Nam, du lịch Phú Thọ từng bước khẳng định vị thế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, sau khi hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, ngành du lịch bước vào giai đoạn tăng tốc mới với định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Du lịch của 3 tỉnh trước đây đều đã hình thành thương hiệu riêng với tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ 10 - 15%/năm, thu hút trên 10 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Các sản phẩm ngày càng phong phú, từ du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, đến du lịch cộng đồng và ẩm thực. Nhiều khu, điểm du lịch nổi bật đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách trong và ngoài nước”, ông Hương khẳng định.

Liên kết vùng tạo bản sắc riêng

Điểm khác biệt của du lịch vùng sau sáp nhập là khả năng xây dựng sản phẩm đặc trưng và gắn kết. Thay vì các lễ hội địa phương tổ chức riêng lẻ, các địa phương có thể cùng phối hợp để hình thành chuỗi lễ hội kéo dài, liên thông về không gian, đồng bộ về truyền thông.

Phú Thọ phát triển du lịch trong không gian mới- Ảnh 3.

Lễ hội Tây Thiên Tam Đảo hằng năm thu hút đông đảo nhân dân tham dự.

Khi có không gian mở rộng, tỉnh Phú Thọ mới sẽ không chỉ là sự giao hòa về địa lý, kinh tế, mà trước hết là sự kết tinh của ba dòng chảy văn hóa lớn khi Phú Thọ - cội nguồn của dân tộc Việt Nam với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan, đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc - quê hương của Quốc Mẫu Tây Thiên, cũng là nơi quy tụ nhiều lễ hội cổ truyền đầy nét văn hóa và đặc sắc cho dù lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang rất mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc riêng đã trở thành hình mẫu cho sự phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Hòa Bình - với những bản làng Mường, Dao, Thái... độc đáo, mang trong đó những kho tàng văn hóa phi vật thể sống động sẽ là nguồn tài nguyên vô tận cho phát triển du lịch văn hóa, cộng đồng và giữ gìn bản sắc. Khi hợp lực, một không gian văn hóa liên vùng sẽ được thiết lập, tạo nền móng cho chiến lược phát triển du lịch, đưa Phú Thọ mới trở thành điểm đến di sản - sinh thái - trải nghiệm đặc sắc của cả nước.

Việc sáp nhập cũng giúp công tác xúc tiến, quảng bá du lịch mang tính thống nhất hơn. Các sản phẩm OCOP, làng nghề, lễ hội, ẩm thực của ba tỉnh sẽ được gắn thành thương hiệu chung, tạo sức cạnh tranh với các điểm đến lân cận như: Sa Pa, Mộc Châu, Hà Giang.

Tại hội nghị công bố các quyết định về công tác cán bộ, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Đặng Xuân Phong đã yêu cầu toàn thể đội ngũ cán bộ phát huy tinh thần đổi mới, thích ứng nhanh, quyết tâm vượt khó, giữ vai trò phục vụ thay vì chỉ quản lý hành chính thuần túy. Đây cũng chính là tinh thần mà du lịch vùng cần có: Phục vụ tận tâm, chuyên nghiệp, tạo ra giá trị trải nghiệm tốt nhất cho du khách.

Với dân số trên 4 triệu người, diện tích hơn 9.300km2, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa phong phú, tỉnh Phú Thọ được kỳ vọng sẽ trở thành cực tăng trưởng mới về du lịch của vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng như cả nước. Khi không còn rào cản địa giới sẽ thuận lợi về chia sẻ quy hoạch, đầu tư chung hạ tầng du lịch, hình thành các chuỗi du lịch liên kết.