Điện ảnh

“Seeding bẩn” thao túng khán giả đến rạp

14/05/2025, 11:38

Vấn nạn "seeding bẩn" từng bị đạo diễn Lý Hải (phim Lật mặt 8: Vòng tay nắng), Trần Hữu Tấn (phim Chuyện ma gần nhà), Lương Đình Dũng (phim 578: Phát đạn của kẻ điên),... kêu trời khi phim của họ ra rạp.

Theo thống kê mới nhất từ Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập), "Lật mặt 8: Vòng tay nắng" của đạo diễn Lý Hải lùi xuống vị trí thứ 2 phòng vé sau nhiều ngày giữ ngôi vương doanh thu.

“Seeding bẩn” thao túng khán giả đến rạp- Ảnh 1.

"Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" dẫn đầu doanh thu phòng vé ngày 14/5.

"Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu" của Victor Vũ hiện đang đứng đầu phòng vé ngày 14/5, với doanh thu hơn 1,3 tỷ đồng, trên tổng số 2.430 suất chiếu và 24.158 vé được bán ra. Tổng doanh thu của phim hiện là hơn 208 tỷ đồng sau 20 ngày ra rạp.

Trong khi đó, doanh thu ngày 14/5 của "Lật mặt 8: Vòng tay nắng" đạt doanh thu hơn 656 triệu đồng, trên tổng số 1.841 suất chiếu và 14.278 vé được bán ra. Tổng doanh thu của phim hiện là hơn 208 tỷ đồng sau 15 ngày ra rạp.

Trước đó, khi "Lật mặt 8: Vòng tay nắng" vừa công chiếu, vợ chồng đạo diễn, nhà sản xuất Lý Hải, Minh Hà liên tục cầu cứu khán giả khi bộ phim bị "seeding bẩn" (bình luận "tô hồng" hoặc "bôi bẩn" quá mức) từ lúc phim chưa chiếu.

"Bao năm qua tôi giữ đạo đức, sự trong sáng với nghề nghiệp, khán giả. Tôi không hại ai, chỉ seeder tung hoành tấn công tôi và Lật mặt 8. Mong khán giả biết và hiểu tôi bao năm qua lên tiếng giúp. Chỉ có khán giả mới giúp được tôi đi qua cơn bão này", Lý Hải bày tỏ.

Còn Minh Hà khẩn cầu khán giả: "Vì anh Hải không hại ai, nên seeder bẩn đã tung hoành tấn công anh Hải và 'Lật mặt 8'.

“Seeding bẩn” thao túng khán giả đến rạp- Ảnh 2.

Lý Hải, Minh Hà ở hậu trường phim "Lật mặt 8: Vòng tay nắng".

Xin khán giả - những người đã hiểu anh Hải bao năm qua hãy lên tiếng giúp, bằng cách đăng những đánh giá lên trang cá nhân. Chỉ có tiếng nói của khán giả thật mới có thể giúp anh Lý Hải và 'Lật mặt 8' trước cơn bão seeder bẩn mà anh Hải đã chịu đựng từ khi ra teaser tới nay".

Trước đó, vấn đề truyền thông "bẩn" tương tự cũng từng bị đạo diễn Trần Hữu Tấn (phim Chuyện ma gần nhà), Lương Đình Dũng (phim 578: Phát đạn của kẻ điên), nhà sản xuất Võ Thanh Hòa (phim Linh miêu: Quỷ nhập tràng)... kêu trời khi phim của họ ra rạp.

Thực tế, không riêng điện ảnh, seeding là phương thức truyền thông được áp dụng với các sản phẩm nghệ thuật khác như âm nhạc, sân khấu… Thế giới cũng đã, đang khai thác hiệu quả phương thức này.

Nghiên cứu năm 2024 của Cao đẳng Nghệ thuật và Khoa học, Đại học Washington, Mỹ chỉ ra, các chiến dịch seeding hiệu quả có thể giúp tăng doanh số phòng vé tới 15-20%.

Đơn cử, "Deadpool" đã tăng doanh thu khoảng 20% so với dự kiến, lên tới hơn 360 triệu USD ở khu vực Bắc Mỹ nhờ công cụ này.

Từng trực tiếp tham gia trong các chiến dịch truyền thông của nhiều nhà phát hành tại Việt Nam, nhà quan sát, đầu tư văn hóa Nguyễn Anh Tuấn tiết lộ, trong tổng kinh phí khoảng 20-30 tỷ đồng/ phim, truyền thông chiếm khoảng 1-1,5 tỷ đồng, trong đó có chi phí cho khâu seeding.

"Chỉ số truyền miệng được nhà phát hành liên tục đo lường, cập nhật liên tục. Nếu chỉ số này giảm, họ sẽ sử dụng seeding để tăng độ lan tỏa trên mạng xã hội, nhằm thúc đẩy hành vi mua vé", ông Tuấn cho hay.

“Seeding bẩn” thao túng khán giả đến rạp- Ảnh 3.

Hugh Jackman (trái) và Ryan Reynolds trong phim "Deadpool & Wolverine".

Tuy nhiên, việc seeding không phản ánh được chất lượng bộ phim. Đây chỉ là chiêu trò để thu hút khán giả trung lập trong một thời gian ngắn, giúp tăng doanh thu, suất chiếu trong thời gian ngắn.

Nếu bị đẩy quá đà, phương thức này có thể phản tác dụng, khiến khán giả mất niềm tin, thậm chí quay lưng với bộ phim. Tuy nhiên, trong bối cảnh trung bình 1 tháng, rạp Việt có 3-4 phim mới chào sân. Seeding bẩn như một vũ khí ngầm nhằm thao túng tâm lý khán giả đến rạp.

"Seeding bẩn trong phim ảnh tại Việt Nam hiện nay vẫn mang hơi hướm 'cá lớn nuốt cá bé'. Bộ phim nào có ngân sách lớn, chiến dịch seeding bẩn càng được đẩy mạnh để tạo hiệu ứng giả, thu hút hành vi mua vé của khán giả. Lâu dài, điều này tạo môi trường không lành mạnh đối với ngành phim ảnh.

Hiện tại, chưa có cách thức để giảm thiểu tình trạng này, cũng chưa có cơ sở để phân định ai, ê kíp nào là người đứng sau mỗi dự án seeding bẩn.

Vì vậy, việc có thể kiểm soát được vấn nạn seeding bẩn hay không vẫn phụ thuộc nhiều vào đạo đức, tiêu chuẩn làm nghề của các nhà làm phim", ông Tuấn nhìn nhận.