Tận dụng cơ chế đặc thù, TP.HCM sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 khu đất làm nhà ở xã hội
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong năm 2025, TP.HCM sẽ tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội tại tám khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý với tổng quy mô khoảng 10.000 căn hộ.
Hoàn thiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho từng nhóm đối tượng đặc thù
Ngày 26/4, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đơn vị vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về tiến độ thực hiện chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, trình bày các đề án, kế hoạch phát triển cho từng nhóm đối tượng đặc thù.
Theo Sở Xây dựng, giai đoạn từ năm 2021 đến hết quý I/2025, thành phố đã xây dựng hoàn thành sáu dự án với quy mô 2.745 căn hộ. Cùng đó, thành phố đang thi công bốn dự án với quy mô 2.874 căn hộ, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện thủ tục pháp lý đối với 21 dự án với quy mô khoảng 40.000 căn hộ.
Trước đó, thành phố đã đăng ký với Bộ Xây dựng về chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội năm 2025. Cụ thể, sẽ có ba dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025 với quy mô 2.316 căn hộ; tám dự án dự kiến khởi công với quy mô khoảng 8.000 căn hộ; năm dự án dự kiến được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô khoảng 20.000 căn hộ.

Dự án Nhà lưu trú công nhân tại cụm tiểu thủ công nghiệp phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức)
Để tập trung phát triển nhanh nhà ở xã hội, phấn đấu đạt chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao đến năm 2030 là 100.000 căn, Sở Xây dựng tham mưu UBND TP.HCM tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục góp ý và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhà ở xã hội.
Sở Xây dựng sẽ phối hợp hoàn thiện các đề án, chính sách, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho từng nhóm đối tượng đặc thù, phát huy nguồn lực tổng thể của các ngành, lĩnh vực.
Cụ thể, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phát triển nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang; phối hợp với Liên đoàn Lao động để phát triển nhà ở xã hội từ nguồn vốn tài chính công đoàn; phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách, cho cán bộ công chức, đội ngũ bác sĩ, giáo viên… có đóng góp cho thành phố.
Đồng thời, thành phố cũng phát triển nhà lưu trú cho công nhân làm việc trong các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất; nhà ở xã hội cho các đối tượng sống trên và ven rạch…
Ngoài ra, Sở Xây dựng tiếp tục trình HĐND TP.HCM ban hành nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách của thành phố; thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án nhà ở xã hội sớm đưa vào triển khai xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh (hàng trên, thứ ba từ phải) và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường (hàng trên, thứ hai từ phải) thị sát một dự án nhà ở xã hội ở TP Thủ Đức.
Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại nhiều khu đất
Trong năm 2025, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục pháp lý đối với các dự án nhà ở xã hội đảm bảo theo chỉ tiêu mà Chính phủ giao và chỉ tiêu được nêu tại chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
Đặc biệt, ưu tiên các dự án có quy mô lớn trên 1.000 căn để sớm triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; 5 dự án dự kiến được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô khoảng 20.000 căn hộ.
TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại tám khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý với tổng quy mô khoảng 10.000 căn hộ; thúc đẩy khởi công tám dự án với quy mô 8.000 căn hộ.
Được biết, theo đề án của Chính phủ về "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, giai đoạn 2021-2030" (Quyết định số 338 ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ), TP.HCM được giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đến năm 2030 là 69.700 căn (trong đó giai đoạn 2021-2025 là 26.200 căn, giai đoạn 2026 - 2030 là 43.500 căn).
Theo Quyết định số 444 ngày 27/2 của Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, giao chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cho TP.HCM năm 2025 là 2.874 căn, năm 2026 là 6.410 căn, năm 2027 là 9.610 căn, năm 2028 là 12.820 căn, năm 2029 là 16.020 căn và năm 2030 là 19.221 căn.
Trước đó, ngày 11/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cùng Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường và lãnh đạo các sở, ngành đã có buổi đi thực tế một dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM. Sau buổi thị sát, đoàn công tác đã làm việc với Sở Xây dựng TP.HCM về tình hình phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, TP.HCM với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, đang đứng trước áp lực rất lớn về nhu cầu nhà ở cho người lao động thu nhập thấp. Chính vì vậy, việc phát triển nhà ở xã hội phải đi kèm với quản lý chặt chẽ về quy hoạch, không gian sống, hạ tầng giao thông và dịch vụ xã hội đi kèm.
Bài toán nhà ở xã hội cũng là thước đo năng lực quản lý nhà nước, sự vào cuộc của chính quyền trong việc tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, nhất là trong bối cảnh Luật Nhà ở, Luật Đất đai sửa đổi đã có hiệu lực.
Nếu tận dụng tốt các cơ chế đặc thù, tăng cường sự phối hợp giữa các sở ngành và đồng hành cùng doanh nghiệp, TP.HCM hoàn toàn có thể không chỉ đạt mà còn vượt chỉ tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2030, qua đó khẳng định vai trò là đô thị dẫn dắt phát triển nhà ở bền vững của cả nước.